Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Chiều hướng phát triển của âm nhạc truyền thống Hàn Quốc thời hiện đại

#Âm điệu ngàn xưa l 2023-03-02

Âm điệu ngàn xưa

Chiều hướng phát triển của âm nhạc truyền thống Hàn Quốc thời hiện đại

Cải cách âm nhạc truyền thống thông qua cải tiến nhạc cụ

Khoảnh khắc chúng ta chào đón năm 2023 chỉ mới như ngày hôm qua thôi thế mà giờ đã bước sang những ngày đầu của tháng 3. Hình như thời gian mỗi ngày trôi qua một nhanh hơn, tốc độ thay đổi của thế gian dường như cũng nhanh hơn. Nỗi băn khoăn của những người kế thừa và phát triển âm nhạc truyền thống dân tộc ở các nước trên thế giới trong thời đại ngày nay có lẽ đều như nhau. Chúng ta phải làm gì để người dân trong xã hội hiện đại nhận biết được tầm quan trọng của truyền thống và cùng tham gia bảo tồn phát triển nét đẹp dân tộc lâu đời này? Phạm vi truyền thống mà chúng ta cần phải bảo tồn là đâu? Và đâu là phần mà chúng ta có thể cải tiến cho phù hợp với thời đại ngày nay. Thời kỳ văn hóa và vật chất của thế giới hiện đại ồ ạt du nhập vào bán đảo Hàn Quốc cũng chính là lúc nơi đây đã bị đế quốc Nhật Bản chiếm đóng khiến văn hóa truyền thống bị coi thường và tẩy chay. 50 năm sau giải phóng khỏi ách đô hộ của đế quốc Nhật, giá trị của truyền thống mới được nhìn nhận một cách đúng đắn, thu hút mối quan tâm của đông đảo người dân và giới nghệ sĩ âm nhạc truyền thống.

Có thể nói cải tiến nhạc cụ là một trong những cách thay đổi âm nhạc truyền thống một cách nhanh chóng mà không bị phản cảm. Ví như đàn tranh Gayageum vốn có 12 dây, nhưng sau giải phóng, Gayageum đã được chế tác thành từ 13 đến 23 dây. Chất liệu dây đàn cũng được làm bằng nhiều chất liệu như sắt hoặc sợi tổng hợp. Trải qua nhiều giai đoạn cải tiến, giờ đây đàn tranh Gayageum tấu trong các sáng tác mới của âm nhạc truyền thống đa phần là đàn tranh Gayageum 25 dây. 


Sử dụng nhạc cụ quốc tế diễn tấu âm nhạc truyền thống Hàn Quốc

Xưa kia cứ tới mùa xuân là cá đù Jogi lại kéo về kín đặc vùng ven biển phía Tây bán đảo Hàn Quốc. Truyền rằng hàng năm cứ tới độ này, người dân ven biển nơi đây lại mất ngủ vì tiếng cá đù Jogi réo gọi nhau trong mùa sinh sản. Ở những nơi mở chợ cá trên biển, để ví von về sự sung túc của ngư dân nơi đây, người ta có câu rằng “Đến chó cũng ngậm tiền chạy long dong”. Thời đó ngư dân thường ngân nga khúc dân ca “Baechigi” (Chơi nhạc cụ gõ truyền thống trên thuyền) mỗi khi đưa thuyền cá đầy ắp cập bến. Khúc dân ca có đoạn:


Đánh hết cá ở đảo Eoyeong và Chilsan

Hướng thuyền ra biển Yeonpyeoeng chở tiền nào

Đi chở tiền! Ta cùng đi chở tiền

Tới biển Yeonpyeong chở tiền nào


Đảo Eoyeong và Chilsan ở vùng biển thuộc tỉnh Bắc Jeolla là những vùng đánh cá đù Jogi nổi tiếng từ xưa ở Hàn Quốc. Câu hát “đi chở tiền” ở đây có nghĩa là “chở cá đù”, mà cá đù thì bán được nhiều tiền. Ý muốn nói rằng tới mùa cá đù, những ngư dân không cần vất vả tìm kiếm nguồn cá mà chỉ cần tới đây vớt về đem bán. Bằng trống Tabla và khẩu cầm Harmonium của Ấn Độ nhóm nhạc truyền thống TAAL đã khéo léo khuấy động niềm vui bất tận của người dân xóm chài xưa ở Hàn Quốc trong mùa đánh bắt cá đù Joji qua nhạc phẩm “Baechigi” (Chơi nhạc cụ gõ truyền thống trên thuyền), 

Nói tới nhạc cụ truyền thống tiêu biểu của Ấn Độ, chúng ta không thể không nhắc tới cây đàn Sitar. Đàn Sitar Ấn Độ có dây bằng kim loại nên có âm sắc bậc thanh cao và du dương khiến người nghe có cảm giác mông lung huyền ảo. Tuy có hình dáng và âm sắc khác nhau nhưng đàn Sitar Ấn Độ và đàn tranh 6 dây Geomungo Hàn Quốc lại có cách tấu đàn tương tự như nhau. Trên thực tế, có khá nhiều thể loại âm nhạc và nhạc cụ truyền thống của Hàn Quốc được diễn tấu trong các dịp yến tiệc có nguồn gốc từ Ấn Độ. Ví như điệu múa sư tử Sajachum hay kèn bầu Taepyeongso của vùng Trung Á cũng được du nhập vào Hàn Quốc qua Ấn Độ, hoặc phèng la được sử dụng trong âm nhạc Phật giáo và âm nhạc lên đồng ở Hàn Quốc cũng có nguồn gốc từ Ấn Độ. 

Sắp tới mùa du lịch, giống như việc người Hàn Quốc có thể tới du lịch ở mọi vùng miền trên thế giới, hy vọng âm nhạc truyền thống của Hàn Quốc cũng có thể được lan tỏa sâu rộng hơn nữa. 


* Nhạc phẩm “Geochin Gilloeui Yeohaeng” (Chuyến du lịch trên con đường gập ghềnh) / Jo Mun-yeong (đàn tranh Gayageum 25 dây)Harim (sáo Irish và trống Bodhran của Ireland)

* Nhạc phẩm “Baechigi” (Chơi nhạc cụ gõ truyền thống trên thuyền) / nhóm nhạc truyền thống TAAL

* Nhạc phẩm “Nachimban” (La bàn) / nhóm nhạc truyền thống Baramgot 

Lựa chọn của ban biên tập