Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Danh thắng và thiên nhiên trên bán đảo Hàn Quốc trong thơ ca truyền thống

#Âm điệu ngàn xưa l 2022-10-13

Âm điệu ngàn xưa

Danh thắng và thiên nhiên trên bán đảo Hàn Quốc trong thơ ca truyền thống

Danh thắng ở Bắc Triều Tiên trong thơ ca truyền thống

Từ xa xưa núi Geumgang đã là danh thắng nổi tiếng nhất trên bán đảo Hàn Quốc. Thắng cảnh nơi đây đẹp đến mức mỗi mùa người ta lại ưu ái gọi núi bằng một cái tên khác nhau. Xuân sang, cây cối đâm chồi nảy lộc, muôn hoa đua nở khiến cả vùng núi đẹp long lanh như viên kim cương màu nhiệm nên được gọi là Geumgang, tức Kim Cương. Hè đến, núi được gọi Bongnae (Bồng Lai), vì được thảm cây xanh rì bất tận bao phủ chẳng khác gì nơi trú ngụ của các bậc thần tiên. Thu về, núi Geumgang được gọi là Pungak (Phong Nhạc) vì nó khoác trên mình chiếc áo rực rỡ sắc màu lá thu. Trong tiết đông giá buốt, cây cối trên núi rụng hết lá, chỉ còn trơ lại những cành cây khẳng khiu, làm những vách núi hiểm trở lộ nguyên hình, vì thế mà dãy núi được gọi là Gaegol (Giai Cốt); còn khi tuyết phủ trắng, núi Geumgang đẹp tựa thiên bồng. 


Giseongpalgyeong (Bát cảnh Cơ Thành) là khúc hát ca ngợi 8 cảnh đẹp nổi tiếng của Bình Nhưỡng (Theo âm Hàn là Pyeongyang). Đó là cảnh xuân ở đài Eulmil (Ất Mật), ngắm trăng trên lầu Bubyeok (Phù Bích), hình bóng nhà sư trên chùa Yeongmyeong (Vĩnh Minh) lúc Mặt trời lặn, tiếng mưa tí tách rơi ở đền Aeryon (Ái Liên), hình ảnh tiễn khách trên sông Botong (Phổ Thông), rặng cây xanh rì ở núi Yongak (Long Nhạc) dịp cuối thu, trò du thuyền trên sông Daedong (Đại Đồng) trước cửa thành ngoại phía Nam thành Bình Nhưỡng, cảnh nước xoáy trên sông Matan (Mã Than) cuốn theo những vạt tuyết đầu xuân… Hy vọng trong một ngày gần nhất, mọi người dân Hàn Quốc cũng có được cơ hội tới tận hưởng bát cảnh tuyệt mỹ này ở Bình Nhưỡng. 


Danh thắng ở Hàn Quốc trong thơ ca truyền thống

Giống như núi Geumgang có nhiều tên gọi, mùa thu ở Hàn Quốc cũng được gọi bằng nhiều tên khác nhau. Như tên gọi Cheongomabi (Thiên cao mã phì), vì sang thu, bầu trời trong xanh cao vời vợi, ngựa béo mầm, thế nên mùa thu tượng trưng cho sự no ấm phong lưu. “Thiên cao mã phì” vốn được dùng ở Trung Quốc, để cảnh giác với các dân tộc du mục ở phía Bắc. Đối với các dân tộc theo nghề nông thì mùa thu là mùa thu hoạch, nhưng dân tộc sống du mục thì không có gì để thu hoạch, trong khi mùa đông thì sắp tới, nên sẵn có ngựa khỏe, họ cưỡi ngựa tới xâm lược các nước phương Nam. Người Hàn Quốc còn gọi mùa thu là mùa đọc sách. Vì thu đến, thời tiết không lạnh cũng không nóng, chẳng những thích hợp cho việc đọc sách mà còn là lúc lý tưởng nhất cho những chuyến ngao du tận hưởng cảnh đẹp mê hồn của thảm cỏ cây rực rỡ sắc thu. Thế nên người Hàn Quốc còn gọi mùa thu là mùa du lịch và minh chứng là cứ đến dịp cuối tuần vào mùa thu, mọi nẻo đường cao tốc ở Hàn Quốc lại ách tắc trầm trọng. 


Jeong Cheol, hiệu Songgang (Tùng Giang), là một văn sĩ nổi tiếng dưới thời Joseon thế kỷ XVI ở Hàn Quốc. Ông đã để lại cho đời nhiều tác phẩm có giá trị, trong số này có thể kể đến tác phẩm Gwandongbyeolgok (Biệt khúc Quan Đông). Đây là khúc thi ca ca ngợi những danh thắng ở vùng Gwandong, chỉ khu vực phía Đông đèo Daegwal (tỉnh Gangwon). Bài thi ca có nội dung rằng: Ông Jeong Cheol đổ bệnh nặng khi đang sống ẩn dật. Biết ông thích thiên nhiên, vua ban cho ông cai quản 800 dặm vùng Gwandong (Quan Đông). Sau những lời tỏ lòng cảm tạ đức vua là những ca từ ca ngợi các thắng cảnh vùng Gangwon. Gwandongbyeolgok (Biệt khúc Quan Đông) là khúc hát được các kỹ nữ vùng Gangwon yêu thích vì nó kể về vẻ đẹp mỹ miều của thiên nhiên nơi đây. 


* Khúc dân ca Minyo “Geumgangsan Taryeong” (Khúc ca núi Geumgang) của vùng Namdo (tức tỉnh Jeolla) / Ahn Suk-seon và nhóm phụ họa

* Khúc hát Giseongpalgyeong (Bát cảnh Cơ Thành) / Park Gi-jong.

* Khúc hát Sin Gwandongbyeolgok (tức khúc “Biệt khúc Quan Đông mới” / Kim Hye-sook (đàn tranh 12 dây Gayageum) và nhóm phụ họa

Lựa chọn của ban biên tập