Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Đồng tiền và cái giá của đồng tiền

#Âm điệu ngàn xưa l 2022-01-13

Âm điệu ngàn xưa

Đồng tiền và cái giá của đồng tiền

Hai mặt của đồng tiền được phản ánh trong âm nhạc truyền thống Hàn Quốc

Chúng ta vẫn thường nói rằng đồng tiền không mua được tình yêu, nhưng trên thực tế thì tiền có thể giúp con người vun vén và xây đắp tình yêu trên mọi phương diện. Trong trường ca hát kể chuyện Pansori Heungboga (Anh em nhà Heungbo) có trích đoạn Dontaryeong (Khúc hát về đồng tiền), tả cảnh người em Heungbo đi chịu đòn thay để đổi lấy 5 quan tiền. Lúc đó, Heungbo định bụng đến quan phủ vay mượn đấu gạo về nấu cháo cầm hơi cho đàn con đói khát nheo nhóc. Nhưng tới nơi, quan phủ bảo không thể cho vay gạo, và rằng Heungbo có thể nhận 5 quan tiền nếu chịu đòn thay cho tội nhân. Heungbo có thể mất mạng trong lúc chịu đòn thay nhưng khi đó anh chỉ nghĩ đến việc kiếm được miếng ăn cho các con. Trong trường ca hát kể chuyện Pansori Chunhyangga (Xuân Hương ca) cũng có trích đoạn Dontaryeong tả cảnh nàng Xuân Hương dúi tiền cho quân lính của quan huyện Saddo cử đến bắt cô về làm kỹ nữ cho hắn. Toán quân lính thì hỉ hả vì nhận được tiền biếu xén còn nàng Xuân Hương thì giữ được trinh tiết với công tử Lý Mộng Long nhờ những đồng tiền đó. 

Dontaryeong (Khúc hát về đồng tiền) trong trường ca hát kể chuyện Pansori Heungboga (Anh em nhà Heungbo), kể về cảnh người anh tham lam Nolbo đi đuổi bắt chim én, những mong nhờ chim én mà mình cũng sẽ được giàu có như người em Heungbo, qua đó chế giễu thói đời tham lam của người dân trong xã hội hiện đại ngày nay.


Ca từ của “Khúc hát về đồng tiền” có đoạn:

Người giỏi tiền dốt, người dốt tiền giỏi

Đồng tiền có quyền sinh quyền sát,

Đồng tiền gắn liền với phú quý công minh


Những ai đã từng phải lăn lộn kiếm tiền thì đều hiểu được ý nghĩa sâu xa của áng thơ này. Rằng dù có là người tài giỏi đến mấy thì cũng bị gục ngã trước đồng tiền. Ngược lại, dù có là người dốt nát đến mấy nhưng có tiền thì sẽ có tất cả. Nhiều khi đồng tiền còn có thể cứu được mạng sống của con người. Chính vì thế mà con người luôn đau đáu đền chữ tiền và đồng tiền. 

Trích đoạn Hwachojang (Tủ chạm khắc hoa cỏ) trong trường ca hát kể chuyện Pansori Heungboga (Anh em nhà Heungbo), tả cảnh người anh tham lam Nolbo tìm đến nhà người em Heungbo khi người em đã trở nên giàu có và cố xin về chiếc tủ chạm khắc hoa cỏ nhưng cuối cùng hắn lại không nhớ nổi tên gọi của chiếc tủ.


Cái giá phải trả cho những kẻ gian tà lạm dụng đồng tiền

Trong trích đoạn “Eosachuldo” (Quan ám hành ngự sử xuất hiện) của trường ca hát kể chuyện Pansori Chunhyangga (Xuân Hương ca) có cảnh công tử Lý Mộng Long đã trở thành quan Ám hành ngự sử nhưng cải trang trong diện mạo một kẻ ăn mày để che giấu thân phận, tham dự tiệc sinh nhật của quan huyện Saddo Byeon Hak-do vùng Namwon, đúng lúc hắn đang hành hạ tra tấn và giam cầm Xuân Hương trong ngục tối vì nàng không chịu nghe lời và phục vụ hắn. Trong khi bách dân đổ mồ hôi sôi nước mắt làm lụng quần quật suốt ngày mà vẫn không đủ ăn thì đám quan lại ăn uống phè phỡn với những mâm rượu đầy ắp sơn hào hải vị. Tại đây, công tử Lý Mộng Long đã ngâm một áng thơ làm cho đám quan quân đồi bại một phen hú vía, rằng:

Rượu ngon trong bình vàng là máu bách tính

Đồ nhắm ngon trên đĩa ngọc là mỡ bách dân

Giọt nến lăn tròn giọt mồ hôi bách tính

Tiếng hát ngân cao, tiếng ai oán bách dân vang vọng


* Khúc hát Euisim (Nghi ngờ) trích từ đoạn Dontaryeong (Khúc hát về đồng tiền) trong trường ca hát kể chuyện Pansori Heungboga (Anh em nhà Heungbo) / nhạc truyền thống Leenalchi 

* Trích đoạn Hwachojang (Tủ chạm khắc hoa cỏ) trong trường ca hát kể chuyện Pansori Heungboga (Anh em nhà Heungbo) / nhóm nhạc truyền thống Toris 

* Trích đoạn “Eosachuldo” (Quan ám hành ngự sử xuất hiện) của trường ca hát kể chuyện Pansori Chunhyangga (Xuân Hương ca) / Baek Hyeon-ho 

Lựa chọn của ban biên tập