Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Hàn Quốc cung cấp thuốc chống dịch cúm cho Bắc Triều Tiên năm 2009

2018-11-29

Vì một bán đảo thống nhất

© KBS

Ngày 7/11 vừa qua, Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đã tổ chức hội đàm về hợp tác y tế tại Văn phòng liên lạc liên Triều ở Gaesung, miền Bắc. Đây là cuộc họp về y tế đầu tiên kể từ tháng 12/2007, theo Thỏa thuận 4/10 được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ 2 cùng năm. Trong cuộc họp năm nay, hai bên đã thảo luận những biện pháp nhằm đối phó chung với các bệnh truyền nhiễm. Trên thực tế, đã có thời điểm Seoul và Bình Nhưỡng chung tay ngăn chặn sự lan rộng của một loại bệnh truyền nhiễm ngay cả khi quan hệ song phương đang bế tắc. Hãy cùng tìm hiểu việc Hàn Quốc cung cấp các loại thuốc chống dịch cúm cho Bắc Triều Tiên năm 2009.


Vi-rút cúm A H1N1 tấn công toàn thế giới năm 2009, bao gồm cả bán đảo Hàn Quốc

Năm 2009, cả thế giới đã bị tấn công bởi một loại vi-rút mới có tên Influenza A hay cúm A H1N1, xuất phát từ Mê-hi-cô. Loại vi-rút cúm này cũng nhanh chóng lây lan tại Hàn Quốc, sau trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên tháng 5/2009. Tháng 11 cùng năm, Chính phủ đã nâng mức cảnh báo dịch bệnh lên cấp cao nhất – cấp báo động đỏ. Song Hàn Quốc không phải là khu vực duy nhất trên bán đảo chứng kiến sự lây lan của dịch bệnh này.


Một tổ chức thúc đẩy nhân quyền Bắc Triều Tiên có tên “Những người bạn tốt” được thành lập năm 1996 đã phát hành các bản tin về miền Bắc. Năm 2009, trong lúc đưa tin về cuộc cải cách tiền tệ thất bại tại đây, một tin tức khác đã khiến tổ chức này lo lắng. Tháng 11, sau trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên tại thị trấn vùng biên Sinuiju, vi-rút cúm A H1N1 đã lây lan nhanh chóng ở Bắc Triều Tiên với số người tử vong ngày một tăng, khiến miền Bắc phải nâng mức cảnh cáo dịch bệnh lên mức “khẩn cấp số 11”, tương đương với tình trạng chiến tranh. Việc nâng mức cảnh báo cho thấy mức độ nghiêm trọng của dịch cúm. Ngày 8/12/2009, Bộ Thống nhất Hàn Quốc bắt đầu chuẩn bị những phương án giúp đỡ Bắc Triều Tiên.


Vin tr chng cúm cho Bắc Triều Tiêu bất chấp căng thẳng trong quan hệ liên Triều

Quyết định viện trợ chống dịch cúm cho miền Bắc của Chính phủ Hàn Quốc được xem là rất bất thường, bởi quan hệ liên Triều đã lâm vào bế tắc kể từ khi Tổng thống Lee Myung-bak lên nắm quyền tại Seoul năm 2008. Với chính sách “Phi hạt nhân hóa, Mở cửa 3.000”, chính quyền của Tổng thống Lee tuyên bố nếu Bắc Triều Tiên phi hạt nhân hóa, Seoul sẽ mở rộng hợp tác kinh tế liên Triều, giúp miền Bắc nâng thu nhập bình quân đầu người lên 3.000 USD trong vòng 10 năm, nhưng Bình Nhưỡng đã từ chối thẳng thừng. Đặc biệt, sau vụ thử hạt nhân lần thứ 2 ngày 25/5/2009, Bắc Triều Tiên tiếp tục có các động thái khiêu khích quân sự. Miền Bắc đã bắt giữ một công nhân Hàn Quốc tại khu công nghiệp liên Triều Gaesung và xả 40 triệu tấn nước từ đập Hwanggang ở thượng nguồn sông Imjin mà không báo trước. Một loạt các tin tức xấu đã dẫn tới cái nhìn tiêu cực trong công chúng Hàn Quốc về Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, quan hệ liên Triều bắt đầu thay đổi sau tin tức về sự bùng phát dịch cúm A H1N1 tại miền Bắc.


Cho tới ngày 8/12/2009, tổ chức “Những người bạn tốt” đã 2 lần đưa tin về dịch cúm Bắc Triều Tiên. Tổng thống Lee Myung-bak đã chỉ thị các quan chức cung cấp thuốc chống vi-rút cho miền Bắc. Một ngày sau, miền Bắc chính thức xác nhận phát hiện các ca lây nhiễm cúm. Khi Chính phủ Hàn Quốc đề xuất viện trợ 10.000 tấn ngô cho Bắc Triều Tiên cuối tháng 10/2008, Bình Nhưỡng đã không hề có phản ứng. Nhưng việc miền Bắc thừa nhận sự bùng phát dịch cúm đã truyền đi tín hiệu tích cực rằng nước này có thể chấp nhận viện trợ chống dịch cúm từ Seoul. Khi Chính phủ Hàn Quốc đề xuất gửi thuốc tới miền Bắc ngày 10/12, Bình Nhưỡng đã chấp nhận. Khoảng một tuần sau đó, ngày 18/12, số thuốc chống cúm cho 500.000 người đã được chuyển tới Bắc Triều Tiên.


Miền Bắc cảm ơn viện trợ nhân đạo từ miền Nam

Chưa đầy 10 ngày kể từ khi chính thức thừa nhận sự bùng phát dịch cúm A H1N1, Bắc Triều Tiên đã nhận được các thuốc chữa trị. Bình Nhưỡng đã cảm ơn Seoul vì khoản viện trợ này. Các loại thuốc chống cúm A H1N1 là hết sức thiếu thốn ở miền Bắc. Xét tới hệ thống y tế nghèo nàn của nước này, thật dễ để hình dung miền Bắc đã phải vất vả thế nào trong việc kiểm soát và ngăn chặn dịch cúm không lan rộng. Đáng nói hơn, đây là khoản viện trợ nhân đạo xuyên biên giới cấp Chính phủ đầu tiên dưới thời chính quyền của Tổng thống Lee Myung-bak.


Kỳ vọng cải thiện quan hệ liên Triều thông qua các dự án nhân đạo với miền Bắc

Viện trợ chống dịch cúm đã mở đường cho trao đổi liên Triều. Đối thoại song phương được nối lại, quan chức hai miền đã tiến hành thanh sát thực địa chung các khu công nghiệp tại Trung Quốc và Việt Nam, nhằm phát triển khu công nghiệp liên Triều Gaesung thành một tổ hợp công nghiệp quốc tế. Tuy nhiên, quan hệ liên Triều một lần nữa lâm vào bế tắc năm 2010, do vụ Bắc Triều Tiên bắn chìm tuần dương hạm Cheonan và nã pháo vào đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc. Dù vậy, hai bên đã có thể duy trì quan hệ nhờ các chương trình viện trợ nhân đạo.


Viện trợ nhân đạo đã cấu thành nền tảng trong chính sách với Bắc Triều Tiên của bất cứ chính quyền nào ở Hàn Quốc. Dù quy mô đã bị giảm đi, viện trợ nhân đạo cho miền Bắc vẫn được tiếp tục sau năm 2010 thông qua các tổ chức quốc tế. Một làn gió đối ngoại ấm áp đang thổi vào bán đảo Hàn Quốc trong năm nay, đối lập hẳn với năm 2009,thời điểm Seoul cung cấp vô điều kiện các loại thuốc chống dịch cúm cho Bình Nhưỡng để giúp hai bên vượt qua thời kỳ băng giá trong quan hệ song phương.

Lựa chọn của ban biên tập