Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Những khúc hát có tên gọi là Taryeong trong âm nhạc truyền thống Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2022-10-27

Âm điệu ngàn xưa

Những khúc hát có tên gọi là Taryeong trong âm nhạc truyền thống Hàn Quốc

Cung Cảnh Phúc và khúc hát Gyeongbokgungtaryeong

Cung Gyeongbok (Cảnh Phúc) là nơi mà du khách nước ngoài tới Hàn Quốc nhất định đến tham quan. Tới đây, trong tà áo truyền thống Hanbok, giống như nhân vật chính trong các bộ phim cổ trang của Hàn Quốc, khách tham quan có thể rảo bước trong cung điện và cảm nhận các nét văn hóa cũng như dáng vẻ uy nghiêm của vương triều Joseon thời xưa trên bán đảo Hàn Quốc. Lễ đổi gác của đội quân gác cổng thành xưa được tái hiện lại theo cuốn biên niên sử “Joseonwangjosillok” (Joseon vương triều thực lục) là một trong những điểm nhấn của chương trình tham quan, giúp du khách có thể được tận mắt chứng kiến và trải nghiệm văn hóa cung điện cổ xưa của Hàn Quốc.

Cung Gyeongbok (Cảnh Phúc) được xây dựng sau khi vương triều Joseon thành lập vào năm 1392, và được đóng vai trò là cung điện chính của triều đình nhưng đã bị thiêu hủy trong cuộc chiến tranh xâm lược năm Nhâm Thìn (1592) của Nhật Bản. Trong một thời gian dài, cung Gyeongbok đã ở trong tình trạng hoang phế, đến khi vua Gojong (Cao Tông) lên ngôi, cha của vua là Heungseondaewongun (Hưng Tuyên Đại viện quân) đã cho xây dựng lại các tòa điện tại đây để củng cố vương quyền. Thời đó, triều đình đã huy động sức lao động của bách tính trên cả nước để phục dựng cung Gyeongbok. Đây cũng là thời điểm xuất hiện khúc dân ca “Gyeongbokgungtaryeong” (Khúc hát cung điện Cảnh Phúc) với ca từ “Cung Cảnh Phúc được phục dựng vào tháng 4 năm Ất Sửu”, tức tháng 4 năm 1865. Mà tháng 4 là thời điểm nhà nông bắt đầu vào vụ cấy, những người bị huy động đi xây cung Gyeongbok chẳng những không giúp gì được cho gia đình lúc bận rộn mà còn phải rời quê, xa nhà. Có lẽ cả thể xác và tâm can của bách dân Hàn Quốc thời đó đều đã rất mệt mỏi. Thế nên khúc hát “Gyeongbokgungtaryeong” vẻ ngoài là khúc hát chúc mừng cung Cảnh Phúc được phục dựng nhưng bên trong đó tiềm ẩn không ít nỗi niềm oán thán của người dân lúc đương thời. 


Hỷ nộ ái lạc của người dân Hàn Quốc được thổ lộ trong các khúc hát Taryeong

Trong âm nhạc truyền thống Hàn Quốc có khá nhiều nhạc phẩm mang tên là Taryeong. Không thể thống kê được hết nhưng có thể nêu ra một vài ví dụ như khúc hát “Gunbamtaryeong” (Khúc hát hạt dẻ nướng), “Saetaryeong” (Lời than của các loài chim), “Changbutaryeong” (Khúc hát thần hề), “Maehwataryeong” (Khúc hát hoa mai), “Namutaryeong” (Khúc hát cây gỗ), “Gakseoritaryeong” (Khúc ca kẻ ăn mày) … Có thể thấy, Taryeong là khúc hát kể về những câu chuyện hỷ nộ ai lạc ở đời với một chủ đề nhất định. Ngoài các khúc hát, “Taryeong” còn là tên gọi của không ít khúc nhạc cổ thời xưa, ví như khúc “Taryeong” trong nhạc phẩm Yeongsanhoesang (Linh Sơn Hội Tương) hay khúc “Giltaryeong” trong Chwitapungryu (Quân nhạc phong lưu). Ở đây, Taryeong có nghĩa là âm nhạc được theo nhịp điệu Taryeong có khuôn nhạc 12 nhịp. Thông thường thì nhịp điệu Taryeong được sử dụng để tạo cảm giác nhẹ nhàng, hưng phấn và vui nhộn. 

Trong đời sống thường nhật, người Hàn Quốc cũng hay sử dụng từ Taryeong để ca thán về những việc mình không hài lòng như “Wuri Aeneun Maennal Babtaryeongman Handa” có nghĩa là “Con cái nhà tôi suốt ngày đòi cơm cơm cơm”, hay câu “Wuri Eommaneun Gongbutaryeongman Handa” có nghĩa là “Mẹ tôi suốt ngày nói học học học” … Ở đây, từ Taryeong được dùng để chỉ những việc lặp đi lặp lại. Còn trong câu “Neoneun Maennal Geu Taryeonginya”, thì Taryeong lại là từ chỉ diện mạo dẫm chân tại chỗ không có gì phát triển. Người Hàn Quốc có câu “Deutgi Joheun Ggotnoraedo Han Du Beon”, nghĩa là “Có là bài hát hay đến mấy thì cũng chỉ là một hai lần”. Ý muốn nói rằng dù có là lời hay lẽ phải đến mấy đi chăng nữa mà cứ nói đi nói lại thì nghe chưa chắc đã lọt tai. Nhưng có lẽ “Dontaryeong” (Khúc ca về đồng tiền) chắc có nghe hoài nghe mãi thì cũng không thấy nhàm chán. Trong trường ca hát kể chuyện Pansori Heungboga (Anh em nhà Heongbo) có đoạn vợ chồng người em Heungbo định bụng cưa quả bầu ra nạo lấy ruột nấu bát cháo cho đàn con nheo nhóc húp cầm hơi trong lúc đói kém. Đây là trái bầu họ trồng bằng hạt bầu do chim én báo ân tha về đền ơn cứu mạng. Nhưng khi trái bầu vừa được bửa đôi thì từ lòng quả bầu thóc gạo và tiền bạc không ngừng túa ra. Hai vợ chồng người em Heungbo người ôm thóc gạo người ôm tiền vàng vừa nhảy múa vừa hát khúc Dontaryeong (Khúc ca về đồng tiền). 


* Khúc hát “Gyeongbokgungtaryeong” (Khúc hát cung điện Cảnh Phúc) / Chae Su-hyeon và nhóm nhạc Mặt trăng thứ hai 

* Khúc Taryeong của nhạc phẩm Yeongsanhoesang (Linh Sơn Hội Tương) / Lee Se-hwan (đàn tranh 6 dây Geomungo) và nhóm phụ họa 

* Khúc hát Baktaryeong (Khúc hát cưa bầu), Dontaryeong (Lời ca thán về đồng tiền) trong trường ca hát kể chuyện Pansori Heungboga (Anh em nhà Heongbo) / Kim So-hee 

Lựa chọn của ban biên tập