Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Tâm tình của người Hàn Quốc xưa trong tiết thu

#Âm điệu ngàn xưa l 2021-10-13

Âm điệu ngàn xưa

Tâm tình của người Hàn Quốc xưa trong tiết thu

Người Hàn Quốc và hoa cúc mùa thu

Giờ đang là thời điểm hoa cúc nở rộ ở Hàn Quốc. Hương cúc ngào ngạt lan tỏa, lôi cuốn lòng người, khiến không ít thi sĩ tức cảnh thành thơ. Trong đó có thể kể tới tác phẩm để đời của thi hào Đào Uyên Minh sống dưới thời nhà Tấn và Lưu Tống ở Trung Quốc, rằng:

Thu về hoa cúc đua nhau nở

Hái nụ cúc xinh đẫm sương đêm

Thả chén rượu nồng gột sạch mọi lo âu

Lòng những tưởng xa rời thế sự


Một bông cúc thả trong chén rượu, rất đỗi đời thường nhưng lại tạo cho con người ta một cảm giác thật đặc biệt. Ai không uống rượu thì có thể thả hoa cúc vào tách trà nóng mà nhâm nhi tận hưởng hương vị đặc trưng của cúc mùa thu. Chúng ta cũng có thể tìm thấy hình ảnh hoa cúc trong thơ cổ Sijo của Hàn Quốc, rằng:

Ngoài khung cửa ta trồng khóm cúc,

Dưới khóm hoa ta ủ bình rượu thơm

Rượu chín, cúc nở, bằng hữu tới thì trăng đã lên cao

Tấu nhạc, xướng ca, cùng trò chuyện thâu đêm


Ủ chum rượu thơm, chờ dịp hoa cúc nở, rồi cùng bằng hữu tri kỷ vừa ngắm hoa thưởng nhạc, vừa nhâm nhi chén rượu nồng dưới ánh trăng sáng dịu giữa một bầu không khí ngát hương hoa. 


Thu trong âm nhạc truyền thống Hàn Quốc

Nếu như chính nhạc Gagok luôn phải trình diễn theo một khuôn phép nghiêm ngặt cùng phần hòa tấu của các loại đàn huyền cầm và nhạc khí ống, thì thơ cổ phổ nhạc Sijo có thể hát cùng phần đệm nhạc của các nhạc cụ như sáo trúc ngang lớn Daegeum, đàn nhị Haegeum hay sáo trúc ngắn Danso. Hoặc nếu không có nhạc cụ đệm thì chỉ cần hát theo nhịp vỗ đùi, nhưng không có gì sánh bằng nếu được hát trên phần đệm của đàn tranh 6 dây Geomungo. 

Ngày 14/10 là mùng 9/9 theo lịch âm. Do có số 9 trùng nhau nên người đời còn gọi ngày này là Tết Trùng cửu hay là Tết Trùng dương. Từ xa xưa, người phương Đông đã rất coi trọng những dịp có ngày và tháng trùng nhau là số lẻ trong lịch âm, như Tết Nguyên đán 1/1, tiết hàn thực 3/3, Tết Đoan ngọ 5/ 5, ngày Thất tịch 7/7 cũng là ngày duy nhất trong năm Ngưu Lang và Chức Nữ được gặp nhau. Đặc biệt hơn cả là ngày Tết Trùng dương 9/9 âm lịch, vì trong những số lẻ, số 9 được coi là chữ số tượng trưng cho sự hoàn thiện và vĩnh hằng. Mùng 9/9 âm lịch cũng là thời điểm người nông dân gần như hoàn tất mùa thu hoạch, bầy chim én cũng bay về phương Nam tránh rét. Vào dịp này, người Hàn Quốc thường rủ nhau leo núi, rán bánh hoa cúc, uống rượu hoa cúc, làm thơ và vui chơi. 

Trong âm nhạc của Hàn Quốc có nhạc phẩm Heungtaryeong (Bài ca hưng phấn). Phần ca từ cuối có đoạn:

Là giấc mơ, giấc mơ, tất cả đều là giấc mơ

Cả ta và người, muôn loài vạn vật đều là giấc mơ

Cứ tỉnh rồi lại mơ, tỉnh mơ cũng là giấc mơ

Sống trong mơ, chết cũng trong mơ, đời người sao vô vị

Những ca từ này càng thấm thía tâm can người nghe khi một năm nữa lại sắp trôi qua.

Hay trong khúc ca Gwansanyungma (Quan Sơn nhung mã) là khúc Sichang được phổ nhạc từ áng thơ của văn sĩ Shin Kwang-su (1712-1775) sống vào thời vua Yeongjo (Anh Tổ) của triều đại Joseon thế kỷ XVIII. Khúc Sichang Gwansanyungma mở đầu bằng đoạn: 

Sông thu phẳng lặng, cá lạnh băng

Người hóng gió Tây trên lầu gác Jungseon

Khúc hoa mai của vạn quốc, thường nghe thấy tiếng sáo lúc hoàng hôn

Chống gậy, đuổi chó trắng trong quãng đời còn lại


* Khúc thơ cổ phổ nhạc Pyeongsijo “Chang Bakke Gukhwa Simgo” (Ngoài khung cửa ta trồng khóm cúc) / Kim Yong-wu

* Khúc thơ cổ phổ nhạc Sijo Heungtaryeong / Kim Su-yeon

* Nhạc phẩm Chugangi (Sông thu) / Choi Yun-yeong 

Lựa chọn của ban biên tập