Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Vài nét khác biệt giữa thơ cổ phổ nhạc Sijo và dân ca Minyo ở Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2023-05-11

Âm điệu ngàn xưa

Vài nét khác biệt giữa thơ cổ phổ nhạc Sijo và dân ca Minyo ở Hàn Quốc

Thơ cổ phổ nhạc Pyeongsijo và Saseolsijo

Thơ cổ Sijo là thể thơ truyền thống của dân tộc Hàn. Một bài thơ thuộc thể loại này thường có bố cục ba dòng. Mỗi dòng có hai nhịp, mỗi nhịp có từ 3 đến 4 chữ. Vậy nên thơ cổ Sijo còn được gọi là thể thơ ba dòng sáu nhịp. Một bài thơ cổ Sijo thường có khoảng trên dưới 45 chữ. Đây là thể loại thơ cổ phổ biến và còn được gọi là Pyeongsijo. Sau này bố cục truyền thống của thơ cổ Sijo dần biến đổi thành thể loại có số âm tiết nhiều hơn được gọi là Saseolsijo. So với thơ cổ Pyeongsijo, nhịp điệu và tiết tấu của thơ cổ Saseolsijo nhanh và sôi động hơn. Thơ cổ Sijo vừa là tác phẩm văn học vừa có thể trở thành lời của bài hát với câu chữ ngắn gọn mà sâu sắc, có thể diễn tả mọi cung bậc của cảm xúc. 

Trong tên của thể loại thơ cổ phổ nhạc Saseoljireumsijo, từ “Saseol” có nghĩa là “ca từ nhiều chữ”, ám chỉ không theo quy tắc thơ ba bốn chữ mà sáng tác tự do. Còn “Jireum” có nghĩa là “hét lên”, ám chỉ là “phần đầu của khúc hát được hát với giọng cao”. Vốn dĩ thơ cổ Pyeongsijo được hát với giọng đều đều, không quá cao hay quá thấp. Nhưng trích đoạn “Sanjunghae” (Giữa rừng xanh) mà chúng ta vừa nghe lại có phần đầu được hát bằng giọng rất cao. Câu ca mượn lời thoại giữa người thợ săn và con ngỗng trời để ví von tâm trạng sầu thảm của những người yêu nhau khi chia tay. Ngỗng trời nói rằng:


Hỡi anh thợ săn vai đeo súng trong rừng xanh núi thẳm

Dù anh có vác súng bắn muôn thú

Thì cũng đừng bắn ngỗng trời đang khóc vì mất đôi


Nghe vậy, người thợ săn liền trả lời, rằng: “Dù có vô tình thế nào đi chăng nữa thì chúng tôi cũng đâu nỡ bắn những con vật đáng thương”.


Theo dòng chảy của thời gian, thơ cổ phổ nhạc chữ tình Pyeongsijo phát triển thành thể loại thơ cổ phổ nhạc tự do Saseolsijo trong sáng, đầy hứng khởi. Ví như “Saseol Nanbongga” (Lan phùng ca thể thơ tự do) có đoạn:


Cô gái trước nhà đi lấy chồng, chàng trai sau nhà đi treo cổ

Người chết thì không tiếc nhưng chẳng qua là không có dây thừng

Chàng bỏ thiếp đi, chưa đi được 10 dặm đã đổ bệnh

Chưa đi được 20 dặm đã gặp toán cướp

Chưa đi được 30 dặm đã  phải quay về bên thiếp


Quá trình hình thành nên các khúc dân ca Minyo ở Hàn Quốc

Dân ca Minyo thường không phải là những khúc hát có người phổ nhạc và người soạn lời riêng. Dân ca Minyo vốn là dòng nhạc mà ai cũng có thể nói lên tâm tư tình cảm của mình theo nhịp điệu nhất định nào đó. Và theo dòng chảy của thời gian, nó được nhiều người đồng cảm, hát theo và định hình thành khúc hát dân gian. Rồi mỗi người lại chỉnh sửa chút ít cho hợp với phong cách và tâm tư tình cảm của mình. Gần đây nghệ sĩ Lee Hee-mun đã biến tấu khúc ca “Saseol Nanbongga” thành khúc hát đại chúng“Saseol Nanbong” có phong cách và sắc thái khác hẳn với khúc ca gốc và còn được giới trẻ ngày nay hưởng ứng hơn nữa. Thế nên những người có tuổi khi nghe khúc hát này còn nói rằng “Liệu có thể gọi đây là khúc hát truyền thống hay không?”. Tuy nhiên, “Saseol Nanbong” của nghệ sĩ Lee Hee-mun vẫn được coi là một khúc hát truyền thống.


* Khúc thơ phổ nhạc “Pureun Sanjunghae” (Giữa rừng xanh) theo thể loại Saseoljireumsijo / Lee Jun-ah

* Khúc thơ cổ phổ nhạc “Lan phùng ca” theo thể loại thơ tự do Saseolsijo / Kim Yeong-im 

* Khúc hát “Saseol Nanbong” mang âm hưởng hiện đại / Lee Hee-mun

Lựa chọn của ban biên tập