Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Sự giao thoa giữa âm nhạc cổ điển và âm nhạc hiện đại

#Âm điệu ngàn xưa l 2022-08-18

Âm điệu ngàn xưa

Sự giao thoa giữa âm nhạc cổ điển và âm nhạc hiện đại

Tác phẩm “Thần khúc” của nhà thơ kiêm nhà chính trị người Ý Dante Alighieri

Gần đây tiếng tăm về nghệ sĩ piano 18 tuổi Lim Yun-chan nổi như cồn ở Hàn Quốc. Lim Yun-chan đã đoạt giải nhất trong Cuộc thi piano quốc tế Van Cliburn diễn ra tại Mỹ vào ngày 20/6 vừa qua. Ngay cả những người không am hiểu về nhạc cổ điển cũng phải thổn thức khi nghe Lim Yun-chan diễn tấu. Việc đoạt giải nhất trong cuộc thi không làm thay đổi cậu thanh niên 18 tuổi này. Cậu chia sẻ “chỉ muốn sống cùng tiếng đàn”. Câu nói này dường như là của một người đã tu hành cả đời chứ không phải là của một chàng thanh niên 18 tuổi. Được biết, Lim Yun-chan gần như thuộc lòng tác phẩm “Thần khúc” của Dante. Chắc quý vị và các bạn đã có lần nghe nói về “Thần khúc” nhưng rõ có mấy ai đã từng đọc tác phẩm này. “Thần khúc” được nhà thơ kiêm nhà chính trị người Ý Dante Alighieri sáng tác vào đầu những năm 1300 khi phải rời bỏ tổ quốc và sống lưu vong. Dante đã mất 14 năm để hoàn thành tác phẩm “Thần khúc” từ phần “Địa ngục” đến phần “Luyện ngục” và phần “Thiên đàng”. Tác phẩm điêu khắc nổi tiếng thế giới “Người suy tư” của Auguste Rodin cũng được sáng tác mô phỏng theo nội dung “Cánh cửa địa ngục” trong phần “Địa ngục” của “Thần khúc”. 


Nghệ sĩ hát kể chuyện Pansori Jeong Eun-hye đã mất nhiều năm nghiên cứu tập luyện để thể hiện “Thần khúc” của Dante theo phong cách riêng. Chúng ta có thể sẽ cảm thấy lạ lẫm với một tác phẩm văn học cổ điển thời Trung cổ của Ý được thể hiện bằng lối âm nhạc cổ điển Pansori của Hàn Quốc. Khi nhà thơ Dante còn sống, bán đảo Ý vốn được phân chia thành nhiều bang có chủ quyền độc lập như một quốc gia nhỏ và sử dụng nhiều ngôn ngữ địa phương khác nhau. Nhưng về cơ bản, thơ là phải viết bằng tiếng La Tinh. Tuy nhiên, Dante đã dùng ngôn ngữ của quốc gia mình là Firenze để viết “Thần khúc” cho nhiều người có thể đọc hiểu được. Thiết nghĩ thì việc trình diễn “Thần khúc” bằng âm nhạc Hàn Quốc để đông đảo người dân Hàn thấu hiểu cũng là sự tiếp nối ý tưởng của nhà thơ Dante xưa kia. 


Âm nhạc tế lễ Jongmyojeryeak trong âm nhạc hiện đại

Nhạc phẩm tiếp theo mà Âm điệu ngàn xưa muốn giới thiệu tới quý vị và các bạn có nhan đề là “Gwiin-Hyeongga” do nhóm nhạc Haepaary thể hiện. Haepaary có hai thành viên là Hye-won theo chuyên ngành nhạc cụ gõ Taak và Min-hee theo chuyên ngành hát chính ga Jeongga. Sau khi thành lập nhóm nhạc Haepaary, tác phẩm đầu tay của hai nghệ sĩ là tái hiện âm nhạc tế lễ Tông Miếu Jongmyojeryeak theo phong cách hiện đại. Jongmyojeryeak đã được Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tế lễ Tông Miếu Jongmyojerye là nghi lễ quốc gia quan trọng dưới thời Joseon (thế kỷ XIV đến XIX) ở bán đảo Hàn Quốc. Lời ca, điệu múa trong tế lễ Tông Miếu đơn giản mà trang nghiêm và hùng tráng. Âm nhạc và vũ điệu trong nhạc phẩm chuyển thể có sắc thái hoàn toàn khác với nguyên tác lễ nhạc xưa. 


Nhạc phẩm cuối cùng mà Âm điệu ngàn xưa muốn gửi tới quí vị và các bạn hôm nay là “Ganggangsullae” (Múa hát vòng tròn ngắm Mặt Trăng) do ban nhạc Seodo thể hiện. Nghe tên của ban nhạc là Seodo, chắc các bạn nghĩ rằng ban nhạc này có mối liên quan gì đó với dòng dân ca Minyo của vùng Seodo là khu vực tỉnh Hwanghae và Pyongan (nay thuộc địa phận của Bắc Triều Tiên). Nhưng không phải vậy. Seodo chỉ là nghệ danh của giọng ca chính trong ban nhạc. Chữ “Do” trong tên của ban nhạc “Seodo” là tên cúng cơm của vua Sejong (Thế Tông). Thời xưa, vua Sejong đã sáng tạo ra chữ viết Hangeul trong cuốn “Hunminjeongeum” (Huấn dân chính âm) để nâng cao dân trí của bách tính. Noi gương vua Sejong, ban nhạc Seodo muốn lấy âm nhạc để nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho người dân Hàn Quốc trong xã hội hiện đại thời nay. Ban nhạc Seodo từng chia sẻ họ theo đuổi thể loại Joseon Pop, là đặc trưng trong phong cách biểu diễn pha trộn nhạc Pop vào âm nhạc truyền thống dân tộc Hàn. Giọng ca chính Seodo vốn theo học lối hát kể chuyện Pansori từ nhỏ nhưng hoàn toàn không sử dụng cách hát này khi biểu diễn, ban nhạc cũng hoàn toàn không sử dụng nhạc cụ truyền thống, nhưng người nghe vẫn thấy tiết mục biểu diễn của ban nhạc Seodo toát lên bản sắc âm nhạc truyền thống của dân tộc Hàn. 


* Đoạn “Cánh cửa địa ngục” trong “Thần khúc” của Dante Jeong Eun-hye (thể hiện theo lối hát kể chuyện Pansori)

* Nhạc phẩm “Gwiin-Hyeongga”/nhóm nhạc Haepaary 

* Tiết mục Ganggangsullae ban nhạc Seodo

Lựa chọn của ban biên tập