Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Những ảnh hưởng của các dòng âm nhạc khác tới dân ca Minyo

#Âm điệu ngàn xưa l 2021-12-08

Âm điệu ngàn xưa

Những ảnh hưởng của các dòng âm nhạc khác tới dân ca Minyo

Danh ca Ji Yeon-hwa và dòng âm nhạc cúng tế lên đồng Gut của vùng Gyeonggi

Trong đặc trưng văn hóa và âm nhạc truyền thống của Hàn Quốc có không ít những bản sắc được du nhập từ Trung Quốc và các quốc gia khác. Ví như chữ Hán và Nho giáo là từ Trung Quốc, Phật giáo bắt nguồn từ Ấn Độ. Còn trong âm nhạc thì có thể kể tới kèn bầu Taepyeongso đến từ Trung Á, đàn nhị Haegeum đến từ dân tộc kỵ mã ở phương Bắc. Hàn Quốc du nhập văn hóa không phải là vì có nền văn hóa nghèo nàn mà đặc trưng của văn hóa vốn dĩ là ảnh hưởng qua lại lẫn nhau và phát triển. Theo sử ký, âm nhạc của Hàn Quốc thời Goguryeo (năm 37 trước Công Nguyên đến năm 668 sau Công Nguyên) và Baekje (năm 18 trước Công Nguyên đến năm 660 sau Công Nguyên) cũng được diễn tấu tại Trung Quốc. Điều này cho thấy âm nhạc của Hàn Quốc và Trung Quốc thời xưa đã chịu sự ảnh hưởng lẫn nhau. Ngay cả trong cùng một quốc gia, các dòng âm nhạc khác nhau cũng chịu ảnh hưởng của nhau. Trong chuyên mục phát thanh hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về những ảnh hưởng của các dòng âm nhạc khác đến dân ca của vùng Gyeonggi. Khúc hát đầu tiên mà chúng ta sẽ cùng nghe sau đây là khúc Daegamnori (Trò chơi đại thánh Daegam) do danh ca Ji Yeon-hwa trình diễn. Daegamnori (Trò chơi đại thánh Daegam) vốn là một nghi thức cúng tế lên đồng Gut của vùng Seoul, Gyeonggi. Dưới triều đại Joseon (thế kỷ XIV-XIX) ở Hàn Quốc, quan chức từ chánh nhị phẩm trở lên đều được gọi là Daegam. Còn trong tín ngưỡng dân gian, chữ “gam” trong Daegam là biến thể của chữ “geom”, nghĩa là “thần thánh”. Thế nên, Daegam chính là tên chỉ các vị thánh thần lớn. Ví như vị thần bảo vệ con cháu Josangdaegam, thần núi Sangsandaegam, thần thủ hộ làng Dodangdaegam. Người xưa tin rằng nếu được dâng mâm cao cỗ đầy qua nghi lễ cúng bái long trọng, các vị thần Daegam sẽ ban phát thóc gạo, tài lộc và niềm vui hạnh phúc cho người dân. Với ý nghĩa này, khúc hát lên đồng đã được đặt tên là Daegamnori (Trò chơi đại thánh Daegam) và được sân khấu hóa thành một tiết mục trên sân khấu kịch với sự góp mặt của các ca sĩ âm nhạc truyền thống chuyên nghiệp. 


Danh ca Ji Yeon-hwa nổi tiếng với các khúc hát dòng cúng tế lên đồng Gut vùng Seoul, Gyeonggi như Daegamnori và Changbutaryeong, tới mức khi biểu diễn nhiều người lầm tưởng danh ca là bà đồng Mudang. Tuy bản thân danh ca Ji Yeon-hwa không phải là bà đồng nhưng cha bà, danh nhân Ji Gap-seong, lại khá nổi tiếng trong dòng âm nhạc cúng tế lên đồng vùng Gyeonggi và mẹ thân sinh của danh ca là bà đồng. Từ nhỏ, được sinh ra và lớn lên trong môi trường âm nhạc lên đồng, danh ca Ji Yeon-hwa được cảm thụ dòng nghệ thuật này một cách tự nhiên. Ở Hàn Quốc, Hoesimgok (Hối tâm khúc) là khúc ca thường được hát trong những dịp tế lễ Phật giáo. Tại đây, các nhà sư thường ngân nga âm nhạc Phật giáo Beompae (Phạm bái) bằng tiếng Ấn Độ phiên âm sang Hán tự nên người nghe khó có thể hiểu hết được nội dung của khúc hát. Bởi vậy, khi nghi lễ sắp đến hồi kết, các nhà sư sẽ diễn giải nội dung âm nhạc Beompae bằng các khúc hát tiếng Hàn như Hwacheong (Hòa thỉnh) hay Hoesimgok (Hối tâm khúc). Theo Phật giáo, khi chết, linh hồn người quá cố sẽ được 10 vị Diêm Vương phán xử, nếu được phán quyết tốt thì sẽ lên thiên đường, thế nên Hòa thỉnh và Hối tâm khúc là các khúc hát dân ca Minyo mang nội dung răn dạy con người cách đối nhân xử thế với cha mẹ, giữ hòa khí với anh chị em, chú trọng tới chữ hiếu và khuyên răn con cái hãy tận tâm báo hiếu công sinh thành của cha mẹ khi người còn sống, đừng để tới lúc cha mẹ khuất núi mới than khóc ân hận. 


Nghệ thuật hát kể chuyện Pansori và dân ca Minyo vùng Gyeonggi

Trong dân ca của vùng Gyeonggi, có những khúc hát chịu ảnh hưởng của tôn giáo và có những khúc hát lại chịu ảnh hưởng của nghệ thuật hát kể chuyện Pansori vùng Namdo. Trong 12 khúc tạp ca của vùng Gyeonggi do các nghệ sĩ chuyên nghiệp hát, có tới 8 khúc mang cốt truyện của các trường ca hát kể chuyện Pansori Chunhyangga (Xuân Hương ca) và Heungboga (Anh em nhà Heungbo), một khúc mang cốt truyện của trường ca hát kể chuyện Pansori Jeokbyeokga (Xích Bích ca). Điển hình như khúc tạp ca Sochunhyangga (Tiểu Xuân Hương ca) tả cảnh buổi gặp gỡ đầu tiên giữa nàng Xuân Hương và công tử Lý Mộng Long; hay khúc Churinga (Xuất dẫn ca) và Bangmulga (Khúc ca đồ lặt vặt của người phụ nữ) diễn tả tâm tư tình cảm của nàng Xuân Hương và công tử Lý Mộng Long trong ngày ly biệt; rồi Jipjangga (Chấp trượng ca), Hyeongjangga (Hình trượng ca) và Sipjangga (Thập trượng ca) là những khúc tạp ca có nội dung Xuân Hương không tuân theo lời của quan huyện Saddo nên phải chịu đòn roi trong ngục tối. Trong tạp ca Sochunhyangga (Tiểu Xuân Hương ca), có đoạn tả cảnh nàng Xuân Hương trực tiếp chỉ nhà mình cho công tử Lý Mộng Long, rằng:

Hãy trông bước nàng Xuân Hương kìa!

Tay trái che nắng, tay phải giơ cao

Chỉ về hướng rừng trúc xa xa trước mắt


Vừa chỉ, nàng vừa tả ngôi nhà mình ở, rằng:

Trồng rặng tre làm hàng rào xanh mượt

Trồng thông xanh, dựng đình Jeongja chơi

Đình Jeongja bên ao sen nở rộ

Trước cổng nhà liễu rủ xốn xang

Gió xuân lướt ngang thông đại thụ

Nhẹ bước tơ hồng vũ điệu đam mê

Tiểu Xuân Hương ca vốn là khúc tạp ca được các nghệ sĩ hát cùng phần đệm của trống phong yêu Janggu, nhưng hôm nay ca nương Ahn Jeong-ah sẽ gửi tới quý thính giả khúc ca này theo phong cách chính nhạc Jeongga cùng phần đệm của đàn tranh 12 dây Gayageum, đàn nhị Haegeum và đàn tranh dây sắt Cheolhyeongeum. 


* Khúc hát Daegamnori (Trò chơi đại thánh Daegam) / Ji Yeon-hwa 

* Ca khúc Hoesimgok (Hối tâm khúc) / Jeong Yeong-nang (phần đệm của đàn piano)

* Tạp ca Sochunhyangga(Tiểu Xuân Hương ca) / Ahn Jeong-ah (phần đệm của đàn tranh 12 dây Gayageum, đàn nhị Haegeum và đàn tranh dây sắt Cheolhyeongeum)

Lựa chọn của ban biên tập