Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Tài năng của người phụ nữ Hàn Quốc thời xưa được mô tả trong âm nhạc

#Âm điệu ngàn xưa l 2022-12-08

Âm điệu ngàn xưa

Tài năng của người phụ nữ Hàn Quốc thời xưa được mô tả trong âm nhạc

Nàng Hwang Jin-yi và Maechang dành chọn đời cho con đường nghệ thuật

Trong thời Joseon ở Hàn Quốc, kỹ nữ là một nghề khá đặc biệt vì họ trực thuộc quan phủ, nay có thể ví là công chức của địa phương. Nhưng chính xác thì họ là nô bộc và có thân phận thấp hèn trong phủ quan. Dù là vậy, kỹ nữ phải học hành, có tài cầm kỳ thi họa và múa hay hát giỏi để tiếp đãi giới quý tộc. Hwang Jin-yi chính là một trong những kỹ nữ nổi tiếng nhất trong thời đại Jeoseon. Truyền rằng Hwang Jin-yi trở thành kỹ nữ khi chứng kiến một chàng hàng xóm mắc bệnh tương tư rồi chết vì cô. Hwang Jin-yi, hiệu Myeongwol (Minh Nguyệt) không chỉ sở hữu sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành mà cô còn có tài làm thơ và tấu đàn tranh 6 dây Geomungo. Những áng thơ ca của kỹ nữ Hwang Jin-yi cho tới nay vẫn được lưu truyền. Ví như khúc hát “Cheongsanri Byeokgyesuya” (Hỡi núi xanh nước suối trong) có đoạn:


Núi thẳm dưới trời xanh, hỡi nước suối trong

Đừng tự tin sẽ dễ quay về

Dòng chảy trôi ra biển, ắt khó lòng trở lại

Ngọn núi hiu quạnh dưới ánh trăng trong


“Nước suối trong”, âm Hán là Bích Khê Thủy (Byeokgyesu) trong áng thơ của Hwang Jin-yi ám chỉ một vị học sĩ của Joseon có hiệu là Byeokgyesu, người hằng ao ước một lần được gặp kỹ nữ xinh đẹp có tài cầm kỳ thi họa nổi tiếng Hwang Jin-yi nhưng lại e ngại vì biết rằng nàng rất kiêu sa. Byeokgyesu bèn lui tới hỏi một học giả cách để gặp được kỹ nữ Hwang Jin-yi thì được chỉ bảo rằng: “Nếu tấu đàn Geomungo ở lầu gác gần nhà Hwang Jin-yi thì nhất định nàng sẽ tới. Lúc đó nếu có thấy nàng thì cũng vờ như không thấy, rồi cưỡi ngựa mà rời đi, Hwang Jin-yi nhất định sẽ đi theo nhưng đừng ngoái lại. Nếu làm được như vậy thì ắt sẽ toại nguyện”. Byeokgyesu làm đúng theo lời bạn dặn, Hwang Jin-yi vừa nhìn diện mạo phía sau của Byekgyesu vừa ngâm thơ. Nghe thấy áng thơ Hwang Jin-yi ngâm, chàng quân tử Byeokgyesu giật mình mà ngã ngựa. Thấy vậy, Hwang Jin-yi liền bật cười chế giễu rồi quay gót vào phòng.

Hwang Jin-yi là kỹ nữ ở vùng Gaesung (nay thuộc địa phận của Bắc Triều Tiên), ở vùng Buan, tỉnh Bắc Jeolla còn có một kỹ nữ tên Maechang (Mai Song). Thơ của Maechang hay tới nỗi sau khi nàng chết, những viên quan chức sắc ở địa phương đã gom tiền sưu tầm các bài thơ của nàng và cho ra đời tuyển tập thơ Maechang, gọi là “Maechangjip” (Tập Mai Song). Kỹ nữ Maechang cũng rất thân thiết với văn sĩ Huh Gyun, tác giả của kiệt tác bất hủ “Truyện Hong Gil-dong”. Văn sĩ Huh Gyun không coi Maechang là một kỹ nữ. Ông đối xử cô như một người bạn tâm giao và chia sẻ nghệ thuật. Một lần Maechang tức cảnh vừa ngâm thơ vừa tấu đàn tranh 6 dây Geomungo có tựa đề là “Sanjagosae” (Gà gô ở núi rừng), nói về nỗi nhớ nhung người quan huyện đã rời xa. Một học sĩ thấy cảnh này và đã viết thành thơ. Áng thơ này mau chóng được lan truyền trong bàn dân thiên hạ và tới tai văn sĩ Huh Gyun. Văn sĩ Huh Gyun đã viết thư cho kỹ nữ Maechang và đùa rằng “Thấy chạnh lòng vì bàn dân thiên hạ đồn thổi với nhau rằng nàng khóc vì nhớ thương ta”. Đang trong tâm trạng rầu rĩ vì phải ly biệt người thương mà đọc được những dòng thư này thì chắc hẳn Maechang khi đó cũng đã nhoẻn miệng cười. 


Nàng Gyeseom đoạn nghề về sống điền viên với tự nhiên

Một kỹ nữ khác lẫy lừng không kém Hwang Jin-yi hoặc Maechang, đó là nàng Gyeseom (Quế Thiềm). Gyeseom vốn là nô bộc trong một phủ quan ở vùng Songhwa thuộc tỉnh Hwanghae (nay thuộc Bắc Triều Tiên). Cô mồ côi cha mẹ từ nhỏ, năm 16 tuổi bắt đầu học hát. Khi Gyeseom nổi danh trong vùng, một người thuộc dòng dõi quý tộc tên là Won Eui-son đã đưa cô đến sống ở nhà mình và ca hát. 10 năm sau, Gyeseom rời khỏi nhà Won Eui-son do vị quý tộc này đã lỡ lời với cô. Sau đó, quan văn Lee Jeong-bo sống dưới thời vua Yeongjo (Anh Tổ: 1694 - 1776) trở thành người bảo hộ cho cô. Biết Gyeseom là người có tài, Lee Jeong-bo đã tạo cho cô mọi điều kiện để học tập và kết quả là Gyeseom trở thành một danh ca tiếng tăm lừng lẫy lúc đương thời. Sau khi Lee Jeong-bo qua đời, ngày ngày cô tìm tới mộ ông. Nhiều người đã rất thán phục tài đàn hát thi xướng của Gyeseom nhưng cô lại chẳng mấy mặn mà với xã hội không có người thực sự thấu hiểu về âm nhạc và nghệ thuật. Thế nên Gyeseom từ giã Hanyang (Hán Dương: tên gọi cũ của thủ đô Seoul), tới vùng núi Jeongseon thuộc tỉnh Gangwon mua đất, cất nhà và vui vẻ với cuộc sống điền viên. Trước ngày rời Hanyang, cô đã mở tiệc mời bằng hữu để chào từ biệt mọi người. Trong bữa tiệc, cô nói với các bằng hữu, rằng: “Giờ tôi bỏ đi, các anh luyến tiếc níu kéo vì tôi vẫn còn trẻ còn đẹp. Nhưng tới khi tôi già, chắc các anh sẽ vứt bỏ tôi thôi. Tới lúc đó, có hối hận cũng muộn. Thế nên, vứt bỏ các anh khi tôi còn trẻ, thì sẽ tránh được việc bị các anh bỏ rơi lúc về già”. Sau khi rời Hanyang lui về vùng núi Jeongseon, Gyeseom mặc váy sợi gai do chính tay mình may vá, đi dép bện rơm và ngày đêm niệm kinh Phật. 


* Khúc hát “Cheongsanri Byeokgyesuya” (Hỡi núi xanh nước suối trong) / Lee Yun-jin 

* Nhạc phẩm “Geomungoreul Tamyeonseo” (Tấu đàn tranh 6 dây Geomungo) / Jang Eun-seon (đàn tranh Geomungo)

* Khúc hát “Meonde Nim” (Người tình xa xưa) / Jeong Ma-rie

Lựa chọn của ban biên tập