Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Những bước thăng trầm của nghệ sĩ Âm nhạc truyền thống Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2023-01-12

Âm điệu ngàn xưa

Những bước thăng trầm của nghệ sĩ Âm nhạc truyền thống Hàn Quốc

Nghệ sĩ Choi Seung-hui và nghệ thuật múa Hàn Quốc

Thời kỳ bị Nhật Bản chiếm đóng, Hàn Quốc có một nghệ sĩ múa nổi tiếng tên là Choi Seung-hui, người đầu tiên sáng tác vũ điệu theo xu hướng phương Tây ở Hàn Quốc. Lúc nhỏ, sau khi xem buổi biểu diễn của nghệ sĩ múa hiện đại Nhật Bản Ishii Baku, Choi Seung-hui đã quyết định sang Nhật và theo học nghệ thuật múa của ông. Sau một thời gian hoạt động nghệ thuật tại Nhật Bản, Choi Seung-hui quay về Hàn Quốc, xây dựng trung tâm nghiên cứu nghệ thuật múa của riêng mình và cho ra mắt hàng loạt các tác phẩm mới thu hút mối quan tâm của người dân trên báo đảo Hàn Quốc. Không dừng lại ở đây, Choi Seung-hui bắt đầu học tập nghiên cứu múa truyền thống Hàn Quốc, kết hợp nghệ thuật múa truyền thống với hiện đại, đưa lên sân khấu các tác phẩm múa như "Seungmu" (Tăng vũ - múa dân gian mang màu sắc Phật giáo của Hàn Quốc), "Kalchum" (múa kiếm), "Buchaechum" (múa quạt), "Gamyeonchum" (múa mặt nạ) và hàng loạt các tác phẩm múa “Bosal” (múa Bồ tát) độc đáo khác. Nghệ sĩ Choi Seung-hui không chỉ gây tiếng vang lớn trên thế giới với cương vị là nghệ sĩ múa Joseon tiêu biểu, mà bà còn được mời làm giám khảo cuộc thi múa thế giới được tổ chức năm 1938, sánh vai cùng các nghệ nhân múa trên toàn cầu.

Ngoài múa, dường như nghệ sĩ Choi Seung-hui cũng sở hữu tài năng ca hát xuất sắc không kém, minh chứng là bà đã phát hành đĩa nhạc gồm khúc hát “Italy Jeongwon” (Khu vườn Italy). Nhạc phẩm này quen thuộc với người Hàn Quốc thông qua bộ phim “Park Yeol”, tựa tiếng Anh là “Anarchist from Colony” (Những kẻ nổi loạn mộng mơ), công chiếu năm 2017. 

Nổi tiếng thế giới dưới thời đô hộ của Nhật Bản, nghệ sĩ múa Choi Seung-hui đã không thoát khỏi cảnh bị ép phải biểu diễn mua vui cho lính Nhật nên bị không ít người cho rằng bà thân Nhật. Nhưng theo những người thân thiết với bà thì qua những buổi công diễn bị bắt buộc như vậy, nghệ sĩ Choi Seung-hui đã gom tiền và ngầm ủng hộ cho hoạt động vận động độc lập của người dân bán đảo Hàn Quốc, đồng thời hy vọng cải thiện được thái độ đối đãi với người Joseon. Tuy nhiên, đó là câu chuyện xảy ra quá lâu và khó có thể minh chứng được thực hư. Cả một thế kỷ đã trôi mà người đời vẫn còn tranh luận về những việc này. Đây quả thực là tàn dư, là một nỗi niềm đau đáu không nguôi mà người dân Hàn Quốc phải gánh chịu dưới ách đô hộ của thực dân Nhật. 


Hoạt động của các nghệ sĩ âm nhạc truyền thống thời kỳ Hàn Quốc bị Nhật Bản chiếm đóng

Mặc dù phải trốn tránh sự kiểm duyệt khắt khe của Nhật Bản nhưng các nghệ sĩ Hàn Quốc đã không ngừng nỗ lực sáng tác những khúc hát xoa dịu nỗi đau mất nước của dân tộc. Trong số này có thể kể đến khúc dân ca Minyo “Nodeulgangbyeon” (Bờ sông Noldeul), diễn tả tâm trạng bi ai của người dân Hàn Quốc dưới móng vuốt của thực dân Nhật. Khúc dân ca được bắt đầu bằng câu “Trên nhành liễu xuân rủ bên bờ sông Nodeul” và kết thúc với đoạn, rằng:


Nước sông Nodeul xanh, vong hồn trong dòng chảy

Ngươi đã mang theo bao trai tài gái sắc

Hãy thay đổi tâm can trong sâu thẳm

Hãy mang theo nỗi hận chồng chất của thế gian này


Người viết ca từ cho khúc hát “Nodeulgangbyeon” có nghệ danh là Shin Bul-chul, tên thật là Heung-sik. Nghệ danh của ông Bul-chul (âm Hán là “bất xuất”) mang ý nghĩa là “thế gian bị thực dân thống trị thì thà đừng sinh ra trên đời này sẽ tốt biết bao”. Truyền rằng vào một ngày đầu xuân thời kỳ đầu những năm 1930, Shin Bul-chul đã cùng nhạc sĩ Mun Ho-wol khi đợi đò bên sông, cảnh những nhành liễu đung đưa nhịp nhàng trong gió xuân đã khiến Shin Bul-chul động lòng và viết nên lời bài hát còn nhạc sĩ Mun Ho-wol thì sáng tác nhạc cho khúc hát này. Năm 1934, bài hát “Nodeulgangbyeon” (Bờ sông Noldeul) được phát hành trong đĩa nhạc của Park Bu-yong, gặt hái được thành công lớn và dần trở thành dân ca Minyo. 

Trong những khúc dân ca của vùng Gyeonggi được người dân Hàn Quốc ưa thích gần đây, có khá nhiều khúc dân ca mới Sinminyo được ra mắt trong thời kỳ Hàn Quốc bị Nhật Bản chiếm đóng. Ví như khúc dân ca “Taepyeongga” (Thái bình ca) với câu mở đầu là: Tức giận để làm chi, khó chịu để làm gì

Câu hát như giúp người nghe vực lại tinh thần trong thời khắc khốn khó mệt mỏi. Vốn dĩ giai điệu dân ca “Taepyeongga” (Thái bình ca) do ca sĩ Seonwoo Il-seon thể hiện đã rất nổi tiếng vào năm 1935 với tên gọi là “Taepyeongyeon” (Thái bình yến). “Taepyeongyeon” là khúc hát được biến tấu từ giai điệu dân ca “Changbu Taryeong” của vùng Gyeonggi, sử dụng nhịp điệu van-xơ Kungjakjak Kungjakjak, tạo nên một cảm giác mới mẻ. Danh ca Lee Eun-ju là người góp phần không nhỏ đưa việc khúc hát “Taepyeongga” trở thành giai điệu dân ca tiêu biểu của tỉnh Gyeonggi. Trong cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), danh ca Lee Eun-ju lánh nạn đến Daegu. Sẽ bức bối biết mấy khi một danh ca nổi tiếng phải gò bó mình trong căn phòng chật hẹp, nhưng cơ hội biểu diễn trên sân khấu đã đến với bà như cơn mưa “vàng” trong mùa hạn hán. Với tâm nguyện cầu mong hòa bình sớm trở lại, danh ca Lee Eun-ju đã hát khúc “Taepyeongyeon” trên nhịp điệu Gutgeori và gây được tiếng vang lớn trong cộng đồng những người tị nạn chiến tranh cùng cảnh ngộ. 


* Khúc hát “Italy Jeongwon” (Khu vườn Italy) / Lee Jeong-pyo 

Khúc hát Nodeulgangbyeon”(Bờ sông Noldeul) / Kim Yong-woo

Giai điu dân ca Taepyeongga (Thái bình ca) / Song So-hee và nhóm nhc Mt trăng th hai

Lựa chọn của ban biên tập