Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Dòng Sanjo trong âm nhạc truyền thống Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2021-12-29

Âm điệu ngàn xưa

Dòng Sanjo trong âm nhạc truyền thống Hàn Quốc

Giới học giả và đàn tranh 6 dây Geomungo

Giới học giả Hàn Quốc xưa kia lấy việc chơi đàn tranh 6 dây Geomungo làm thú tiêu khiển và thể hiện tâm hồn thi sĩ cũng như đẳng cấp của mình. Ngay cả người không rành chơi cũng treo đàn lên tường để cảm nhận âm thanh khi làn gió lướt qua. Hơn thế nữa, người thời đó còn có thú chơi đàn tranh Geomungo không dây có tên gọi là Muhyeongeum, tức “vô huyền cầm” để rồi mường tượng tới âm thanh trân quý của cây đàn làm rung động con tim. Âm nhạc truyền thống của Hàn Quốc có thể chia thành hai thể loại là chính nhạc Jeongak và nhạc dân gian Minsokak. Nếu như chính nhạc Jeongak có tiết tấu chậm rãi, giúp người nghe kiềm chế cảm xúc của bản thân thì nhạc dân gian Minsokak lại có tiết tấu nhanh, biểu cảm trực tiếp và khuếch đại cảm xúc của người nghe. Có thể coi Ajaeng Sanjo là một nhạc phẩm tiêu biểu của dòng chính nhạc Jeongak. Người nghệ sĩ đàn tranh Ajaeng dùng cung vĩ cọ sát vào dây đàn để tạo âm thanh. Dây đàn khá dày nên tạo âm thanh trầm lắng tựa hồ tiếng lòng thổn thức.


Sự ra đời và phát triển của dòng nhạc Sanjo

Truyền rằng, Sanjo là dòng nhạc được sáng tác ở Hàn Quốc vào những năm 1800 và nghệ sĩ đàn tranh 12 dây Gayageum Kim Chang-jo là người đầu tiên khởi xướng dòng nhạc này. Đương thời có khá nhiều nhạc gia diễn tấu âm nhạc Gayageum Sanjo nên có thể coi đây không phải là dòng âm nhạc sáng tác mới mà là dòng âm nhạc được cải biên trên khuôn khổ nhịp điệu của các dòng nhạc được phổ biến rộng rãi khi đó như Sinawi, Bongjangchwi hay hát kể chuyện Pansori. Phong cách biểu diễn nhanh dần những nhạc phẩm có tiết tấu chậm như Jinyangjo, Jungmori, Jungjungmori, Jajinmori, đã tạo cảm giác mới mẻ cho khán thính giả thời bấy giờ. Nối tiếp Gayageum Sanjo, các nhạc cụ khác như đàn tranh Geomungo, sáo trúc lớn Daegeum, đàn nhị Haegeum, sáo trúc dọc Piri hay đàn tranh Ajaeng cũng hình thành nên dòng Sanjo như Daegeum Sanjo, Haegeum Sanjo, Piri Sanjo ..vv... Dòng Sanjo dành cho đàn tranh 12 dây Gayageum là dòng Sanjo xuất hiện đầu tiên. Vì vậy, ngoài các nhịp điệu cơ bản như Jinyangjo, Jungmori, Jungjungmori và Jajinmori, âm nhạc thời bấy giờ còn được phát triển cùng hàng loạt các loại nhịp điệu khác như Gutgeori, Hwimori và Sesanjosi. 


Sanjo là dòng nhạc bắt nguồn từ lối diễn tấu tùy hứng nhưng mỗi nhạc gia lại tạo ra phong cách độc đáo cho riêng mình. Sau khi lĩnh hội các kiến thức cơ bản từ thầy dạy, lứa học trò cũng lại phát triển dòng âm nhạc học được theo phong cách riêng. Để diễn tấu một nhạc phẩm dòng Sanjo, các nghệ sĩ thường mất khoảng một tiếng, nhưng gần đây cũng có người biến tấu và chỉ trình diễn trong khoảng 10 phút. Tên của dòng nhạc Sanjo được đặt theo tên của người đầu tiên khởi xướng ra nó để thể hiện lòng tôn kính, ví như dòng Sanjo dành cho đàn tranh 12 dây Gayageum lối Kim Juk-pa được gọi là “Kimjukparyu Gayageum Sanjo”. Hay dòng Sanjo dành cho đàn tranh 6 dây Geomungo lối Shin Kwae-dong được gọi là “Shinkwaedongryu Geomungo Sanjo”. Như quý vị đã biết, từ xa xưa, giới học giả Hàn Quốc đã vô cùng trân quý cây đàn tranh 6 dây Geomungo. Để gần gũi cây đàn, người ta treo nó ở thư phòng Sarangbang, cảm nhận âm thanh từ cả những làn gió lướt nhẹ qua dây đàn. Người học giả tấu đàn Geomungo và âm thanh chậm rãi của tiếng đàn giúp họ tĩnh tâm tu đức. Vậy nên có thời người ta nghĩ rằng đàn tranh 6 dây Geomungo không phù hợp để tấu trong âm nhạc dân gian Minsokak có tiết tấu nhanh, biểu cảm trực tiếp và khuếch đại cảm xúc của người nghe. Lần đầu tiên khi đàn tranh 6 dây Geomungo được dùng để tấu nhạc dân gian Minsokak theo dòng Sanjo, có người đã than thở rằng “Giờ thì thế giới đi tới hồi kết rồi…”. Giờ đây, rất nhiều khán thính giả lại thích lối các nghệ sĩ vừa dùng que gẩy Suldae giáng xuống dây đàn và cọ sát vào dây đàn để tạo âm thanh mạnh mẽ mà vẫn tinh tế uyển chuyển. 


* Nhạc phẩm Jinyangjo trong âm nhạc Ajaeng Sanjo dòng Park Dae-seong / Park Dae-seong (đàn tranh Ajaeng), Park Hwan-yeong (trống phong yêu Janggu)

* Nhạc phẩm Sesanjosi và Twitdaseureum dòng âm nhạc Gayageum Sanjo lối Kim Juk-pa / Kim Il-ryun (đàn tranh 12 dây Gayageum) và Jang Jong-min (trống phong yêu Janggu)

* Giai điệu Jajinmori dòng âm nhạc Sanjo dành cho đàn tranh 6 dây Geomungo lối Shin Kwae-dong / Kim Mu-gil (đàn tranh Geomungo), Jang Deok-hwa (trống phong yêu Janggu)

Lựa chọn của ban biên tập