Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Khúc dân ca Arirang luôn đồng hành cùng hỷ nộ ai lạc của người dân Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2022-01-27

Âm điệu ngàn xưa

Khúc dân ca Arirang luôn đồng hành cùng hỷ nộ ai lạc của người dân Hàn Quốc

Dân ca Arirang trong những phút giây hào hùng của dân tộc Hàn

Năm ngoái, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Hàn Quốc đã thực hiện dự án sáng tác bài hát cổ động mang tên “Arirang 2021”. Ca khúc này phỏng theo giai điệu dân ca Arirang của vùng Gyeonggi được nhiều người biết tới và phụ họa thêm phần ca từ nhằm cổ vũ tinh thần người dân đang mệt mỏi chống chọi với đại dịch COVID-19, rằng: 

Hãy rũ bỏ khó khăn, vươn cao, cao hơn nữa

Vượt qua đèo cao phía trước, tôi đến bên bạn

Giang rộng vòng tay, hô lớn, niềm vui tăng gấp bội

Lòng tôi hân hoan nở rộ tựa như hoa


Bài hát được sáng tác để cổ động đoàn vận động viên Hàn Quốc tham dự Thế vận hội mùa hè Tokyo được tổ chức tại Nhật Bản năm ngoái và được ca sĩ Yoon Do-hyun cùng nhóm phụ họa trình diễn. Yoon Do-hyun cũng là ca sĩ từng thể hiện ca khúc “Arirang” tại Giải vô địch bóng đá thế giới World Cup 2002 do Hàn Quốc và Nhật Bản đồng tổ chức. Từ trước đến nay, giai điệu dân ca Arirang luôn vang lên tại những sự kiện quan trọng của người dân Hàn Quốc. Tại Giải vô địch bóng bàn thế giới năm 1991, Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đã thành lập đội tuyển hợp nhất tham gia tranh tài. Khi đó, thay vì phát bài quốc ca của hai miền, giai điệu dân ca Arirang đã vang lên khi vận động viên hai miền lên bục vinh quang nhất làm cả thế giới cảm động. Đã từ lâu, người Hàn đều ngầm đồng ý rằng giai điệu dân ca Arirang là thể hiện rõ nét nhất tính dân tộc của người dân bán đảo Hàn Quốc. 


Dân ca Arirang đồng hành cùng người dân Hàn Quốc trên mọi nẻo đường

Bản nhạc nháp có khuôn nhạc đầu tiên của khúc dân ca Arirang Hàn Quốc được ông Homer Hulbert viết lại vào năm 1896. Là một nhà truyền giáo kiêm nhà báo Mỹ, Hulbert vừa nghiên cứu tiếng Hàn vừa làm cố vấn về chính trị, ngoại giao và văn hóa cho vua Gojong (Cao Tông: 1852-1919), đời vua thứ 26 của triều đại Joseon. Ông là người đã có những đóng góp không nhỏ trong cuộc vận động giành độc lập vào thời kỳ bán đảo Hàn Quốc bị đế quốc Nhật Bản chiếm đóng. Homer Hulbert đã đăng bài viết về dân ca Arirang dưới tiêu đề “Bài hát của Joseon” trên tạp chí tiếng Anh “The Korean Repository” (Kho lưu trữ tiếng Hàn). Hulbert viết: “Người dân bán đảo Hàn Quốc là những nghệ nhân ngẫu hứng giỏi giang. Họ hát giỏi dù giai điệu hoặc khúc hát chưa được hoàn thiện”. Và rằng: “đối với dân tộc Hàn, dân ca Arirang giống như hạt gạo”. Có lẽ Hulbert cho rằng ở một quốc gia lấy cơm gạo là nguồn lương thực chủ yếu như Hàn Quốc thì khúc dân ca Arirang, giống như hạt gạo, là một phần tất yếu trong cuộc sống hàng ngày, một khúc hát làm phong phú thêm tâm hồn và đời sống tinh thần của người dân nơi đây. Còn Đạo diễn Na Un-gyu, ông đã đích thân sáng tác ca khúc chính cho bộ phim “Arirang” được khởi chiếu năm 1926. Trong phim, khúc hát Arirang được cải biên và được những người làm đường sắt đến từ miền Nam hát, nghe thật da diết mà não nề. Nhờ bộ phim cùng tên này, khúc dân ca Arirang cũng đã nổi lên như cồn. Sau này, người ta phân biệt bài Arirang trong bộ phim đó là “Bonjo Arirang” và những khúc dân ca Arirang mới lấy cảm hứng từ Bonjo Arirang được gọi là Sinarirang (Tân Arirang). Những khúc dân ca Arirang được hát trước khi “Bonjo Arirang” xuất hiện là dân ca “Guarirang” (Cựu Arirang), nghĩa là “dân ca Arirang cũ”. 


Tất nhiên là giai điệu dân ca Arirang cũng rất hay, nhưng điểm độc đáo của Arirang là nó được biến thể và phát triển mang hơi hướng thời đại. Ca từ của khúc hát là những lời lẽ yêu thương và luyến tiếc khi ly biệt nhưng đói tượng yêu thương có thể là thành viên gia đình hay có thể là tổ quốc. Có một điều chắc chắn rằng, toàn thể dân tộc Hàn người người như một, nhà nhà như một, thậm chí trong bối cảnh mất nước mất chủ quyền dân tộc, bị đưa đẩy nổi trôi tha hương như kiều bào Hàn Quốc bị cưỡng chế di cư sang các nước Liên xô cũ được người nơi đây gọi là người Goryeo (Cao Ly), hay những người sẵn sàng hy sinh cả tính mạng để hoạt động ở nước ngoài vì nền độc lập của dân tộc cũng không ngừng hát dân ca Arirang. Tới nay, Hàn Quốc đã tổng hợp được 3.600 khúc hát Arirang thuộc 60 dòng dân ca. Năm 2012, dân ca Arirang của Hàn Quốc đã được Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại và năm 2014, dân ca Arirang của Bắc Triều Tiên cũng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. 


* Khúc hát cổ động “Arirang 2021” /  Yoon Do-hyun và nhóm phụ họa 

* Khúc dân ca Guarirang (Dân ca Arirang cũ) / Choi Yoon-yeong 

* Khúc dân ca Arirang của vùng Sangju (Sangju Arirang) / nhóm nhạc RabidAnce 

Lựa chọn của ban biên tập