Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Nỗ lực của Hàn Quốc để văn hóa truyền thống trường tồn

#Âm điệu ngàn xưa l 2022-06-23

Âm điệu ngàn xưa

Nỗ lực của Hàn Quốc để văn hóa truyền thống trường tồn

Nguy cơ thất truyền của nghệ thuật truyền thống trong xã hội hiện đại

Xã hội và đời sống con người luôn không ngừng thay đổi theo dòng chảy của thời gian. Cuộc sống thay đổi khiến diện mạo của các loại hình văn hóa cũng không ngừng đổi thay. Văn hóa truyền thống là tài sản nguồn cội vô giá trường tồn cùng đời sống thường nhật của người dân ở mỗi địa phương mỗi vùng miền. Trong đời sống xã hội hiện đại, có nhiều mảng văn hóa truyền thống khó có thể được bảo tồn và lưu truyền một cách tự nhiên. Ví như âm nhạc tế lễ Tông Miếu Jongmyojeryeak, dòng âm nhạc đã được Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Jongmyojeryeak là âm nhạc được tấu trong nghi lễ thờ cúng các vị tiên vương của triều đại Joseon (thế kỷ XIV-XIX) tại Tông Miếu. Mặc dù là âm nhạc được dùng trong những sự kiện quan trọng tầm cỡ quốc gia, nhưng việc bảo tồn ý nghĩa trọng đại này của Jongmyojeryeak trong xã hội hiện đại lại hoàn toàn không dễ dàng. Giờ đây ở Hàn Quốc, nhiều làn điệu câu ca xưa kia được người nông dân hát khi gieo mạ và trong mỗi dịp lễ tết đã thất truyền, dù được đầu tư phục dựng nhưng cũng không còn mấy ai nhớ đến.


Để văn hóa nghệ thuật truyền thống trường tồn cùng thời gian

Để tìm kiếm bút tích về văn hóa truyền thống cổ xưa kết nối với xã hội hiện đại thời nay, Viện âm nhạc truyền thống quốc gia Hàn Quốc đã thực hiện và quảng bá sê-ri “Âm nhạc đời sống”. Năm nay, Viện cũng phát hành sản phẩm âm nhạc truyền thống được hiện đại hóa, nhằm thu hút đông đảo giới trẻ Hàn Quốc. 

Nếu như dân ca Minyo là dòng âm nhạc dân gian mà bất cứ ai cũng có thể hát vào bất cứ lúc nào, thì tạp ca Japga lại chủ yếu được các nghệ sĩ hát nhạc truyền thống chuyên nghiệp biểu diễn. Khúc tạp ca Dalgeori của tỉnh Gyeonggi được hát trên phần đệm của trống phong yêu Janggu, có ca từ sử dụng khá nhiều chữ gốc Hán như “liên hoa bồn” (bồn hoa sen), “hoa thảo” (hoa cỏ), “tam sắc đào hoa” (hoa đào ba màu), “nhất triều lang quân” (người đàn ông sáng giá nhất xứ Joseon”, “càn khôn” (trời, đất). Là một khúc hát thủ thỉ về lời tâm tình giữa hai người yêu nhau nhưng ca từ lại khó như vậy thì quả là đánh đố người nghe. Thế nên gần đây, lời khúc hát đã được biến tấu để ai ai cũng có thể cảm nhận ngay được tâm tư tình cảm của đôi lứa yêu nhau qua câu hát, rằng:


Bạn này, bạn kia, bạn chung phòng

Làn da mịn cùng hơi ấm của người tỏa xuống thành chăn nệm


Suyangsanga (Thú Dương sơn ca) là một trong 12 đoản ca thơ phổ nhạc Gasa Sibigasa. Gasa là dòng âm nhạc được giới quý tộc, học giả và tầng lớp giàu có xưa kia ở Hàn Quốc ưa chuộng. Họ thường mời các ca khách và nhạc công chuyên nghiệp tới ca hát tấu đàn để cùng chung vui thưởng nhạc cùng quan khách. Ca từ của các khúc hát xưa thường khắc họa ý tứ thâm thúy của giới học giả hoặc có nội dung lãng mạn phong lưu. Ví như một đoạn ca từ vốn có trong Suyangsanga, rằng:


Hái rau rừng trên núi Thú Dương
 Câu cá sông Vị Thủy Phi
 Uống rượu Nghi Địch nấu
 Lầu Đằng Vương sáng trăng Lý Bạch
 Trương Khiên thượng các ngắm trăng khuya


Áng thơ cổ Suyangsan (Thú Dương sơn, tức núi Thú Dương) được sáng tác dựa trên khá nhiều câu chuyện trong sử ký Trung Quốc để mô tả tâm trạng mong muốn rời xa thế sự rối rem về bầu bạn với thiên nhiên. Như câu “Hái rau rừng trên núi Thú Dương” được viết phỏng theo câu chuyện hai anh em hoàng tử Bá Di và Thúc Tề của vương quốc Cô Trúc thời nhà Ân ở Trung Quốc đã cự tuyệt không ăn thóc gạo nhà Chu, vào núi Thú Dương hái rau rừng ăn qua bữa, không lâu sau thì chết đói. “Sông Vị Thủy Phi” là nơi Khương Thái Công, một công thần lớn đã đắc lực phò tá cho vua Vũ Vương thời nhà Chu ở Trung Quốc, thường đến câu cá. Sau này áng thơ Suyangsan đã được phổ nhạc thành ca khúc Suyangsanga, được biểu diễn cùng phần đệm của đàn tranh Yanggeum.


  • Khúc Dalgeori / Lee Han-cheol (sáng tác và trình bày)
  • Khúc hát Suyangsanga (Thú Dương sơn ca) / Lee Ji-su (sáng tác)
  • Khúc hát đại chúng Byeonsin (Hóa thân) / Choi Go-eun (sáng tác), Chae Su-hyeon (trình bày)

Lựa chọn của ban biên tập