Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Hai miền Nam-Bắc khai quật chung khu di tích Manwoldae ở Gaesung

2018-12-20

Vì một bán đảo thống nhất

© CULTURAL HERITAGE ADMINISTRATION

Ngày 6/9 năm nay, Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đã tổ chức hội đàm cấp chuyên viên, nhất trí nối lại công tác khai quật chung khu di tích Manwoldae (Đài Vạn Nguyệt), cố cung của triều đại Goryeo (918-1392), nằm ở thành phố Gaesung, miền Bắc, vốn bị dừng lại từ năm 2015. Theo đó, hai phía đã tiến hành công tác khai quật chung từ ngày 22/10 tới ngày 10/12. Khoảng thời gian 50 ngày là quá ngắn để có thể bù đắp cho 3 năm dự án bị gián đoạn, nhưng điều quan trọng là các sử gia của cả hai miền Nam-Bắc đã lại có thể cùng nhau chung tay khai quật những di tích của cố cung. Ý nghĩa hơn, hai bên đã nối lại công tác trên trong năm nay, vốn kỷ niệm tròn 1.100 năm thành lập vương quốc Goryeo. Công tác khai quật chung di tích Manwoldae là minh chứng của việc không hề có biên giới hay sự chia cắt đối với các di sản văn hóa.


Cố cung Manwoldae (Đài Vạn Nguyệt) – Tinh túy của nền văn hóa Goryeo

Được xây dựng dưới chân núi Songak năm 919, Manwoldae trải rộng trên diện tích 250.000 m2. Tại đó, cung điện hoàng tộc của vương quốc Goryeo đã đứng vững trong khoảng 400 năm, dù liên tục trải qua quá trình bị phá hủy và được phục dựng, cho tới khi bị quân nổi loạn Hồng cân tặc (Giặc chít khăn đỏ) cuối đời nhà Nguyên của Trung Quốc thiêu rụi năm 1361. Ngày nay, tuy chỉ còn lại một phần các bậc thang và tường thành, nhưng di sản văn hóa đầy giá trị này vẫn là đại diện cho nền văn hóa hoàng cung tráng lệ của triều đại Goryeo. Do đó, năm 2005, Bắc Triều Tiên đã nỗ lực đưa khu di tích lịch sử thành phố Gaesung vào danh sách di sản thế giới, và hai miền Nam-Bắc nhất trí khai quật chung khu di tích Manwoldae tại cuộc hội đàm cấp Bộ trưởng lần thứ 17 cùng năm.


Bắt đầu khai quật chung di tích Manwoldae ngày 18/5/2007

Công tác khai quật chung di tích Manwoldae bắt đầu ngày 18/5/2007. Đội khai quật Hàn Quốc đã làm lễ cúng truyền thống và tiến hành điều tra thực địa với Hội đồng hòa giải dân tộc liên Triều phía Bắc Triều Tiên. Công tác điều tra được tiến hành ở phần phía Tây, nhằm trả lời câu hỏi các di sản đã bị phân tán như thế nào. Ban đầu, các sử gia và nhà khảo cổ của hai miền làm việc trong những khu vực riêng rẽ, nhưng đã mau chóng hòa làm một. Có lẽ, họ đã nhớ lại một sự thật rằng triều đại Goryeo đã thành lập một nhà nước độc lập, thống nhất trên bán đảo Hàn Quốc mà không hề có sự can thiệp từ bên ngoài, và chính động lực nhằm tái hiện lịch sử đáng tự hào của dân tộc ấy đã đưa họ gần lại nhau hơn.


UNESCO công nhận Khu di tích lịch sử thành phố Gaesung là di sản văn hóa thế giới

Tháng 11/2015, trong đợt khai quật thứ 7, đội khai quật đã phát hiện ra một mảnh vật liệu kim loại tại khu vực phía Tây của Manwoldae. Mảnh kim loại chỉ rộng 1,36 cm, dài 1,3 cm và dày 0,6 cm. Hiện vật trên tinh vi hơn rất nhiều các mảnh đã được phát hiện trước đó, và có trước vật liệu kim loại dùng để in cuốn Kinh thánh Gutenberg năm 1455 ít nhất là một thế kỷ. Rất nhiều kiệt tác lịch sử nữa đã được khám phá nhờ công tác khai quật chung liên Triều.


Hai miền Nam-Bắc đã tiến hành 7 đợt khai quật chung di tích Manwoldae từ tháng 5/2007 tới tháng 11/2015. Các nhà nghiên cứu của hai bên đã có thể phát hiện một số cấu trúc chính gần như ở dạng nguyên bản của chúng, vốn chỉ xuất hiện trong các ghi chép lịch sử. Họ cũng tìm thấy khoảng 20.000 hiện vật tinh xảo, kể cả đồ gốm. Kết quả là, năm 2013, Khu di tích lịch sử thành phố Gaesung được Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa thế giới. Tháng 10/2015, Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đã đồng thời tổ chức triển lãm các hiện vật được phát hiện từ di tích Manwoldae. 


Triển lãm các hiện vật được khai quật từ di tích Manwoldae

Tại Bảo tàng cung điện quốc gia Hàn Quốc, thủ đô Seoul, buổi triển lãm đã chật kín khách thăm quan trong suốt thời gian sự kiện, từ ngày 13/10 tới ngày 6/11/2015. Đây là buổi triển lãm đầu tiên trong lịch sử giới thiệu các di sản quốc gia được khám phá nhờ công tác khảo cổ liên Triều. Buổi triển lãm ở thành phố Gaesung đã bắt đầu muộn hơn 2 ngày so với sự kiện ở Seoul.


Tại buổi triển lãm tại Bảo tàng Goryeo ở Gaesung, Bắc Triều Tiên đã mời 80 học giả Hàn Quốc tới dự và công bố các hiện vật cũng như khu vực khai quật. Được khuyến khích bởi các tiến triển trên, hai miền Nam-Bắc đã đạt được một thỏa thuận năm 2015 nhằm tiến hành điều tra chung một cách thường xuyên trong năm, trừ khi thời tiết bất lợi. Nhưng mọi việc đột ngột xấu đi khi Bắc Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ 4 ngày 6/1/2016, và dự án Manwoldae cũng đã bị đình lại từ đó. Tuy nhiên, đối thoại giữa Seoul và Bình Nhưỡng đang tiến triển tốt đẹp kể từ sau Hội nghị thượng đỉnh song phương hồi tháng 4 năm nay. Hai bên cũng đã kết thúc thành công đợt khai quật chung di tích Manwoldae thứ 8.


Con đường lịch sử mà hai miền Nam-Bắc sánh bước bên nhau

Bất chấp biến đổi trong quan hệ liên Triều, công tác khai quật chung di tích Manwoldae đã liên tục được duy trì như một trường hợp mẫu mực cho hợp tác xuyên biên giới trong lĩnh vực lịch sử và văn hóa. Nhưng đây không phải là ví dụ duy nhất của hợp tác liên Triều. Sau 73 năm bán đảo Hàn Quốc bị chia cắt, hai miền Nam-Bắc đã có những bước tiến tới đối thoại và hợp tác song phương. Những bước đi này được tin là đã góp phần tạo ra làn gió đối ngoại ấm áp trong quan hệ song phương trong năm nay. Chắc chắn, hai miền Nam-Bắc sẽ tiếp tục tiến tới thống nhất, để chứng minh rằng lịch sử sẽ được làm nên bởi những ai dám mơ ước.

Lựa chọn của ban biên tập