Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Những khúc hát trong các canh bạc truyền thống Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2022-05-19

Âm điệu ngàn xưa

Những khúc hát trong các canh bạc truyền thống Hàn Quốc

Khúc hát trong trò chơi Sasiraengi

Chúng ta phải phân định “vui chơi” và “đánh bạc” thế nào là đúng? Dăm bảy người quen biết nhau, chơi vài ván bài cho vui để tăng thêm tình thân thì đó là “vui chơi”, tức chơi cho vui. Nhưng nếu dùng đồng tiền để cá cược thì trò chơi nào cũng sẽ đều bị quy thành “đánh bạc”. Ở Hàn Quốc, trong những dịp lễ tết, các thành viên trong gia đình thường tụ tập chơi bài hoa Go-stop. Xưa kia, lúc nghỉ ngơi, người Hàn Quốc hay chơi trò Sasiraengi hoặc Tujeon (Đấu tiền). 

Sasiraengi là trò chơi sử dụng đồng tiền xu Yeopjeon thay cho quân bài. Dăm ba người ngồi quây lại với nhau và chia nhau thẻ bài xu Yeopjeonpae. Trên đồng xu, người ta khắc các số từ 1 đến 10. Và theo luật chơi, người chơi sẽ xếp bài thành một con số nhất định. Theo thứ tự, người chơi xuống xu kế tiếp phải đưa ra đồng xu có con số giống với con số của đồng xu mà người chơi trước vừa đưa ra. Người chơi sẽ cố xuống xu có chữ số mà người khác không có và hát kèm theo một câu hát chơi chữ về con số đó để đưa ra gợi ý. Ví như khi đánh đồng xu có số 2, tiếng Hàn phát âm là “i” thì người chơi sẽ hát rằng “Hoa lê (Ihwa), hoa đào (Dohwa) nở rộ, hoa đào nở xòe ở ruộng rau”. Còn nếu xuống đồng xu có số 5, tiếng Hàn phát âm là “ô” thì sẽ hát rằng “Anh chị em chú bác họ (Ochon), anh chị em chú bác ruột (Sachon) tập trung mua cả ruộng vườn”. Và trong số những người chơi, người nào có đồng xu được khắc con số như vậy thì họ sẽ đáp lại bằng một câu hát rằng “Đừng có nói nhảm. Xem ông đây này!”. Cho đến nay, cách chơi trò chơi này không còn nữa nhưng người Hàn Quốc vẫn lưu truyền câu hát “Sasiraengi Sori” được hát trong khi chơi. 


Khúc hát trong trò chơi Tujeon

So với trò Sasiraengi thì trò chơi Tujeon (Đấu tiền) được biết tới rộng rãi hơn ở Hàn Quốc. Tujeon là loại hình đánh bạc bằng những con bài giấy in các hình vẽ hay con số. Một bộ con bài Tujeon có từ 25-80 trang. Từ giới quý tộc đến người dân thường, ai ai cũng yêu thích trò chơi này. Đặc biệt, đối với những nhà có đám tang thì trò chơi này có thể giúp các thành viên trong gia quyến thức trắng vài đêm. Xưa kia, do Tujeon là trò chơi đỏ đen được phổ biến rộng rãi nên có thể tìm thấy khá nhiều bức tranh mô tả sinh động những canh bài Tujeon lúc đương thời. Và tới ngày nay, từ ngữ dùng trong trò Tujeon vẫn được sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Chẳng hạn, người Hàn Quốc thường nói câu “Don Manneumyeon Jangddaenginya” (Cứ nhiều tiền là nhất chắc!) hoặc “Yebbeumyeon Jangddaenginya” (Cứ xinh là nhất chắc!).  Trong trò Tujeon, khi nắm hai con bài có số giống nhau được gọi là “Ddaeng” và trong các loại “Ddaeng”, ván bài cao nhất là ván bài mà người chơi có hai con bài đều là số 10, và đôi bài này được gọi là Jangddaeng. Do đó, có thể hiểu Jangddaeng là những điều được cho là “nhất”. 

Ngoài ra, tiếng Hàn còn có từ “Tajja”, nghĩa là “Kẻ gian lận cờ bạc”, cũng được người ta biết đến rộng rãi thông qua phim cùng tên. Từ này được biến tướng từ từ “Taja”, tên một kẻ gian lận cờ bạc có tiếng trong những canh bài Tujeon (Đấu tiền) xưa kia. Dưới thời vua Yeongjo (Anh Tổ, 1694-1776), vị vua đời thứ 21 trong triều đại Joseon, có một vị quan lại giữ trọng trách Yeonguijeong (hữu nghị chính), một trong tam công chánh nhất phẩm, tương đương chức Thái bảo của nhà Nguyễn, tên là Won In-son. Lúc trẻ, ông này từng là một tay gian lận cờ bạc khét tiếng khiến cha mẹ thân sinh luôn lo lắng. Chuyện kể rằng, một hôm cha mẹ Won In-son bảo ông ngồi lại, rồi mang một bộ 80 quân bài tráo đi tráo lại, sau đó bảo ông phải đoán đúng mọi quân bài, nếu đoán sai thì sẽ phạt thật nặng. Nhưng Won In-son đã đoán không sai một quân bài nào. Thấy vậy, cha ông nghĩ rằng chắc đó cũng là một tài năng trời phú nên từ đó không còn ngăn cản Won In-son chơi bài nữa. Tujeon cũng là một trò chơi liên quan đến con số. Khúc hát “Tujeonpuri” (Giải ván bài đấu tiền) có câu:

Ê hê! Số 1 cũng không biết thì là kẻ mù cờ

Hổn hà hổn hển, chạy một mạch về hướng Nam


Đây là dấu ấn về việc giải nghĩa những con số trong trò chơi Tujeon (Đấu tiền). Và Jangtaryeong (Khúc hát phiên chợ) chính là khúc hát mang nội dung về việc lý giải những con số, vốn là khúc hát do những người bán hàng dong hát về đặc trưng của các phiên chợ làng. Chỗ nào có chợ thì ở đó ắt hẳn có ăn mày Gakseori. Tuy là những người sống bằng đồ bố thí của thiên hạ nhưng họ không ăn không của ai bao giờ, họ đền đáp các nhà hảo tâm bằng những câu ca tiếng hát, làm cho không khí phiên chợ thêm náo nhiệt. Khúc hát được những người ăn mày xưa kia hay hát tại các phiên chợ là “Gakseori Taryeong” (Khúc hát ăn mày). Xã hội Hàn Quốc phát triển, các phiên chợ được tổ chức cách nhau mỗi 5 ngày Oiljang cùng những người lái buôn hát “Jangtaryeong” (Khúc hát phiên chợ), và các Gakseori hát “Gakseori Taryeong” (Khúc hát kẻ ăn mày) cũng dần lùi sâu vào dĩ vãng. Giờ đây, đa phần người Hàn Quốc gọi chung khúc hát “Jangtaryeong” và “Gakseori Taryeong” là Jangtaryeong.

Khúc hát Jangtaryeong do các Gakseori hát có nhiều nội dung về việc lý giải các con số, cũng được lấy cảm hứng từ chiếu bạc Tujeon. Vì là câu hát được nhiều người biết tới nên ai nghe cũng đều cảm thấy khá quen thuộc. Không chỉ có các con số mà các mùa và tiết khí cũng được đề cập tới trong ca từ của khúc hát.

Một! Tháng Một đêm trường Sao Mai mọc

Hai! Dòng Tần Hoài chia hai đón cánh chim hải âu trắng

Ba! Tháng Ba tiết Hàn thực đôi chim én bay về


  • Khúc hát “Sasiraengi Sori” của vùng Gangwon được biến tấu theo lối hiện đại / nhóm nhạc truyền thống Ssing Ssing 
  • Khúc hát “Tujeonpuri” (Giải ván bài đấu tiền) / ban nhạc Yegyeol 
  • Jangtaryeong (Khúc hát phiên chợ) / nghệ sĩ Kim Yong-wu. 

Lựa chọn của ban biên tập