Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Hình ảnh hoa đào, lê và mai trong âm nhạc truyền thống Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2023-03-09

Âm điệu ngàn xưa

Hình ảnh hoa đào, lê và mai trong âm nhạc truyền thống Hàn Quốc

Hình ảnh hoa lê trong âm nhạc truyền thống Hàn Quốc

Hàng năm cứ tới tháng 3 là người dân Hàn Quốc lại được nghe tin hoa cải, hoa anh đào bắt đầu nở từ những địa phương ở phía Nam đất nước. Và hồi hộp mong ngóng hoa anh đào trong xóm mình cũng mau đến ngày nở rộ. Xưa kia hoa mai, hoa lê hay hoa đào mới là loài hoa báo hiệu xuân về ở Hàn Quốc. Hoa nở đầu xuân đều thuộc những giống loài có hoa nở trước khi lá non đâm trồi nảy lộc. Hoa anh đào sai hoa và nở thành chùm kín đặc khiến chúng ta không cảm nhận được những cành cây gầy guộc khẳng khiu nhưng hoa mai, hoa lê hay hoa đào chỉ nở lấm tấm, điểm vài bông hoa nhỏ xíu trên những cành cây khô gầy cong queo nên càng được trân quý hơn. Cũng có lẽ vì ba loài hoa này có dáng vẻ mảnh mai yếu ớt nhưng thực tế lại mạnh mẽ kiên cường hơn bất cứ loài hoa nào nên được người xưa càng thêm quý trọng. 

Xưa kia, ở vùng Buan thuộc tỉnh Bắc Jeolla có một kỹ nữ xinh đẹp và tài ba tên nàng là Maechang (Mai Song). Nàng có tài làm thơ, ca hát, thông hiểu văn chương và tấu đàn tranh 6 dây Geomungo tuyệt đỉnh. Thời đó, Maechang đem lòng yêu say đắm một thi sĩ có xuất thân từ tầng lớp hạ đẳng nhất trong xã hội có tên là Yoo Hee-gyeong. Một lần chàng rời quê lên kinh thành Hán Dương (tên gọi cũ của thủ đô Seoul) rồi không quay trở lại nữa. Truyền rằng “Ihwau” (Mưa hoa lê) là áng thơ cổ Sijo do nàng Maechang viết khi tơ tưởng, nhung nhớ tới người thi sĩ này. Áng thơ có đoạn: 


Hoa lê lã chã, lệ tuôn trào, dứt lòng ly biệt

Lá thu vàng xào xạc, chàng có nhớ thiếp chăng

Chốn xa xôi giấc sầu bâng quơ đơn lẻ


Pyeongsijo là thể loại cơ bản của dòng thơ phổ nhạc Sijochang. Âm thanh và nhịp điệu của Pyeongsijo đều đều, không quá thấp cũng không quá cao. Ngược lại Jireumsijo lại có phần đầu phải hát cao giọng giống như trong khúc hát “Ihwau” (Mưa hoa lê). Người nghệ sĩ sẽ lấy hơi thật dài rồi hát ở âm vực cao câu “Ihwau” thể hiện mọi nỗi hờn giận ai oán chồng chất trong lòng bấy lâu. 


Hình ảnh hoa đào trong âm nhạc truyền thống Hàn Quốc

Trường ca hát kể chuyện Pansori Jeokbyeokga (Xích Bích ca) của Hàn Quốc được sáng tác dựa theo cuốn tiểu thuyết lịch sử “Tam quốc diễn nghĩa” của Trung Quốc. Cuốn sách mở đầu bằng đoạn giới thiệu về cảnh hỗn loạn trong thời kỳ suy vong ở cuối đời nhà Hán và để dẹp loạn thì ba nhân vật Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi đã lập bàn thờ làm lễ kết nghĩa huynh đệ với nhau ở vườn đào giữa tiết xuân, gọi là “Đào viên kết nghĩa”. Vì sao lại là vườn đào chứ không phải là một nơi nào khác. Sắc hồng phai của hoa đào cũng đẹp nhưng điều quan trọng ở đây là theo quan niệm của người xưa thì “Vườn đào”, âm Hán là “Vũ lăng đào nguyên”, có nghĩa là “Một nơi có cuộc sống lý tưởng, trường thọ, khỏe mạnh, vô lo vô nghĩ”. Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi kết nghĩa ở vườn đào cũng là thể hiện nguyện ước mong muốn tạo dựng được một quốc gia đem đến ấm no hạnh phúc cho bách tính. 


* Khúc hát “Baeggot” (Hoa lê) / Choi Yoon-yeong 

* Khúc hát “Mưa hoa lê” theo thể loại Jireumsijo / Kim Na-ri 

* Trích đoạn “Dowongyeoleui” (Đào viên kết nghĩa) của trường ca hát kể chuyện Pansori Jeokbyeokga (Xích Bích ca) / Ahn Suk-seon (hát), Kim Cheong-man (trống Buk)

Lựa chọn của ban biên tập