Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Quan niệm “Khổ tận cam lai” trong âm nhạc truyền thống Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2022-12-22

Âm điệu ngàn xưa

Quan niệm “Khổ tận cam lai” trong âm nhạc truyền thống Hàn Quốc

Cảm nhận về lúc rạng sáng

Trong trường ca hát kể chuyện Pansori Sugungga (Thủy cung ca), ba ba Byeoljubu lần đầu tiên ra khỏi thủy cung, lên bờ để bắt thỏ về làm thuốc cứu Long Vương. Có lẽ cảm nhận đầu tiên về trần gian của ba ba Byeoljubu chẳng khác nào cảm nhận của con người khi bay vào vũ trụ. Nó ngoi lên mặt nước đúng vào lúc xóm chài ven biển bừng tỉnh giấc đón những tia nắng mặt trời chói lọi trong buổi sớm tinh mơ. Vầng thái dương này được người xưa ở Hàn Quốc ghi lại trong trường ca Sugungga (Thủy cung ca) là “Cao cao thiên biên nhật luân hồng”, có nghĩa là vầng thái dương đỏ rực trên bầu trời cao. Đoạn tả cảnh buổi sớm tinh mơ của xóm chài hiện lên trước mắt ba ba Byeoljubu trong lần đầu tiên ngoi lên mặt nước thường được biểu diễn bằng đoản ca Danga hoặc bằng phong cách vừa hát vừa tấu đàn tranh 12 dây Gayageum Gayageumbyeongchang. 


Ngày 22 tháng 12 là ngày có đêm dài nhất và ngày hôm sau đó là ngày có thời gian ban ngày dài nhất trong năm. Đây còn được gọi là tiết đông chí. Người Hàn Quốc xưa kia coi tiết đông chí là ngày Mặt trời phục sinh, coi đây là ngày đầu tiên của một năm nên gọi là “Tết nhỏ”. Trong ngày đông chí, người Hàn Quốc ăn cháo đậu đỏ Patjuk vì tin rằng màu đỏ của đậu có thể xua đuổi tà ma, quỷ dữ, mọi điều rủi ro và cầu nguyện cho một năm mới bình an và tràn đầy ước vọng. Vào dịp này, triều đình còn làm lịch năm mới phân phát cho bách tính. Trong thơ của thi sĩ Yun Dong-ju, người đọc có thể cảm nhận được niềm hy vọng về tương lai của người dân Hàn Quốc tại thời điểm ảm đạm nhất trong lịch sử dân tộc dưới “móng vuốt” ách đô hộ của thực dân Nhật. Áng thơ có đoạn:


Hãy mặc áo đen cho những người đang chết

Hãy mặc áo trắng cho những người đang sống

Hãy để mọi người cùng ngủ trên một giường

Nếu ai khóc hãy cho họ uống sữa

Tới lúc rạng sáng, sẽ nghe thấy tiếng loa


Quan niệm về khổ tận cam lai

Bầu trời sẽ tăm tối nhất ngay trước thời điểm mặt trời mọc. Có lẽ cuộc đời cũng vậy. Sống ở đời, ai rồi cũng vấp phải thời kỳ khó khăn và bước ngoặt chuyển họa thành phúc luôn là thời khắc mà khó khăn đạt đến điểm cực độ nhất. Ví như trong trường ca hát kể chuyện Pansori Heungboga (Anh em nhà Heungbo), thì ngay trước đoạn tả cảnh một nhà sư chỉ vị trí đất làm nhà cho gia đình người em Heungbo là cảnh người em Heungbo phải đi chịu đòn thuê để kiếm hớp cháo nuôi sống đàn con nheo nhóc đói khát, đến nhà anh trai Nolbo vay gạo nhưng bị đuổi đi và quay về tay trắng. Không chỉ bị đuổi, Heungbo còn bị người anh Nolbo dùng gậy đánh, vợ Heungbo chườm vết thương cho chồng, cực chẳng đã hai vợ chồng ôm nhau khóc thảm thiết. Nếu không lâm vào tình cảnh khốn cùng này, đủ ăn đủ tiêu, thì nhà sư có chỉ đất làm nhà, vợ chồng Heungbo cũng chưa chắc đã chuyển nhà tới đó, và cũng sẽ không có chuyện Heongbo trở thành người giàu có. Trong khi lâm vào tình cảnh khốn cùng, nhờ sự tin tưởng và biết ơn những cơ hội dù nhỏ nhoi nên đã gặt hái được trái ngọt thành công. Gần đây tình hình kinh tế trên toàn cầu đều đang đối mặt với không ít khó khăn trắc trở. Đêm có dài và tối tăm đến mấy thì trời cũng sẽ sáng. Chúng ta hãy cố gắng nhẫn nại và hãy đặt niềm hy vọng vào tương lai xán lạn. 


* Nhạc phẩm Gogocheonbyeon (Cao cao thiên biên) phiên bản Gayageumbyeongchang / Kim Il-ryun (vừa hát vừa tấu đàn tranh 12 dây Gayageum), nhóm nhạc truyền thống đàn tranh Gayageum Sukmyeong

* Khúc hát “Saebyeoki Oldaeggaji” (Cho tới lúc rạng sáng) được chuyển thể từ áng thơ cùng tên của thi sĩ Yun Dong-ju / bộ đôi Baneungjeom (Điểm phản ứng) 

* Trích đoạn Jungtaryeong (Khúc hát về tăng ni) trong trường ca hát kể chuyển Pansori Heungboga (Anh em nhà Heungbo) / Kim Su-yeon

Lựa chọn của ban biên tập