Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Dự án liên Triều năm 2007 nhằm khảo sát nguồn khoáng sản tại Dancheon, Bắc Triều Tiên

2018-11-01

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ KBS News

Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đã tổ chức tới 3 hội nghị thượng đỉnh song phương chỉ riêng trong năm nay, làm dấy lên hy vọng về việc khai thác chung nguồn khoáng sản dồi dào của miền Bắc. Tổng công ty khai tác khoáng sản Hàn Quốc dự đoán giá trị tiềm năng của những nguồn khoáng sản chưa được khai thác của Bắc Triều Tiên vào khoảng 3.900 tỉ USD. Miền Bắc được tin là một trong 10 quốc gia giàu có nhất trên thế giới về khoáng sản như than chì, đồng đỏ và ma-giê các-bô-nát, cũng như các kim loại hiếm như vôn-fram và mô-líp-đen.


Nếu Seoul và Bình Nhưỡng cùng nhau khai thác những nguồn tài nguyên dưới lòng đất khổng lồ ở miền Bắc, hai bên sẽ có thể đạt được thịnh vượng chung, vượt qua giới hạn của thương mại và đầu tư kinh tế đơn thuần. Trên thực tế, hợp tác khoáng sản giữa Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đã bắt đầu từ 10 năm trước. Chúng ta cùng tìm hiểu về dự án liên Triều năm 2007 nhằm khảo sát chung các nguồn tài nguyên khoáng sản tại khu vực Dancheon của Bắc Triều Tiên.


Phiên hợp thứ 10 của Ủy ban thúc đẩy hợp tác kinh tế liên Triều tháng 7/2005


Seoul và Bình Nhưỡng đã tổ chức 13 phiên họp của Ủy ban thúc đẩy hợp tác kinh tế liên Triều, và đạt được thỏa thuận quan trọng nhất tại phiên họp thứ 10 vào tháng 7/2005. Tại đây, hai miền đã nhất trí thúc đẩy một “dạng thức mới” trong hợp tác kinh tế. Hàn Quốc sẽ cung cấp các nguyên liệu thô để sản xuất quần áo, giầy dép và xà phòng cho Bắc Triều Tiên, và nước này sẽ trả bằng những nguồn khoáng sản hoặc quyền khai thác. Nói cách khác, miền Nam và miền Bắc cung cấp cho phía bên kia những gì họ có, để nhận về những gì mình không có từ phía còn lại. Mô hình kinh doanh này báo hiệu một khởi đầu mới trong hợp tác kinh tế toàn diện giữa hai nước, hơn là viện trợ kinh tế một chiều của Hàn Quốc. Thêm vào đó, Bình Nhưỡng đã đưa ra đề xuất này trước với Seoul. Bắc Triều Tiên rất cần nguồn vốn và kỹ thuật của Hàn Quốc để phát triển ngành công nghiệp tiêu dùng của mình. Về phần mình, miền Nam có thể thay thế các mặt hàng nhập khẩu đang bị lệ thuộc bằng những nguồn lực dưới lòng đất từ miền Bắc để có thể giảm được chi phí vận chuyển.


Đạt được thỏa thuận tại hội đàm cấp chuyên viên tại Gaesung


Tại cuộc hội đàm liên Triều cấp bộ trưởng lần thứ 18 năm 2006, Hàn Quốc đã đề xuất chỉ định khu vực Dancheon, tỉnh Nam Hamgyong của Bắc Triều Tiên là đặc khu cho việc khai thác tài nguyên. Hai bên đã tiếp xúc cấp chuyên viên tại thị trấn vùng biên Gaesung, miền Bắc tháng 7/2007 và nhất trí các chi tiết về việc phát triển ngành công nghiệp nhẹ và nguồn tài nguyên khoáng sản. Theo đó, Hàn Quốc sẽ cung cấp cho miền Bắc các nguyên liệu thô trị giá 80 triệu USD. Đổi lại, Bình Nhưỡng sẽ trả 3% của 80 triệu USD trong năm đó cho Seoul bằng khoáng sản. Phần còn lại là khoản nợ sẽ được chi trả dưới dạng khoáng sản hoặc quyền khai thác trong vòng 10 năm với thời hạn trả là 5 năm. Hai bên cũng nhất trí khảo sát các mỏ Geomdeok, Ryongyang và Daeheung tại khu vực Dancheon của miền Bắc.


Bắt đầu hợp tác kinh tế sau hai năm ký kết thỏa thuận


Ngày 25/7/2007, hai năm sau khi Seoul và Bình Nhưỡng nhất trí với dự án “hợp tác kinh tế mới” trên, 500 tấn vải sợi pô-li-ét-xte đã rời cảng Incheon tới cảng Nampo của Bắc Triều Tiên. Đó là chiếc tàu thủy đầu tiên của Hàn Quốc chở nguyên liệu thô để sản xuất quần áo, giầy dép và xà phòng cần thiết cho sản xuất và tiêu dùng trong nước ở miền Bắc. Ngày 28/7, đội khảo sát Hàn Quốc gồm các chuyên gia về khai mỏ, đường sắt và điện đã tiến hành kiểm tra thực địa tại 3 mỏ trong khu vực Dancheon của Bắc Triều Tiên với sự hợp tác của miền Bắc.


Việc khảo sát tại khu vực Dancheon đã được tiến hành tới 3 lần, và 3 mỏ tại đây có trữ lượng ma-giê các-bô-nát và kẽm rất dồi dào. Đặc biệt, mỏ Ryongyang được biết tới là mỏ lộ thiên lớn nhất thế giới với 3,6 tỉ tấn ma-giê các-bô-nát. Hàng tỉ tấn ma-giê các-bô-nát cũng nằm dưới mỏ Daeheung, trong khi mỏ Geomdeok được cho là có trữ lượng 300 triệu tấn kẽm.


Ngừng khai thác sau một năm


Bắc Triều Tiên đã gửi 998 tấn kẽm tới Hàn Quốc trong tháng 12/2007 và tháng 1/2008 để trả cho các nguyên liệu thô mà Seoul cung cấp. Động thái này biểu thị sự trao đổi kinh tế hai chiều thông thường, có cho, có nhận. Hình mẫu đôi bên cùng có lợi này đã tiến triển thuận lợi cho tới năm 2008 và đối thoại sau đó bị gián đoạn sau vụ một du khách Hàn Quốc bị bắn chết tại khu nghỉ dưỡng núi Geumgang, miền Bắc. Dự án trên, vốn bị trì hoãn trong 10 năm, đang có triển vọng được nối lại sau Hội nghị thượng đỉnh liên Triều 27/4 năm nay. Đó là bởi việc phát triển các nguồn tài nguyên khoáng sản ở Bắc Triều Tiên có liên quan tới cuộc phát động của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in về “bản đồ kinh tế mới trên bán đảo Hàn Quốc.”


Được đề xuất trước bởi Bắc Triều Tiên, dự án về ngành công nghiệp nhẹ và nguồn khoáng sản đã phát triển một công thức mới cho hợp tác công nghiệp liên Triều, và cho thấy rằng mô hình của trao đổi kinh tế song phương đã và đang thay đổi. Nếu dự án được nối lại, hai bên chắc chắn sẽ có thể nâng cao sự tin tưởng lẫn nhau và tiến tới thịnh vượng chung.

Lựa chọn của ban biên tập