Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Âm nhạc truyền thống Hàn Quốc thời hiện đại

#Âm điệu ngàn xưa l 2021-10-20

Âm điệu ngàn xưa

Âm nhạc truyền thống Hàn Quốc thời hiện đại

Âm nhạc truyền thống Hàn Quốc trong phong cách nhạc Jazz

Lão Tử có câu “Thượng thiện nhược thủy”, ví người có tâm thiện với nước. Nước có tính nhu, ngày đêm chảy không ngừng, bốc hơi lên thì thành mưa, chảy xuống thì thành sông rạch, gặp vật cản trở thì uốn khúc và tránh đi, vậy nên nước có thể đi đến bất cứ nơi đâu. Câu này có ý muốn đề cao những người tự do tự tại, có thể hòa nhập với mọi điều kiện hoàn cảnh xung quanh mà vẫn giữ được khí chất của mình. Cho dù bản chất tốt đến mấy đi chăng nữa nhưng nếu bảo thủ và luôn cố chấp cho rằng mình đúng thì sẽ khó có được mối quan hệ tốt đẹp với mọi người xung quanh. Và kết cục là chỉ khiến bản thân thêm mệt nhọc mà chẳng thể thay đổi được đối phương. Có lẽ văn hóa truyền thống cũng vậy. Việc duy trì diện mạo vốn có xưa kia là vô cùng quan trọng, nhưng sẽ tốt hơn nếu nó được thay đổi cho phù hợp với hơi thở của thời đại và được người dân trong xã hội hiện đại tiếp cận và yêu thích một cách tự nhiên. 

Nhóm SinaKowan Duo do ca sĩ nhạc Jazz Sina cùng với nghệ sĩ đàn ghi-ta Pháp Resgis Coisne thành lập năm 2007. Được biết, nghệ sĩ đàn ghi-ta Resgis Coisne đã rất hứng thú khi nghe các bài hát Hàn Quốc. Anh đã chủ động đề xuất cùng sản xuất nhạc, trực tiếp biến tấu và ghi âm các nhạc phẩm. Bản thân khúc ca Doragi mà quý vị vừa nghe cũng do chính bàn tay của Resgis Coisne nhạo nặn nên. Lắng nghe âm nhạc của SinaKowan Duo, người nghe có thể cảm nhận được sự tinh tế chau chuốt và tâm hồn người nghệ sĩ giống như một tấm áo tuyệt đẹp được hoàn thiện từ những mũi kim đường chỉ nắn nót. Trước kia, âm nhạc truyền thống Hàn Quốc biến tấu chỉ đơn thuần là sự lắp ghép các yếu tố của các dòng nhạc và phong cách âm nhạc khác nhau, tạo cho người nghe có cảm giác khập khiễng như ông đồ mặc trang phục truyền thống Hanbok, đội mũ Gat mà đi xe đạp. Nhưng âm nhạc truyền thống Hàn Quốc ngày nay được cải biên theo lối kết hợp hài hòa nhiều yếu tố, mang hơi thở thời đại và phong cách độc đáo nên thu hút được sự quan tâm của khán thính giả. 


Âm nhạc truyền thống Hàn Quốc trong phong cách âm nhạc Acappella

Gần đây, các nghệ sĩ Hàn Quốc còn trình diễn dân ca Minyo và hát kể chuyện Pansori theo lối hát chay không nhạc đệm Acappella. Acappella vốn là lối hát được áp dụng trong hoạt động tôn giáo ở phương Tây từ thời trung cổ để người nghe hoàn toàn tập trung vào nội dung truyền giáo được thể hiện trong ca từ, và nhạc đệm được thay thế bằng âm giọng của ca sĩ. 

Thành lập từ năm 1999, đã hơn 20 năm nay, nhóm nhạc Maytree hát theo phong cách nhạc chay Acappella. “Dongji Seotdal Ggot Bon Deusi” (Tựa như ngắm hoa đêm đông chí tháng Chạp) là nhạc phẩm được nhóm sáng tác theo yêu cầu của chính quyền thành phố Miryang (tỉnh Nam Gyeongsang) và Quỹ văn hóa Miryang trong dự án toàn cầu hóa dân ca Arirang vùng Miryang. Còn các thành viên của nhóm nhạc Torys thì đều là những người học chuyên ngành dân ca Minyo, hát kể chuyện Pansori và chính ca Jeongga. Đây là nhóm nhạc Acappella duy nhất ở Hàn Quốc biểu diễn dân ca Minyo và hát kể chuyện Pansori. 


* Khúc dân ca minyo Doraji (Cây cát cánh) của tỉnh Gyeonggi theo phong cách hiện đại / bộ đôi SinaKowan Duo 

* Nhạc phẩm “Dongji Seotdal Ggot Bon Deusi” (Tựa như ngắm hoa đêm đông chí tháng Chạp) được cải biên dựa trên khúc dân ca Arirang vùng Miryang Miryang Arirang / nhóm nhạc Maytree 

* Nhạc phẩm “Jwaunajol” / nhóm nhạc Soriquete 

Lựa chọn của ban biên tập