Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Bước đường phát triển của đàn tranh 6 dây Geomungo ở Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2021-09-15

Âm điệu ngàn xưa

Bước đường phát triển của đàn tranh 6 dây Geomungo ở Hàn Quốc

Những câu chuyện về đàn tranh 6 dây Geomungo

Ở Hàn Quốc, những loại nhạc khí thổi bằng ống trúc như sáo trúc ngang lớn Daegeum, kèn bầu Taepyeongso, sáo trúc ngắn Danso được gọi là Piri. Ngày nay, người Hàn Quốc hay lấy tên gọi Gayageum khi nhắc đến đàn huyền cầm nhưng xưa kia họ gọi đó là Geomungo. Toàn bộ đàn huyền cầm từ Trung Quốc gồm cả Gayageum và Geomungo đều được ghi chép trong sử ký là “cầm”, tức Geomungo. Do đó, khó có thể phân biệt được loại đàn được nhắc đến trong sử ký là nhạc cụ nào. Điều này cho thấy lúc đương thời, đàn tranh 6 dây Geomungo đã được sử dụng rộng rãi trong xã hội. Nhạc phẩm mở màn cho chuyên mục Âm điệu ngàn xưa hôm nay có tên gọi là Geomungojari (Chòm sao đàn tranh Geomungo). Trong thần thoại Hy Lạp, thần Hermes đã tặng thần Apollo một cây đàn hạc Harp. Sau đó, thần Apollo trao lại cây đàn này cho con trai Orpheus là một thiên tài âm nhạc. Khi người vợ qua đời, Orpheus đã diễn tấu đàn hạc trước Diêm vương. Và sau khi Orpheus chết, đàn hạc bay lên trời, trở thành chòm sao có tên trong tiếng Latinh là Lyra (Chòm sao Thiên Cầm), mà người Hàn Quốc gọi là chòm sao đàn tranh Geomungo Geomungojari. 


Giới nghệ sĩ trẻ và nỗ lực đổi mới cây đàn Geomungo

Geomungojari là nghệ danh của nghệ sĩ Kim Eun-seon, từng hoạt động ở nhiều nhóm nhạc truyền thống tổng hợp. Với mong muốn thể hiện sắc thái âm nhạc mang phong cách riêng, Kim Eun-seon đã trực tiếp sáng tác và phát hành đĩa nhạc dưới nghệ danh Geomungojari. Thuở xưa, người Hàn Quốc còn gọi đàn tranh 6 dây Geomungo là Baekakjijang, âm Hán là “Bách nhạc chi trượng”, có nghĩa là nhạc cụ hàng đầu trong tất cả các nhạc cụ, chỉ nhạc cụ của giới học giả. Đối với người xưa, âm nhạc không chỉ đơn thuần là để thưởng thức mà còn là công cụ để giao tiếp với vũ trụ, kiểm soát bản thân thuận theo tự nhiên. Thế nên trong Samgukyusa (Tam quốc di sự) có ghi rằng một vị vua nước Silla dù đã từ giã cõi đời nhưng vì canh cánh tới vận mệnh quốc gia mà đã sai rồng mang tới tặng người kế vị một nhạc khí thần kỳ có tên là Manpasikjeok (Vạn ba tức địch). Nhạc cụ này có khả năng khiến mọi sóng gió bão bùng đều tan biến và vạn vật trở nên êm đềm. Nếu như Manpasikjeok có sức mạnh thay đổi thế gian thì đàn tranh 6 dây Geomungo lại có thể thay đổi tâm tính con người. Người xưa tấu đàn tranh Geomungo để tĩnh tâm trong thế giới rối ren hỗn loạn, nuôi dưỡng con mắt nhìn nhận thế giới một cách đúng đắn. Âm nhạc được tấu bằng nhạc cụ này hẳn sẽ khiến người nghe cảm thấy tâm hồn an yên thanh thản. Quan niệm này về cây đàn tranh 6 dây Geomungo đã bén rễ trong tâm tưởng của người Hàn Quốc cả hơn nghìn năm, thế nhưng tới cuối thời Joseon, dòng âm nhạc Sanjo ra đời lấy cây đàn tranh 6 dây Geomungo để tấu giai điệu hưng phấn, thì có nhiều người khi nghe đã than phiền rằng “thế gian chắc sẽ suy tàn”. Không biết nếu nhìn thấy được sự phát triển đa phong cách hiện nay của đàn tranh 6 dây Geomungo, thì những người này sẽ nghĩ thế nào nhỉ. 


Nhóm nhạc Gomungo Factory gồm ba nghệ sĩ chơi đàn tranh 6 dây Geomungo và một nghệ sĩ chơi đàn tranh 12 dây Gayageum. Geomungo Factory đã thổi vào cây đàn tranh 6 dây Geomungo một luồng gió mới mang hơi thở thời đại như đổi mới cách tấu đàn. Đó là thay vì giáng que gẩy Suldae xuống dây đàn để tạo âm thanh theo cách truyền thống, họ dùng ngón tay búng gẩy nhấn nhá dây đàn để tạo âm thanh giống như đàn tranh 12 dây Gayageum, hay dùng cung vĩ Hwal cọ sát vào dây đàn tạo âm thanh giống đàn tranh Ajaeng, có khi lại gõ như chơi đàn gõ Xylophone. Nhóm còn chế tác cả đàn tranh 6 dây Geomungo điện tử. Dù Geomungo Factory dừng bước sau chưa đầy 10 năm hoạt động, nhưng hiện vẫn có khá nhiều nghệ sĩ đi theo phong cách biểu diễn của nhóm nhạc này


* Nhạc phẩm “Chòm sao đàn tranh Geomungo” / Geomungojari 

* Nhạc phẩm “Black Bird” / nhóm nhạc truyền thống Geomungo Factory 

* Nhạc phẩm “Moksoriwa Geomungo” (Giọng hát và đàn tranh Geomungo) / Park Wu-jae

Lựa chọn của ban biên tập