Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Âm nhạc truyền thống vùng Namdo thuộc các tỉnh Bắc Jeolla Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2023-03-23

Âm điệu ngàn xưa

Âm nhạc truyền thống vùng Namdo thuộc các tỉnh Bắc Jeolla Hàn Quốc

Các khúc dân ca tiêu biểu của vùng Namdo

Người Hàn Quốc nói rằng nếu không biết hát một khúc Yukjabaegi nào thì không phải là người vùng Jeolla. Điều này cho thấy đây là khúc dân ca Minyo tiêu biểu của vùng này. Và trong số các khúc Yukjabaegi thì “Yukjabaegi Tori” mang đặc trưng chung của dân ca vùng Jeolla. Người đời không rõ ý nghĩa của tên gọi dòng dân ca Yukjabaegi là gì nhưng hiểu nôm na đây là dòng dân ca mà mỗi khuôn nhạc có 6 nhịp, chia làm hai lượt với mỗi lượt ba nhịp 1-2-3, 1-2-3, tổng cộng là 6 lượt có nhịp điệu rất chậm. Yukjabaegi vốn là khúc dân ca được người nông dân hát khi làm việc. Sau này được phường nhạc Sadangpae hát và dần dà được biến tấu ngày một nuột nà chỉn chu hơn. Yukjabaegi được hát theo nhịp điệu nhanh dần từ Gin-Yukjabaegi tới Jajin-Yukjabaegi. Sau đó là các làn điệu dân ca khác là “Samsanneun Banrak”, “Gaegori Taryeong” (Khúc ca thịt chó), “Seoul Samgaksan” (Núi Samgak ở Seoul)… theo nhịp điệu nhanh, tạo nên nhiều cung bậc cảm xúc đa dạng. Trong số này, làn điệu dân ca “Samsanneun Banrak” bắt đầu bằng câu thơ “Tam Sơn bán lạc thanh thiên ngoại” do nhà thơ Lý Bạch thời Đường Trung Quốc sáng tác. 

Cũng tương tự như Yukjabaegi, Heungtaryeong (Bài ca hưng phấn) cũng là một trong những khúc dân ca tiêu biểu của vùng Jeolla. Yukjabaegi có khuôn nhạc 6 nhịp còn Heungtaryeong lại có khuôn nhạc 12 nhịp, nhưng giống nhau ở chỗ có giai điệu chậm. Khúc hát có đoạn:


Là giấc mơ, giấc mơ, tất cả đều là giấc mơ

Cả ta và người, muôn loài vạn vật đều là giấc mơ

Cứ tỉnh rồi lại mơ, tỉnh mơ cũng là giấc mơ

Sống trong mơ, chết cũng trong mơ, đời người sao vô vị


Có lẽ phải luống tuổi thì người nghe mới hiểu thấu được ý nghĩa thâm thúy chưa đựng trong ca từ nhưng sau khi được nghe cùng giai điệu dân ca Heungtaryeong, quý vị cũng có thể hiểu được ý nghĩa khúc hát dễ dàng hơn. Dân ca Minyo của vùng Jeolla còn được gọi là Namdo Minyo (Dân ca Minyo miền Nam). Dòng dân ca Namdo Minyo truyền thống vốn có nhiều giai điệu mang sắc thái nặng nề buồn thảm như khúc hát chúng ta vừa nghe.


Âm nhạc của đoàn ca kịch nữ Yeoseonggukgeuk

Vào những năm 1950 và 1960, đoàn ca kịch nữ Yeoseonggukgeuk đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo khán thính giả. Hát kể chuyện Pansori vốn do một nghệ sĩ hát cũng được Yeoseonggukgeuk cải biên và phân vai cho nhiều người trình diễn. Vì các thành viên trong đoàn ca kịch này đều là các nữ nghệ sĩ nên các vai diễn nam, họ cũng đều đảm trách. Có thể coi các tác phẩm do đoàn ca kịch nữ Yeoseonggukgeuk trình diễn là một thể loại hát kể chuyện Pansori sáng tác mới. Để tạo ra sự mới mẻ cho các màn diễn, ngoài 5 trường ca hát kể chuyện Pansori truyền thống, lúc đương thời đã xuất hiện khá nhiều các khúc dân ca Minyo sáng tác mới với sắc thái trong sáng tươi vui. 


* Liên khúc dân ca Yukjabaegi từ giai điệu Yukjabaegi đến giai điệu Seoul Samgaksan / Bang Su-mi 

* Giai điệu dân ca “Heungtaryeong” (Bài ca hưng phấn) / Kim Jun-su, nhóm nhạc Mặt trăng thứ hai

* Giai điệu “Donghaebada” (Biển Đông) / Kim Yul-hee, ban nhạc raggae Soul Sause

Lựa chọn của ban biên tập