Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Tạp ca Japga Hàn Quốc xưa và nay

#Âm điệu ngàn xưa l 2021-09-01

Âm điệu ngàn xưa

Tạp ca Japga Hàn Quốc xưa và nay

Giao thoa nhạc Jazz và tạp ca Japga ở Hàn Quốc

Những ngôi làng trải dài dưới chân những mỏm núi nhấp nhô, phía trước làng bát ngát sóng lúa xanh rờn, cạnh ruộng lúa có con mương nước róc rách chảy với đôi bờ rậm rạp cỏ là phong cảnh làng quê tiêu biểu ở nông thôn Hàn Quốc xưa kia. Người dân sống ở đây cứ tới mùa mưa lại mang giỏ mang vợt đi bắt cá. Những cơn mưa hạ nhiệt vào mùa hè nóng bức làm lượng ôxy trong nước tăng lên khiến lũ cá hoạt động nhiều hơn. Và đây cũng là dịp người dân trong làng được thưởng thức hương vị của cá. 

Trong âm nhạc truyền thống Hàn Quốc có một nhạc phẩm mang tên “Yukchilwol Heurinnal” (Ngày âm u  tháng 6, tháng 7) kể về câu chuyện đi bắt cá của một người đàn ông. Khi nhìn thấy dưới suối có nhiều cá thì người đàn ông chắc mẩm là nếu có trong tay dụng cụ thì sẽ bắt được cả lũ cá kia. Đúng lúc đó, một cậu bé làm thuê cho nhà khác dắt bò đi qua, người đàn ông liền gọi cậu bé và liến thoắng rằng nếu ngươi cho ta mượn cái giỏ kia thì ta sẽ bắt hết lũ cá này, rồi ngươi hãy mang giỏ cá về nhà cho vợ ta bảo cô ấy là cho thêm vài lát bí và nấu thật ngon vào. Nhưng làm kẻ ăn người ở cho người khác từ nhỏ, cậu bé đâu dễ ngoan ngoãn nhận lời kia chứ. Cậu bé liền tỏ thái độ rất ỡm ờ và nói rằng mình đang bận. Có lẽ người đàn ông phải chia cho cậu bé chút đỉnh thì cậu ta mới ngoan ngoãn nhận lời. Gần đây, nhạc phẩm “Yukchilwol Heurinnal” (Ngày âm u tháng 6, tháng 7) đã được nghệ sĩ Lee Hee-mun hát trên phần đệm nhạc jazz


Những nét khác biệt của tạp ca Japga  so với các loại hình âm nhạc khác

“Yukchilwol Heurinnal” (Ngày âm u tháng 6, tháng 7) vốn dĩ đây là khúc tạp ca “Hwimori Japga” của vùng Seoul và Gyeonggi. Xưa kia ở Hàn Quốc, dòng âm nhạc mà giới quý tộc và trung lưu ưa thích như Gagok, Gasa và Sijo được gọi Jeongga, tức “chính nhạc”. Còn Japga (Tạp ca) là âm nhạc được bách tính ưa chuộng nhưng khác với dân ca Minyo, tạp ca Japga là dòng âm nhạc được các nghệ sĩ chuyên nghiệp hát và kế tục cho tới ngày nay.

Trước kia, trong giới nghệ sĩ hát tạp ca Japga của vùng Seoul và Gyeonggi có một nhóm ca sĩ hát nhạc truyền thống tên là Sagyechuk (Tứ khế trục), vừa làm nghề thủ công vừa đi hát chủ yếu ở đồi Mallijae và phường Cheongpa. Truyền rằng cứ tới mùa đông, họ lại gọi các danh ca hát kể chuyện Pansori nổi tiếng đến tụ tập trong căn chòi chứa rau, dạy nhau hát hoặc vui ca thâu đêm suốt sáng. Khởi đầu là những khúc hát mang phong cách điềm đạm như thơ cổ Sijo, rồi tới “Gin Japga”. Tới lúc cảm xúc lên đến cao trào thì kẻ hát người múa, người gõ trống nhỏ Sogo, và cuộc vui thường kết thúc bằng khúc tạp ca “Hwimori Japga”. So với “Gin Japga”, “Hwimori Japga” có nhịp điệu nhanh, dồn dập, lời ca hóm hỉnh. Một trong khúc ca tiêu biểu của “Hwimori Japga” chính là “Maenggongi Taryeong” (Khúc ca ễnh ương). 

“Maenggongi Taryeong” (Khúc ca ễnh ương) là khúc hát ví von chú ễnh ương (maeggongi) sống bên dòng suối Cheonggye (Thanh Khê) chảy giữa thủ đô Seoul, với những người đần độn, khờ khạo hay bị người đời nhạo báng. Bằng lối châm biếm, “Khúc ca ễnh ương” miêu tả sinh động cuộc sống của người dân thủ đô từ cuối thời Joseon đến thời kỳ Hàn Quốc bị thực dân Nhật Bản đô hộ qua hình ảnh những con ễnh ương lấy chiếc guốc gỗ cũ kỹ trôi trên con suối để chơi trò chèo thuyền, hay ễnh ương cái cứ hễ lấy chồng là chồng chết, rồi ễnh ương hay gây chuyện bị lính tuần tra bắt giữ. 


Trong âm nhạc truyền thống Hàn Quốc, dân ca Minyo thường hát theo nhịp điệu Semachi, Gutgeori hay Jungmori. Nhưng tạp ca Hwimori Japga lại không có nhịp điệu cố định. Đặc trưng của lối hát này là nhịp điệu của câu hát thường xuyên thay đổi theo ca từ và giai điệu. Ca từ trong Hwimori Japga được hát với tốc độ rất nhanh nên người nghe khó nắm bắt được nội dung hơn so với các lối hát chậm rãi như chính ca Jeongga hay tạp ca Gin Japga. Tạp ca “Bawi Taryeong” (Khúc ca tảng đá) kể về chuyện một người ăn cơm mà nhai phải sạn. Và anh ta đã hóm hỉnh liệt kê các mỏm đá nổi tiếng trên cả nước, cho rằng đó chính là nguồn gốc của hạt sỏi trong niêu cơm. Bài hát kết thúc bằng hình ảnh sau khi chật vật ăn xong bát cơm, nhân vật chính vừa xỉa răng vừa tính húp hớp nước cơm cháy tráng miệng, thì chợt thấy một đôi toan nghê Haetae (con vật trong tưởng tượng có mình sư tử và đầu rồng) đang bò ra ngay khi vừa mở vung niêu cơm. Trong đời sống tinh thần của người Hàn Quốc, toan nghê là linh vật biết phân biệt phải trái và ngăn chặn tai ương. Vì thế mà Haetae bằng đá hoa cương còn được dựng trước cổng Gwanghwwamun (Quang Hóa Môn). Thế nhưng chính đôi toan nghê bằng đá hoa cương lại xuất hiện trong niêu cơm. Thật đúng là một cách ví von hơi khoa trương đúng không nào?  


* Nhạc phẩm “Yukchilwol Heurinnal” (Ngày âm u tháng 6, tháng 7) / Lee Hee-mun (hát) và nhóm nhạc Prelude (phụ họa)

* Khúc tạp ca “Maenggongi Taryeong” (Khúc ca ễnh ương) / Lee Chun-hee

* Khúc tạp ca “Bawi Taryeong” (Khúc ca tảng đa) / Park Sang-ok

Lựa chọn của ban biên tập