Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Hỷ nộ ái ố của người dân Hàn Quốc phảng phất trong âm nhạc truyền thống

#Âm điệu ngàn xưa l 2023-02-16

Âm điệu ngàn xưa

Hỷ nộ ái ố của người dân Hàn Quốc phảng phất trong âm nhạc truyền thống

Nỗi niềm mừng tủi trong tiết xuân sang ở Hàn Quốc xưa

Chủ Nhật tuần này (19/2) là tiết vũ thủy, thời điểm tuyết tan thành mưa, và sau đó sẽ tới tiết kinh trập, tiết khí làm cho ếch nhái ngủ đông cũng giật mình tỉnh giấc vì hơi ấm mùa xuân. Người Hàn Quốc có câu tục ngữ, rằng “Wusu Gyeongchipe Daedonggang Mul Pullinda”, có thể tạm dịch sang tiếng Việt là “Sau tiết vũ thủy và kinh trập, băng đá trên sông Daedong (Đại Đồng) sẽ tan”, ý muốn nói rằng “Hơi ấm của mùa xuân sẽ thổi tan mọi băng giá mùa đông”. Xuân sang, các dòng sông đóng băng trong suốt mùa đông giá lạnh bắt đầu tan chảy, thuyền bè cũng có thể bắt đầu qua lại ngược xuôi trên sông. Đây cũng là thời điểm nhiều người tay nải lên đường rời quê hương, để lại người thương, gia đình bạn bè phải ngấn lệ bên bến sông. Khúc hát “Simeun Beodeul” (Trồng dương liễu) có đoạn:


Trồng dương liễu trước vườn, lưu lời chàng nhắn nhủ

Lúc ra đi, chàng bẻ nhành dương liễu làm roi ngựa

Thiếp muốn quất roi ngựa để đuổi theo chàng

Liễu tơ năm tháng tháng năm dài nhớ nhung


Thi sĩ Jeong Ji-sang thời Goryeo (thế kỷ X-XIV) đã ghi lại cảnh ly biệt ngày xuân mỗi năm bên bờ sông Daedong, rằng:


Mưa tạnh đê dài thảm cỏ xanh dần thẫm

Bến Nampo tiễn người khúc hát lệ rơi

Dòng Daedong đến bao giờ mới cạn

Nước mắt đong đầy sông xanh càng thêm xanh


Có ngày ra đi thì ắt sẽ có ngày trở lại, nhưng theo các nhà tâm lý học thì tâm trí của con người thường bị quẩn quanh những mất mát nhỏ hơn là những ích lợi lớn. Đây cũng chính là lý do có nhiều khúc hát về sự luyến tiếc khi ly biệt hơn là niềm vui hạnh phúc lúc đoàn tụ. 

Đoản ca “Sacheolga” (Tứ tiết ca) của Hàn Quốc được mở đầu bằng đoạn: 


Hoa đua nở khắp núi non trùng điệp

Xuân đã về thực sự xuân đã về

Xuân về cớ sao thế gian đìu hiu vậy

Mới hôm nào thanh xuân mà nay đã bạc đầu…


Và tiếp nối với câu:


Nhân gian dẫu có sống 100 năm

Thì trừ lúc đau ốm bệnh tật, lúc ngủ và lo âu

Chắc cũng chỉ sống được 40 năm

Đến khi chết cũng chỉ thành nắm đất mà thôi


Đoản ca “Sacheolga” luận rằng đời người thật vô thường và ngắn ngủi, thế nên khi còn sống ở đời, con người hãy gặp gỡ sum vầy với người tốt, sống khỏe sống trẻ và luôn hạnh phúc yêu đời. “Sacheolga” (Tứ tiết ca) của Hàn Quốc ngoài hình thức đoản ca Danga, còn được biểu diễn dưới hình thức chính ca Jeongga.

Đoản ca Danga là những khúc hát ngắn mà người nghệ sĩ hát kể chuyện Pansori thường hát để hắng giọng trước màn trình diễn chính thức. Hát kể chuyện Pansori là lối hát khoa trương diễn giải niềm vui, nỗi buồn và những cảnh đời hài hước, còn đoản ca Danga lại thường êm đềm trầm lắng. Đặc trưng của chính ca Jeongga là kiềm chế cảm xúc, không để lộ liễu sắc thái hỉ nộ ái ố nhưng lại khiến cho khán thính giả cảm nhận được những xúc cảm này. Vì thế nên cùng một nội dung ca từ nhưng sắc thái tình cảm được truyền đạt sẽ rất khác nhau trong đoản ca Danga và chính ca Jeongga. 


* Khúc hát “Simeun Beodeul” (Trồng dương liễu) / nhóm nhạc truyền thống Siro

* Đoản ca “Sacheolga” (Tứ tiết ca) / Jo Sang-hyeon 

* Chính ca Jeongga trong khúc hát “Sacheolga” (Tứ tiết ca) / Ha Yun-ju (hát), Yun Ju-hee (đàn nhị Haegeum), dàn giao hưởng Budapest 

Lựa chọn của ban biên tập