Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Sắc màu ngày đông

#Âm điệu ngàn xưa l 2022-01-20

Âm điệu ngàn xưa

Sắc màu ngày đông

Màu tuyết trắng xốp mượt mà ngày đông

 “Dạ tuyết” là áng thơ nổi tiếng của thi sĩ Bạch Cư Dị thời nhà Đường ở Trung Quốc. Áng thơ tạm dịch là:

Đã lấy làm lạ khi thấy chăn gối lạnh hơn,

Lại thấy cửa sổ và cửa ra vào sáng lên.

Đêm khuya thấy tuyết rơi nặng,

Có lúc nghe tiếng cành trúc gãy.


Xưa kia, trong những ngày đông giá rét, người ta thường dùng bếp củi để nấu ăn và sưởi ấm phòng. Đa phần tới lúc rạng sáng, củi lửa tắt, gian phòng lại trở nên lạnh lẽo. Người thi sĩ co ro trong giá lạnh, ngoài cửa sổ đất trời trắng muốt một màu tuyết phủ, thi thoảng từ rừng tre trên dãy núi sau nhà vọng lại những tiếng tre gãy răng rắc vì không chịu nổi sức nặng của tuyết. Nếu đặt mình vào đó, quý vị sẽ muốn làm gì trong một sớm tinh sương tuyết phủ dày như vậy? Có lẽ việc đầu tiên mà chúng ta làm sẽ là lấy chổi quét dọn tuyết để tạo một lối đi cho khỏi trơn trước khi tuyết đóng băng. 


Theo người Hàn Quốc thì mùa đông xưa kia lạnh hơn bây giờ rất nhiều vì họ ở nhà mái rơm và mái ngói, do khuôn viên kiến trúc nhà truyền thống Hàn Quốc đề cao khả năng thông gió của khu vực sân, cửa nhà và các phòng đều được dán bằng giấy Hanji nên gió lùa hun hút vào trong nhà. Hơn nữa thời xưa cũng không có áo lông, áo phao chống rét như ngày nay. Lạnh là vậy, nhưng lũ trẻ lúc nào cũng vui như Tết. Chúng hà hơi làm nóng đôi bàn tay lạnh cóng nứt nẻ chơi bắn bi, leo lên tận đỉnh đồi gió hú chơi thả diều, hay chơi trượt ván gỗ trên mặt băng mà nhiều khi có thể bị ngã sóng soài vào hố băng sũng nước. Các bà các mẹ thì ngày ngày tay không giặt cả đống quần áo dưới dòng nước băng lạnh cắt da cắt thịt. Giặt xong vừa phơi lên dây lên xào, quần áo lập tức cứng đanh lại như ván băng, nếu muốn mặc thì phải hong lại bằng hơi nóng trong phòng. Tất cả đều là những ký ức về một thời lạnh khôn tả đã qua ở Hàn Quốc.


Sắc đỏ rực rỡ của hoa hải đường giữa thảm tuyết đông

Trong lúc đất trời trắng xóa một màu tuyết phủ thì ở khu vực tỉnh Jeolla, miền Nam Hàn Quốc, hoa hải đường đỏ lại bung cánh nở rực rỡ. Hải đường hoa đỏ nhụy vàng lá xanh lấp ló dưới lớp tuyết bông xốp trắng muốt. Khi nở thì lung linh như lá ngọc cành vàng, đến lúc tàn, hải đường không rơi từng cánh một mà rụng cả bông, tạo thành một thảm hoa đỏ rực cả một vùng ven biển. Loài hoa này không chỉ cho hoa đỏ sưởi ấm bầu không gian lạnh lẽo của mùa đông mà hạt của chúng còn cho dầu rất tốt cho sức khỏe con người như dưỡng tóc và da đầu. Xưa kia, các cô gái Hàn Quốc khi đi gặp ý trung nhân thường dùng dầu hạt hoa hải đường để chải tóc cho mượt, cho thơm. Thế mới thấy trí tuệ của con người từ xa xưa đã luôn đi trước thời đại.

Khúc dân ca “Dongbaek Taryeong” (Bài ca hoa hải đường) được mở đầu bằng đoạn:

Đi nào! Đi nào! Đi hái hoa hải đường

Từng chùm hải đường mang về ép dầu thắp nến

Sửa soạn lễ vật cho con gái lớn lấy chồng, quê hương ta tươi đẹp!


* Nhạc phẩm “Gyeoul Achimeui Jeonggyeong” (Phong cảnh buổi sáng mùa đông) / nhóm nhạc thính phòng truyền thống nữ Dasrum 

* Nhạc phẩm Snow (Tuyết) / Han Chung-eun (sáo trúc ngang lớn Daegeum)

* Khúc dân ca “Dongbaek Taryeong” (Bài ca hoa hải đường) / Lee nan-cho 

Lựa chọn của ban biên tập