Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Âm nhạc truyền thống Hàn Quốc trong đời sống xã hội hiện đại

#Âm điệu ngàn xưa l 2023-02-09

Âm điệu ngàn xưa

Âm nhạc truyền thống Hàn Quốc trong đời sống xã hội hiện đại

Sử dụng âm nhạc truyền thống làm nhạc báo chuyền tàu

Nhiều người nước ngoài đến Hàn Quốc không chỉ ngỡ ngàng trước sự tiện lợi, hiện đại của hệ thống xe buýt và tàu điện ngầm ở Hàn Quốc mà còn cả về độ chính xác giờ giấc và vệ sinh an toàn. Người sử dụng các loại phương tiện giao thông công cộng này có thể biết chính xác thời gian đến và đi của các xe trên toàn tuyến hành trình qua bảng thông tin điện tử hay các ứng dụng chỉ đường trên điện thoại thông minh. Hành khách lại còn được giảm giá mỗi khi đổi tuyến xe hoặc chuyển sang phương tiện giao thông công cộng khác. Được biết, từ năm nay, nhạc báo ga đổi tàu trên toàn bộ hệ thống tàu điện ngầm trong khu vực thủ đô Seoul sẽ được chuyển từ khúc “Eolssiguya” (Giỏi lắm) sang khúc “Pungnyeon” (Năm được mùa) do nhạc sĩ Park Gyeong-hun sáng tác dựa trên giai điệu dân ca “Pungnyeonga” (Khúc hát bội thu) của vùng Gyeonggi. Trước đây, vốn dĩ nhạc báo chuyển tàu ở mỗi ga đều khác nhau và đều là nhạc cổ điển. Nhưng từ năm 2010, khúc “Eolssiguya” thuộc dòng âm nhạc truyền thống đã được sử dụng làm nhạc báo chuyển tàu trên toàn hệ thống. Nói đến nhạc truyền thống, thường thì mọi người nghĩ rằng đây là dòng nhạc nhàm chán, ảm đạm nhưng ngược lại nhạc khúc Eolssiguya lại mang đến cho người nghe cảm giác vui vẻ sảng khoái và mãn nguyện. Bắt đầu từ năm 2013 tới nay, nhạc khúc “Eolssiguya” đã phát huy được giá trị cốt lõi trong đời sống hiện đại của người dân Hàn Quốc. Vốn dĩ “Eolssiguya” (Giỏi lắm) và “Pungnyeon” (Năm được mùa) đều là âm nhạc truyền thống đời sống. Tháng 10 năm ngoái, nhạc khúc “Pungnyeon” được lựa chọn làm nhạc báo chuyển tàu thông qua bỏ phiếu bầu trực tuyến trong toàn dân. 


Giới thiệu phong cách nhạc phẩm truyền thống được sáng tác mới

Trong số các nhạc phẩm truyền thống được sáng tác mới, có nhạc phẩm “Saegarakbyeolgok” được biến tấu bởi nhóm nhạc ReMidas. ReMidas là một nhóm nhạc truyền thống hai thành viên gồm nghệ sĩ đàn tranh 12 dây Gayageum Park Ji-hyun và nghệ sĩ đàn tranh 6 dây Geomungo Kim Min-young. Nhạc khúc “Tân-Saegarakbyeolgok” do ReMidas biến tấu và trình diễn theo phong cách riêng của mình vốn có gốc gác từ nhạc phẩm “Saegarakbyeolgok” dành cho đàn tranh 12 dây Gayageum được danh nhân Seong Geum-yeon sáng tác năm 1960. Danh nhân Seong Geum-yeon đã sáng tác nhạc phẩm “Saegarakbyeolgok” theo cốt truyện vị thần Baridegi đảm trách việc đưa đường chỉ lối cho các vong hồn tới chốn âm phủ. Tại thời điểm danh nhân Seong Geum-yeon sáng tác nhạc phẩm này, Hàn Quốc dường như chưa có âm nhạc truyền thống được cải biên lại. Việc nhóm nhạc truyền thống ReMidas biến tấu nhạc phẩm “Saegarakbyeolgok” đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trên chặng đường phát triển của âm nhạc truyền thống Hàn Quốc. Chúng ta cùng tìm hiểu về vị thần Baridegi để cảm thụ nhạc phẩm “Saegarakbyeolgok” nhé.

Vốn dĩ vị thần Baridegi là một công chúa nhưng đã bị vua cha hạ lệnh đem thả trôi sông ngay khi lọt lòng vì tức giận cứ sinh ra con gái. Do là công chúa bị vứt bỏ nên sau này nàng có tên là Baridegi. Nhưng khi hay tin vua cha lâm trọng bệnh, công chúa Baridegi đã trải qua biết bao khó khăn gian khổ, nàng chấp nhận cược ngay chính tính mạng của mình để vào cõi âm phủ tìm thuốc về cứu cha. 

Trong làng âm nhạc truyền thống Hàn Quốc, còn có nhóm nhạc Misocompany, bắt đầu hoạt động nghệ thuật từ năm 2009. Với triết lý tạo tiếng cười cho nhân gian bằng âm nhạc, nhóm đã lấy tên là Misocompany, có thể hiểu nôm na là “Công xưởng nụ cười”. Misocompany đưa yếu tố âm nhạc truyền thống lên giao diện kỹ thuật số nhạc cụ (MIDI) tạo cảm giác đặc biệt cho âm nhạc mà nhóm sáng tác. Và ca khúc “Corridor” (Hành lang) là một trong những nhạc phẩm tiêu biểu của nhóm với nội dung, rằng: “Hành lang là lối đi mà chúng ta phải sử dụng để di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác trong một toà nhà. Và đời người cũng tồn tại những quãng hành lang trước, trong hoặc sau những biến động lớn. Có lẽ nhóm nhạc Misocompany cũng đang đóng vai trò là hành lang kết nối quá khứ với hiện tại. 


* Nhạc khúc “Pungnyeon” / Park Gyeong-hun 

* Nhạc khúc “Tân-Saegarakbyeolgok” / nhóm nhạc truyền thống ReMidas 

* Ca khúc “Corridor” / nhóm Misocompany

Lựa chọn của ban biên tập