Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Công trạng của vua Sejong trong sự nghiệp phát triển âm nhạc truyền thống của dân tộc Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2021-11-24

Âm điệu ngàn xưa

Công trạng của vua Sejong trong sự nghiệp phát triển âm nhạc truyền thống của dân tộc Hàn Quốc

Loại hình âm nhạc tế lễ Văn Miếu (Munmyojeryeak)

Thưa quý vị thưa các bạn, vua Sejong (Thế Tông), vị vua thứ IV của vương triều Joseon (thế kỷ XIV-XIX), được biết tới là một vị quân vương anh minh, vì nước và thương dân. Với tài trí và đức độ song toàn, vua Sejong không chỉ sáng tạo ra chữ viết tiếng Hàn Hangeul mà còn để lại cho đời hàng loạt công trạng hiển hách. Tiêu biểu như công cụ quan trắc thiên văn Honcheonui (Hỗn thiên nghi), đồng hồ Mặt trời hình bán cầu Angbuilgu (Ngưỡng phủ nhật quỹ), đồng hồ nước tự động Jagyeongnu (Tự kích lậu), bản khắc chữ in để tăng hiệu suất in ấn, xuất bản các loại sách về nông nghiệp và y dược, tổng hợp cách đo lường chiều dài và trọng lượng, cải tiến vũ khí như hỏa pháo. Ngoài ra, vua Sejong còn là người đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp phát triển âm nhạc truyền thống của dân tộc. Vào năm thứ 25 của triều đại Joseon, vua Sejong chính thức lên nắm ngôi vị. Là người uyên thâm về âm nhạc, vua Sejong thời đó nhận thấy rằng nhiều nhạc cụ trong cung bị bỏ bê và các nhạc gia cũng tan đàn xẻ nghé do bối cảnh xã hội vẫn còn hỗn loạn và hiện hữu những tàn dư của triều đại Goryeo (thế kỷ X-XIV). Vua Sejong đã giao cho vị quan tổng quản lĩnh vực âm nhạc cung đình Park Yeon sưu tầm và chỉnh sửa lại lý thuyết âm nhạc. Trong số này, Munmyojeryeak (Âm nhạc cúng tế Văn Miếu) là một trong những nhạc phẩm được kế tục và lưu truyền cho tới nay. 

Có thể ngay cả những người cho rằng “âm nhạc truyền thống đều như nhau” chắc cũng sẽ cảm nhận được nét độc đáo khi nghe nhạc phẩm Munmyojeryeak (Âm nhạc cúng tế Văn Miếu). Ở Hàn Quốc xưa kia có một số thể loại âm nhạc mang sắc thái đặc trưng chuyên tấu tại những nghi lễ đặc biệt trong cung đình. Trong số đó, có ba dòng âm nhạc tiêu biểu là Aak (Nhã nhạc), Dangak (Đường nhạc) và Hyangak (Hương nhạc). Nhã nhạc và Đường nhạc được du nhập từ Trung Quốc vào Hàn Quốc dưới thời đại Goryeo, còn Hương nhạc vốn là âm nhạc truyền thống của Hàn Quốc. Nhã nhạc được tấu trong dịp cúng tế Khổng Tử và những bậc nho sĩ lỗi lạc, Đường nhạc được chơi trong những dịp yến tiệc linh đình. Munmyojeryeak (Âm nhạc tế lễ Văn Miếu) là bài Nhã nhạc duy nhất còn được lưu truyền cho tới nay. Trong khi Đường nhạc thì vẫn còn lưu truyền được hai nhạc phẩm là Boheoja (Bộ hư tử) và Nakyangchun (Mùa xuân ở Lạc Dương). Khi cúng tế Khổng Tử, nhạc tế lễ Văn Miếu được diễn tấu bằng các nhạc cụ Aakgi độc đáo không xuất hiện trong âm nhạc cung đình như Geum, Seul, Hun, Ji, Nodo, Nogo; mỗi khuôn nhạc được thể hiện trên một chữ với nhịp điệu cố định. Đặc trưng âm nhạc truyền thống của Hàn Quốc là khá mỹ miều với sự uyển chuyển du dương có nhấn nhá. Trong khi đó, nhạc phẩm Munmyojeryeak (Âm nhạc tế lễ Văn Miếu) lại được tấu rõ ràng dứt khoát từng nhịp từng âm một.


Âm nhạc tế lễ Tông Miếu (Jongmyojeryeak)

Ngoài Munmyojeryeak, dưới thời vua Sejong còn có nhạc phẩm Jongmyojeryeak (Âm nhạc tế lễ Tông Miếu) là âm nhạc được tấu trong nghi lễ thờ cúng các vị tiên vương tại Tông Miếu, cũng được diễn tấu theo lối nhã nhạc. Vua Sejong cho rằng "Khi sống ta nghe nhạc ta, đến lúc chết lại nghe nhạc Trung Quốc thì quả là vô lý", qua đó mong muốn tạo ra âm nhạc cho nghi thức cúng giỗ tổ tiên. Nhưng nguyện ước này của vua Sejong đã không thể thực hiện do vấp phải sự phản đối kịch liệt của quần thần. Thấu hiểu tâm tư của cha, con trai vua Sejong là vua Sejo (Thế Tổ) sau này đã cho chỉnh sửa âm nhạc Botaepyeong (Bảo thái bình) và Jeongdaeeop (Định đại nghiệp) do vua Sejong sáng tác thành âm nhạc tấu tại Tông Miếu trong các nghi thức cúng giỗ tổ tiên Jongmyojeryeak. 


Nhạc tế lễ Tông Miếu Jongmyojeryeak gồm có 11 bản “Botaepyeong” (Bảo thái bình) ca ngợi văn đức, 11 bản “Jeongdaeeop” (Định đại nghiệp) ca ngợi võ đức của các vị tiên vương. Triều đại Joseon lấy Nho giáo làm ý niệm thống trị; trong đó Yeak, tức “Lễ nhạc”, đã từng được sử dụng như một công cụ trị vì quốc gia. “Ye”(lễ) mang nghĩa là “lễ nghĩa”, “lễ phép”, là phép tắc cư xử được biểu hiện ra bên ngoài. Còn “ak” (nhạc) có nghĩa là “âm nhạc”, là niềm hòa ái tiềm ẩn bên trong con người. Có lẽ cũng chính vì điều này mà khi cử hành tế lễ Văn Miếu hay tế lễ Tông Miếu đều có cả phần âm nhạc và vũ điệu. Cả vua Sejong và vua Sejo đều bỏ rất nhiều công sức cho âm nhạc tế lễ vì những mong có được nền tảng âm nhạc đúng đắn để giao tiếp với trời đất thần linh và tạo dựng sự hòa ái trong dân chúng.


* Trích đoạn Hwangjonggung (Hoàng chung cung) trong nhạc phẩm Munmyojeryeak (Âm nhạc cúng tế Văn Miếu) / Dàn chính nhạc Trung tâm âm nhạc truyền thống quốc gia Hàn Quốc 

* Trích đoạn Heemun (Hy văn), Gimyeong (Cơ mệnh), Gwiin (Quý nhân), Yeokseong (Dịch thành) trong nhạc phẩm Jongmyojeryeak (Âm nhạc tế lễ Tông Miếu) / Dàn chính nhạc Trung tâm âm nhạc truyền thống quốc gia Hàn Quốc 

* Khúc quân nhạc Daechwita / Dàn chính nhạc Trung tâm âm nhạc truyền thống quốc gia Hàn Quốc 

Lựa chọn của ban biên tập