Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Yeongsanhoesang (Linh sơn hội tương) trong âm nhạc Pungryu (Phong lưu)

#Âm điệu ngàn xưa l 2021-12-15

Âm điệu ngàn xưa

Yeongsanhoesang (Linh sơn hội tương) trong âm nhạc Pungryu (Phong lưu)

Giới thiệu âm nhạc Pungryu (Phong lưu)

Một văn sĩ nổi tiếng ở thời đại Silla thống nhất (thế kỷ VII-X) tên là Choi Chi-won từng để lại một dòng bút tích rằng “Nước ta có một đạo nghĩa thâm túy huyền bí gọi là Pungryu (Phong lưu)”. Pungryu này cùng với kinh sách của Tam giáo (Nho giáo, Đạo giáo và Phật giáo) được dùng để giáo hóa chúng sinh. Giờ đây, Pungryu (Phong lưu) được người đời hiểu là “vui chơi hưởng thụ một cách phong nhã”. Câu nói “Người đó biết phong lưu”, là ý nói về một người phong nhã, có đời sống tinh thần và vật chất dư giả, biết hưởng thụ nghệ thuật. Julpungryu và Daepungryu là hai thể loại chính trong dòng âm nhạc Pungryu (Phong lưu). Ở đây, Julpungryu là âm nhạc được tấu bằng đàn huyền cầm, còn Daepungryu là âm nhạc được chơi bằng nhạc khí ống. Dưới thời Joseon (thế kỷ XIV-XIX), giới trí thức thường tụ tập nghe nhạc, vẽ tranh, làm thơ và bình phẩm tại gian phòng có tên là Pungryubang tức “phòng phong lưu”. Âm nhạc được tấu tại phòng phong lưu được gọi là “nhạc phong lưu”. Yeongsanhoesang (Linh sơn hội tương) là một trong những tác phẩm tiêu biểu cho dòng nhạc này còn được lưu truyền tới nay. Yeongsanhoesang gồm có 9 nhạc phẩm, từ Sangryeongsan (Thượng linh sơn) tới Gunak (Quân nhạc). 


Nếu tấu đủ cả 9 khúc nhạc Yeongsanhoesang theo các phong cách thì mất tầm 45-50 phút. Khi tấu thể loại âm nhạc này, người Hàn Quốc thường sử dụng các nhạc cụ như đàn tranh 12 dây Gayageum, đàn tranh 6 dây Geomungo, sáo trúc ngang lớn Daegeum, đàn nhị Haegeum, sáo trúc dọc Piri, trống phong yêu Janggu. Để làm nổi bật âm thanh của đàn tranh Gayageum và Geomungo, người xưa thường dùng sáo trúc tế Sepiri hoặc hòa tấu cùng các nhạc cụ có âm sắc nhẹ nhàng như sáo trúc ngắn Danso và đàn tam thập lục Yanggeum. Âm nhạc được diễn tấu theo phong cách này được gọi là Julpungryu. Cách diễn tấu Yeongsanhoesang vô cùng đa dạng, thường thì người ta chỉ tấu một hai khúc hoặc độc tấu bằng một nhạc cụ. Đặc biệt, khi diễn tấu nhạc phẩm Sangryeongsan có tiết tấu chậm bằng nhạc khí ống, người nghệ sĩ có thể thỏa chí thể hiện tài năng của mình, lúc này khúc nhạc sẽ được gọi là Sangryeongsangpuri. Nhạc phẩm Yeongsanhoesang được tấu bằng sáo trúc có tên gọi là Daepungryu và thường được dùng làm nhạc đệm cho vũ điệu cung đình. Không chỉ có ở khu vực thủ đô Seoul mà các vùng miền khác ở Hàn Quốc cũng diễn tấu nhạc phẩm Yeongsanhoesang có pha trộn phong cách địa phương nên được gọi là “Hyangje Julpungryu”. Gần đây, các nghệ sĩ dòng Sanjo và Sinawi thường tấu khúc Yeongsanhoesang (Linh sơn hội tương) được gọi là Minganpungryu (Phong lưu dân gian). Trái với việc phải kiềm chế đặt để tình cảm khi diễn tấu Yeongsanhoesang, người nghệ sĩ có thể thể hiện các biểu cảm phong phú khi diễn tấu Minganpungryu. 


Gốc tích nhạc phẩm Yeongsanhoesang(Linh sơn hội tương)

Nhạc phẩm Yeongsanhoesang (Linh sơn hội tương) vốn là khúc hát Phật giáo Yeongsanhoesangbulbosal (Linh sơn hội tương Phật Bồ Tát). Truyền rằng, khi đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng đạo ở núi Linh Thứu, đã có hơn 8 vạn Bồ Tát từ khắp nơi hội tụ về. Và ngôn từ miêu tả cảnh tượng hùng tráng ấy một cách sống động nhất chính là câu “Linh sơn hội tương Phật Bồ Tát”. Không rõ từ bao giờ và vì lý do gì mà âm nhạc Phật giáo được diễn tấu như âm nhạc phong lưu. Có ý kiến cho rằng kể từ khoảng trung kỳ của triều đại Joseon thì nhạc phẩm này được kỹ nữ diễn tấu, và Sangryeongsan là nhạc phẩm đầu tiên kỹ nữ được diễn tấu. Nhạc phẩm Sangryeongsan (Thượng linh sơn) được biến tấu thành Jungryeongsan (Trung linh sơn), Seryeongsan (Tế linh sơn) và Garakdeori. Các bản biến tấu này đã kết hợp với một số nhạc phẩm khác, trở thành 9 bản nhạc trong Yeongsanhoesang. Sau đó, các nhạc phẩm này lại được biến tấu thành Hyeonak Yeongsanhoesang, Gwanak Yeongsanhoesang, Yuchosinjigok và được lưu truyền, kế tục qua hàng trăm năm tới nay.


* Nhạc phẩm Sangryeongsanpuri / Jin Yun-gyeong (sáo trúc dọc Piri)

* Nhạc phẩm Taryeong và Gunak (Quân nhạc) / Mun Jae-suk (đàn tranh 12 dây Gayageum), Hong Jong-jin (sáo trúc ngang lớn Daegeum), Kim Jeong-su (trống phong yêu Janggu)

* Nhạc phẩm Seryeongsan / Seong Eui-shin (đàn nhị Haegeum), Park Jae-rok (đàn Sitar), Song Seung-eun (đàn tam thập lục Yanggeum)

Lựa chọn của ban biên tập