Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Tâm tình của người dân Hàn Quốc được phản ánh trong đoản ca Danga

#Âm điệu ngàn xưa l 2021-09-08

Âm điệu ngàn xưa

Tâm tình của người dân Hàn Quốc được phản ánh trong đoản ca Danga

Cm giác vô thường về thời gian của nhân thế

Trong âm nhạc truyền thống của Hàn Quốc có một khúc hát được nhiều người thường nhớ tới mỗi khi chuyển mùa. Đó là khúc đoản ca Sacheolga (Tứ tiết ca), so sánh đời người với 4 mùa trong năm. Rằng, tuổi thanh xuân như hoa xuân rực nở mới hôm nào mà nay mái đầu đã bạc trắng như tuyết phủ dày ngày đông. Cảm nhận về sự vô thường này của thời gian, đoản ca Sacheolga (Tứ tiết ca) được mở đầu bằng câu:

Hoa đua nở khắp núi non trùng điệp

Xuân đã về thực sự xuân đã về


Đoản ca Sacheolga (Tứ tiết ca) được rất nhiều người yêu thích và còn được biết đến với tên gọi là “Isan Jeosan” (Núi này núi kia) vì lời ca bắt đầu với hai cụm từ này. Mùa đông giá lạnh trôi qua, con người ta lẽ ra phải cảm thấy hạnh phúc dâng trào trong nắng xuân ấm áp và hoa xuân đua nở, thế nhưng nhìn lại mái đầu bạc phơ mà thấy thời gian thật vô thường. Người đời vẫn nói cảm nhận về tốc độ thời gian tỷ lệ thuận với tuổi tác. Lúc nhỏ, chúng ta muốn lớn thật nhanh thành người lớn nhưng ngày tháng như giậm chân tại chỗ. Nhưng tới một thời điểm nào đó, mới ngoảnh đi ngoảnh lại thì đã hết một hai năm. Đời người dài đằng đẵng nhưng ngẫm cho cùng cũng giống như mỗi khi xuân, hạ, thu, đông hay một năm trôi qua đều để lại cho con người ta một nỗi luyến tiếc. Nếu sống thọ trong 80 năm thì trừ thời gian ngủ, hay ốm đau, lo lắng ra, liệu thời gian viên mãn vui vẻ của đời người có được bao nhiêu. Chính vì thế mà đoản ca Sacheolga (Tứ tiết ca) có nội dung khuyên nhủ con người là hãy vui hãy chơi cho thỏa cùng bằng hữu tri ân trong những thời khắc quý giá của đời người. 


Những nét đặc trưng của đoản ca Danga

Đoản ca Danga là những khúc hát ngắn để người nghệ sĩ hát kể chuyện Pansori lấy giọng và kiểm tra âm giọng trước khi hát trường ca chính thức. Các khúc đoản ca thường dài độ 5-6 phút, có nội dung nhẹ nhàng bay bổng như khúc đoản ca Sacheolga (Tứ tiết ca) luận về sự vô thường của thời gian hay các khúc đoản ca miêu tả về tâm hồn phấn chấn, niềm đam mê phong lưu ngao du thiên hạ hoặc câu hát ngợi ca những tấm gương vĩ nhân như Hyodoga (Bài ca về lòng hiếu thảo), Chunghyoga (Bài ca về lòng trung hiếu). Đa phần nhịp điệu của các khúc đoản ca không quá chậm cũng không quá nhanh, mà đều đều giống như nhịp điệu Jungmori. 

Trên thực tế, nếu nói người nghệ sĩ hát kể chuyện Pansori hát đoản ca để lấy giọng trước khán thính giả trước khi hát trường ca chính thì nghe sẽ không chuyên nghiệp cho lắm. Do đó, có lẽ họ hát đoản ca là để thu hút người xem, xác định bầu không khí buổi diễn và phản ứng của khán thính giả. Trong các khúc đoản ca của Hàn Quốc có khúc hát Gwangdaega (Bài ca người nghệ sĩ Gwangdae). Vào cuối thời Joseon, trong quá trình thu thập, bảo tồn và kế tục dòng nghệ thuật hát kể chuyện Pansori, danh nhân Shin Jae-hyo đã sáng tác khúc đoản ca này nhưng tới nay chỉ còn lưu truyền được phần ca từ. Sau này, danh ca Park Dong-jin đã sáng tác mới âm nhạc dựa trên phần ca từ được kế tục. Khúc hát như đại cương của dòng nghệ thuật hát kể chuyện Pansori, đề cập tới các điều kiện để trở thành một danh hài Gwangdae, giới thiệu những danh ca nổi tiếng của dòng nghệ thuật này. 


Xưa kia ở Hàn Quốc, hát kể chuyện Pansori chủ yếu được hát trong những dịp quan trọng như tiệc mừng thọ 60 tuổi hay những hỷ sự lớn trong gia đình. Mời được gánh hát tới nhà biểu diễn là việc rất tốn kém đối với các gia đình, vì thế mà các nghệ sĩ sẽ tận tâm hát vài ba trích đoạn của các trường ca và cả các đoản ca nữa. Gần đây, các màn trình diễn hát kể chuyện Pansori trên sân khấu thường chỉ kéo dài trong 10 phút nên các nghệ sĩ không đủ thời gian hát đoản ca trước tiết mục chính. Thế nên các sân khấu chỉ dành cho biểu diễn đoản ca đã xuất hiện, có khi còn được trình bày theo lối vừa hát vừa tấu đàn tranh 12 dây Gayageum Gayageumbyeongchang.

Trong dòng đoản ca có khúc Jukjangmanghye, âm Hán là “Trúc trượng mang hài”, có nghĩa là “chiếc gậy trúc và đôi giày bện cỏ”. Đây là khúc hát mô tả diện mạo của người đi ngao du khắp chốn với hành trang đơn sơ là một chiếc gậy trúc và một đôi giày bện cỏ. Thời nay có nhiều người dù chỉ leo lên ngọn núi phía sau nhà thôi cũng khệ nệ hành trang chẳng khác nào người đi leo núi Himalaya. Xưa kia ở Hàn Quốc, khi đi ngao du thiên hạ, những người quyền quý chức tước thì đi ngựa đi kiệu còn đoàn người tháp tùng thì phải đi bộ và mang vác lỉnh kỉnh theo sau. Đoản ca Jukjangmanghye (Trúc trượng mang hài) đã cho thiên hạ thấy rằng đi du ngoạn đâu cần xa xỉ rùm beng mà chỉ cần mang tấm lòng tự do tự tại, cất bước với tư trang nhẹ nhàng. Và rằng có lột bỏ được lớp vỏ bọc thì tâm hồn mới thư thái để thưởng ngoạn vẻ mĩ miều của thiên nhiên.


* Khúc đoản ca Sacheolga (Tứ tiết ca) / Jo Sang-hyeon

* Khúc đoản ca “Bài ca người nghệ sĩ Gwangdae” / Park Dong-jin 

* Khúc Jukjangmanghye (Trúc trượng mang hài) / Park Kwi-hee (vừa tấu đàn tranh 12 dây Gayageum vừa hát)

Lựa chọn của ban biên tập