Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Vài nét đặc trưng của Âm nhạc Pungryu Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2022-06-09

Âm điệu ngàn xưa

Vài nét đặc trưng của Âm nhạc Pungryu Hàn Quốc

[Quan niệm của người Hàn về âm nhạc Pungryu (Phong lưu)]

Người Hàn Quốc nổi tiếng thế giới là siêng năng chăm chỉ nhưng cũng rất chịu chơi. Trong quyển 30 “Đông Di truyện” của “Ngụy Thư” thuộc sử ký “Tam quốc chí” của Trung Quốc có đoạn rằng người dân nước Goguryeo cổ đại của Hàn Quốc yêu thích ca hát nhảy múa, mỗi dịp lễ hội vào mùa xuân và mùa thu là già trẻ gái trai trong các làng mạc thôn xóm lại quây quần ca hát nhảy múa tưng bừng thâu đêm suốt sáng. Bất cứ dân tộc nào cũng ưa chuộng những lời ca tiếng hát và các làn điệu múa uyển chuyển, mềm mại, thế nhưng để ghi chép vào sử sách thì có lẽ sự đam mê âm nhạc và các vũ điệu của dân tộc Hàn là vượt trội và khác biệt hơn hẳn so với các dân tộc khác trên thế giới. Người Hàn Quốc gọi những người biết vui chơi và hào hoa phong nhã là “Pungryu” nên câu “không biết Pungryu” là ám chỉ người hẹp hòi kém phong nhã. Pungryu vốn có giá trị tinh thần riêng bao gồm cả Nho giáo, Đạo giáo và Phật giáo trên bán đảo Hàn Quốc thời xưa. Ở đây “Pung”, âm Hán là “phong”, nghĩa là “gió”. Còn “Ryu” là “lưu”, nghĩa là “dòng chảy”. “Pungryu” (phong lưu) là khao khát của người dân Hàn Quốc về một cuộc sống tự do tự tại như luồng gió thổi, như lẽ đời tự nhiên. Pungryu cũng là tên gọi của một thể loại âm nhạc truyền thống Hàn Quốc mang hơi thở của dòng chảy tự nhiên. Đây là thể loại âm nhạc được giới học giả xưa kia yêu thích và thường được tấu ở thư phòng Sarangbang hay lầu gác Jeongja. 


[Một số nhạc phẩm mang nét đặc trưng tiêu biểu trong âm nhạc Pungryu]

Cheongseonggok (Thanh thanh khúc) là nhạc phẩm có âm hưởng thanh cao tiêu biểu trong dòng nhạc Pungryu. Nhạc phẩm Cheongseonggok (Thanh thanh khúc) vốn có tên gọi là Cheongseongjajinhanip. Trong đó, “Cheongseong” (thanh thanh) có nghĩa là “âm thanh cao”, còn “Jajinhanip” có nghĩa là thi xướng chính nhạc Gagok. Cheongseongjajinhanip là thơ Sijo phổ nhạc, thuộc dòng chính nhạc Gagok. Chính nhạc Gagok được bắt đầu bằng nhạc phẩm Chosudaeyeop (Sơ số đại diệp) và kết thúc bằng nhạc phẩm Taepyeongga (Thái bình ca). Cheongseongjajinhanip chính là nhạc phẩm Taepyeongga được biến tấu âm điệu ở phần cuối bằng phần đệm nhạc âm thanh cao. 


Trong dòng chính nhạc Gagok có nhạc phẩm Pyeonrak được bắt đầu bằng từ Namudo, mô tả tâm trạng lạc lõng khi biệt ly của những người yêu nhau. Họ giống như thân phận một con gà lôi bị chim ưng săn đuổi trên núi không một bóng cây hay mỏm đá để náu thân. Tâm trạng này còn được ví với tâm trạng của người chèo con thuyền chất hai nghìn bao ngũ cốc gặp phong ba bão tố giữa biển trời bao la, mất mái chèo, gãy cột buồm và gặp cướp biển. So với các khúc Gagok khác, bản Gagok này được hát theo nhịp điệu nhanh và cao hơn rất nhiều nên người nghe như cảm nhận được tâm trạng thất thần hoảng loạn của chú gà lôi bị diều hâu đuổi bắt cũng như tâm trạng của người thuyền chài lao đao giữa bốn bề sóng nước trong cơn bão tố của biển khơi. 


Khác với ngày nay, âm nhạc Pungryu (Phong lưu) xưa kia ở Hàn Quốc trên thực tế khá xa vời dòng âm nhạc được bách tính thời đó ưa chuộng. Dòng âm nhạc gần gũi với bách tính khi đó là dòng nhạc dân gian Minsokak có tiết tấu nhanh, biểu cảm trực tiếp và khuếch đại cảm xúc của người nghe. Trong khi đó, nhạc Phong lưu có tiết tấu chậm hơn nhạc dân gian, giúp người nghe kiềm chế cảm xúc của bản thân. So với âm nhạc dân gian Minsokak thuần túy, khi diễn tấu âm nhạc phong lưu dân gian Pungryu Minsokak, người nghệ sĩ sẽ vận dụng nhiều kỹ thuật biểu diễn nhằm khuếch đại âm vị của bản nhạc. 


  • Nhạc phẩm Cheongseonggok (Thanh thanh khúc) / Lee Du-won (sáo trúc ngắn Danso)
  • Nhạc phẩm Gagok dòng Pyeonrak “Namudo” / Lee Dong-gyu 
  • Nhạc phẩm phong lưu dân gian “Gyemyeongarak Dodeuri” / Lee Seul-gi (đàn tranh Gayageum)

Lựa chọn của ban biên tập