Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Cây sáo truyền thống của Hàn Quốc xưa và nay

#Âm điệu ngàn xưa l 2023-06-01

Âm điệu ngàn xưa

Cây sáo truyền thống của Hàn Quốc xưa và nay

Ba loại sáo truyền thống phổ biến nhất ở Hàn Quốc xưa kia

Nói đến “sáo” chúng ta thường liên tưởng tới những loại nhạc khí ống nào ạ? Đơn giản từ các loại sáo làm bằng lá cây cọng cỏ như sáo lá, sáo cành liễu, sáo thân cây lúa mì, đến các loại sáo truyền thống làm bằng ống trúc như sáo trúc, cũng như các loại sáo của phương Tây như sáo Flute hay sáo Recorder. Ở Hàn Quốc, loại nhạc khí truyền thống lâu đời nhất cũng là sáo. Truyền rằng, 4.000 năm trước, trong thời đại đồ đồng, người sống trên bán đảo Hàn Quốc đã dùng xương chân chim để làm sáo. Ở nước ngoài, người ta cũng tìm thấy dấu tích của sáo xương có niên đại khoảng 50.000 - 60.000 năm. Điều này cho thấy rằng theo bản năng, con người có thể chế tác được cây sáo ở bất kỳ niên đại nào khi có vật mang hình ống dài. Trong các nhạc khí thổi truyền thống của Hàn Quốc, chúng ta thấy có ba loại sáo trúc Piri phổ biến là sáo hương Hyangpiri, sáo Đường Dangpiri và sáo tế Sepiri. Ba loại sáo này được làm bằng thân tre hoặc trúc, to cỡ bằng ngón tay, dài khoảng 25 cm, có cắm đầu thổi được vót bằng tre gọi là “seo” và được cầm thổi theo chiều dọc của ống sáo. 

Nhạc khí thổi có thể được chia làm hai loại lớn là sáo ngang và sáo dọc. Trong số các loại sáo truyền thống của Hàn Quốc thì sáo trúc Daegeum là sáo ngang, sáo trúc Piri là sáo dọc. Trong ba loại sáo là sáo hương Hyangpiri, sáo Đường Dangpiri và sáo tế Sepiri thì sáo hương Hyangpiri là loại nhạc khí thổi có niên đại lâu nhất tại Hàn Quốc và có lẽ lúc mới xuất hiện nó chỉ có tên gọi là “Piri”. Thế nhưng khi sáo Đường Dangpiri được du nhập từ Trung Quốc vào bán đảo Hàn Quốc thời Goryeo (thế kỷ X-XIV), cây sáo vốn có trước đây của Hàn Quốc được gọi là sáo hương Hyangpiri, mà chữ hương ở đây có nghĩa là “quê hương”. Sáo tế Sepiri có kích cỡ và âm thanh nhỏ nên chủ yếu được diễn tấu ở những khuôn viên âm nhạc quy mô nhỏ thay cho sáo hương Hyangpiri. Thường thì các nghệ sĩ sáo trúc dọc Piri thường kiêm luôn cả thổi kèn bầu Taepyeongso vì cả hai loại nhạc khí này đều có cắm đầu thổi được vót bằng tre. Kèn bầu Taepyeongso được du nhập vào Hàn Quốc từ Trung Á và còn có nhiều tên gọi đa dạng như Hojeok, Nallari hay Soenap. So với sáo trúc dọc Piri, kèn bầu Taepyeongso có âm lượng lớn hơn rất nhiều và tạo cảm giác hào hứng, rộn ràng, nên không thể thiếu trong các dàn quân nhạc, lễ diễu hành và các buổi biểu diễn nghệ thuật ngoài trời. 


Nghệ sĩ trẻ nỗ lực kế tục phát triển âm nhạc sáo trúc truyền thống

Bbiribboo là một nhóm nhạc sáo trúc dọc Piri truyền thống. Thành viên của nhóm nhạc truyền thống Bbiribboo gồm có hai nghệ sĩ sáo trúc dọc Piri Kwon Sol-ji, Son Sae-ha cùng nhà sản xuất âm nhạc Heven. Nhóm Bbiribboo được thành lập từ mối trăn trở về đời sống của các nghệ sĩ âm nhạc truyền thống trẻ tuổi trong thời đại đầy biến động. Giờ đây họ tự gọi mình là “những người thích đùa” và không ngần ngại với các thử thách mới để tìm ra hướng đi cho riêng mình. Nhạc phẩm “In Dodri” do Bbiribboo trình diễn được biến tấu từ tiết tấu 4 nhịp nhanh Yangcheongdodeuri. Dodri có nghĩa là “quay lại” tức giai điệu của khúc hát được hát lặp đi lặp lại. Trong âm nhạc truyền thống của Hàn Quốc, không ít khúc hát có tựa đề sử dụng chữ Dodri này, biến tấu lại đoạn nhạc lặp lại của nhạc phẩm “Boheo” (Bộ hư) có nghĩa là “vén màn hư vô”. 

Trong làng sáo trúc Hàn Quốc, cũng có ban nhạc truyền thống mà lấy sáo Piri làm trọng tâm. Đó là Youpiri có Trưởng ban nhạc là nghệ sĩ sáo trúc dọc Piri Yoo Seong-hee. Ban nhạc Youpiri còn có thành viên là các nghệ sĩ piano, ghi ta, ghi ta bass, trống… và họ đã cho ra mắt các nhạc phẩm mang nội dung quen thuộc từ các khúc dân ca Minyo. Trong số này có thể kể đến ca khúc “Look at me” có ca từ mở đầu là “Hãy nhìn tôi! Hãy nhìn tôi! Hãy nhìn tôi chút xíu đi!”, một đoạn nhạc rất phổ biến trong khúc dân ca Minyo vùng Miryang. 


* Nhạc phẩm “In Dodri” / nhóm nhạc sáo trúc dọc Piri truyền thống Bbiribboo 

* Ca khúc “Look at me” (Hãy nhìn tôi!) / ban nhạc Youpiri 

* Nhạc phẩm “Sangwa Badaeui Nara (Đất nước của núi và biển) / Jin Yoon-gyeong (kèn bầu Taepyeongso)

Lựa chọn của ban biên tập