Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Phần 42: Tàu cao tốc KTX của Hàn Quốc và cuộc cách mạng về tốc độ

2015-11-03

Phần 42: Tàu cao tốc KTX của Hàn Quốc và cuộc cách mạng về tốc độ
[Lễ khai thông tuyến đường sắt cao tốc Gyeongbu giai đoạn một]
Vào lúc 10 giờ sáng ngày 30 tháng 3 năm 2004, Lễ khai thông tuyến đường sắt cao tốc KTX đã diễn ra long trọng tại quảng trường ga Seoul. Lễ khai thông tuyến đường sắt cao tốc Gyeongbu giai đoạn một, nối thủ đô Seoul và thành phố Busan nằm ở miền Nam, đã đưa Hàn Quốc trở thành quốc gia thứ năm trên thế giới, sau Nhật Bản, Pháp, Đức và Tây Ban Nha, có được đường sắt cao tốc. Quyền Tổng thống Hàn Quốc khi đó, ông Goh Kun đã phát biểu trong lễ khai thông như sau: “Kính thưa toàn dân, giờ đây thế giới đã bước vào thời đại mà tốc độ là một trong những yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh. Từ ngành công nghiệp công nghệ thông tin hàng đầu đến ngành dịch vụ hậu cần đều phải phát triển nhanh hơn các đối thủ khác thì chúng ta mới có thể giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh khốc liệt ngày nay. Đường sắt cao tốc chính là biểu tượng của năng lực cạnh tranh quốc gia và là nền tảng của sự phồn vinh đất nước trong thế kỷ XXI.”

Với vận tốc 300 km/giờ, tức 83 m/giây, tàu cao tốc 20 toa của Hàn Quốc có thể đi từ Seoul đến Busan chỉ trong 2 giờ 40 phút và thời gian từ Seoul đến Mokpo (tỉnh Nam Jeolla) giảm xuống còn 2 giờ 58 phút, tiết kiệm được tương ứng 1 giờ 30 phút và 1 giờ 40 phút so với đi bằng tàu thường. Có thể nói sự xuất hiện của đường sắt cao tốc đã cho phép người dân đi du lịch trên toàn quốc chỉ trong vòng nửa ngày.

[Lịch sử ngành đường sắt Hàn Quốc]
Lịch sử của ngành đường sắt của Hàn Quốc bắt đầu vào ngày 18 tháng 9 năm 1899 khi tuyến đường sắt Gyeongin dài 33,2 km nối giữa Seoul và cảng Jemulpo thuộc thành phố Incheon được hình thành. Vào thời điểm đó, vận tốc của tàu chỉ đạt khoảng 20 km/giờ. Tiếp sau tuyến Gyeongin, đến thời kỳ đế quốc Nhật đô hộ bán đảo Hàn Quốc, lại có thêm một số tuyến đường cao tốc nữa được xây dựng với điểm xuất phát từ thủ đô Seoul. Đó là tuyến Gyeongbu nối xuống Busan, tuyến Gyeongui đến Sinuiju (tỉnh Bắc Pyongan, nay ở Bắc Triều Tiên?), rồi tuyến Honam đến các vùng tỉnh Nam và Bắc Jeolla và tuyến Gyeongwon đến Wonsan (tỉnh Nam Hamgyong nay thuộc Bắc Triều Tiên). Tuy nhiên, khi đó, thời gian để đi từ Seoul đến Busan phải mất hơn 20 giờ. Đến năm 1946, tức là một năm sau ngày giành độc lập, chiếc tàu hỏa đầu tiên do Hàn Quốc tự chế tạo đã xuất hiện. Con tàu sử dụng động cơ hơi nước được đặt tên là "Tàu giải phóng Joseon” này đã bắt đầu hành trình của mình trên tuyến đường sắt Gyeongbu.

Tàu giải phóng Joseon được chế tạo bởi những người Hàn Quốc đã học lỏm được kỹ thuật từ các kỹ sư Nhật Bản trong thời gian thực dân Nhật chiếm đóng bán đảo. Đoàn tàu phải mất 9 giờ 30 phút để chạy từ Seoul xuống Busan. Tuy nhiên, do chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) đất nước bị chia cắt nên các tuyến đường Gyeongwon và Gyeongui đã bị gián đoạn. Sau đó, Hàn Quốc đã nỗ lực khôi phục tái thiết lại ngành đường sắt với trọng tâm là tuyến cao tốc Gyeongbu.

Con tàu mang tên Tongil (Thống nhất) bắt đầu hoạt động từ năm 1954 đã giúp giảm thời gian đi từ Seoul đến Busan xuống còn 7 giờ 30 phút. Theo sau đó là tàu Jaegeon (Tái thiết) xuất hiện năm 1962 đã giảm thời gian chạy xuống còn 6 giờ 10 phút. Từ những năm 1960, đường sắt không chỉ là phương tiện chở khách mà còn thực hiện chức năng vận chuyển hàng hóa, đóng vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa và tăng trưởng kinh tế. Ý nghĩa này càng được khẳng định khi Chính phủ quyết định kỷ niệm trọng thể Ngày của ngành đường sắt trong năm 1963. Vào năm 1969, con tàu cao tốc đặc biệt mang tên Gwangwang (Du lịch) đã chính thức đi vào hoạt động với vận tốc đạt 120 km/giờ, cho phép hành khách đi từ Seoul đến Busan chỉ trong 4 giờ 50 phút. Sự ra đời của nó đã mở kỷ nguyên của “du lịch toàn quốc chỉ trong 1 ngày”.

[Đẩy mạnh dự án xây dựng đường sắt cao tốc]
Việc xây dựng đường sắt cao tốc thực sự trở nên cấp thiết từ cuối những năm 1980 khi bùng nổ nhu cầu vận tải do sự tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế.

Ông Choi Jin-suk, giám đốc Trung tâm giao thông đường sắt thuộc Viện nghiên cứu giao thông vận tải Hàn Quốc cho biết: “Sau khi tổ chức thành công Olympic mùa hè Seoul 1988, hình ảnh và vị thế của Hàn Quốc đã được nâng cao đáng kể và nền kinh tế cũng bắt đầu phát triển nhanh chóng. Nhờ đó nhiều người đã có điều kiện mua xe ô tô riêng. Và riêng việc mở rộng đường cao tốc khi đó vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu đi lại giữa Seoul với các vùng trên toàn quốc, đặc biệt là Busan. Lấy ví dụ việc Pháp xây dựng đường tàu cao tốc TGV vào năm 1981 đã mang lại lợi ích kinh tế như thế nào, một số người đã khẳng định rằng đây là cách nhanh nhất để giải quyết vấn đề. Thêm vào đó, một lý do khác cũng được đưa ra là hiện trạng giao thông trên các tuyến đường bộ trong những năm cuối 1980, đầu 1990 còn nhiều điểm hạn chế, điển hình như muốn đi từ Seoul về Busan trong kỳ nghỉ Tết Trung thu thường phải mất đến 14 tiếng. Khi tìm kiếm cách thức để giải quyết vấn đề này, Chính phủ đã đi đến kết luận rằng việc xây dựng đường sắt cao tốc là giải pháp hợp lý nhất.”

Vào thời điểm đó, hầu hết các tàu đều chạy bằng dầu diesel với vận tốc nhanh nhất chỉ đạt khoảng 160 km/giờ. Vậy nên có khá nhiều ý kiến phản đối mục tiêu đưa vào vận hành tàu cao tốc có tốc độ lên tới 300 km/giờ. Ông Choi Jin-suk nói: “Khi mới đưa ra kế hoạch này, đã có rất nhiều ý kiến phản đối. Lý do là vì tàu Saemaul khi đó mất khoảng 4 giờ 50 phút để đi từ Seoul đến Busan. Nếu đưa vào vận hành các tàu cao tốc này thì sẽ giảm xuống còn 2 giờ 30 phút, tuy nhiên bù lại sẽ phải đổ vào kế hoạch này một số tiền khổng lồ. Nhiều chuyên gia trong ngành giao thông vận tải đã cho rằng đây là sự lãng phí khi bỏ ra số tiền quá lớn như vậy chỉ để giảm đi hai tiếng đồng hồ di chuyển. Trong khi đó, những người tán thành kế hoạch này lại lập luận rằng một trong các nguồn tài nguyên quý giá và luôn thiếu thốn nhất đối với con người chính là thời gian, cho nên tiết kiệm thời gian cũng chính là mang lại lợi ích công nghiệp, lợi ích kinh tế. Khi đó cũng là thời điểm nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh chóng.Điều này đã ảnh hưởng đến bầu không khí chung của toàn xã hội và giúp dự án được triển khai thuận lợi hơn.”

[Vai trò của Cơ quan xây dựng đường sắt cao tốc Hàn Quốc]
Lộ trình các tuyến đường đã được thông qua vào năm 1990 và hai năm sau đó, vào năm 1992, Cơ quan xây dựng đường sắt cao tốc Hàn Quốc cũng được thành lập nhằm giám sát việc xây dựng này. Từ đó việc xây dựng đường sắt Hàn Quốc bắt đầu được triển khai mạnh mẽ hơn. Ông Choi Jin-suk nói thêm: “Trước kia, các tuyến đường sắt của Hàn Quốc được Cục quản lý đường sắt quốc gia quản lý. Cơ quan này quản lý tất cả các công việc từ bán vé đến vận hành tàu và xây dựng đường sắt. Tuy nhiên, Chính phủ cho rằng nếu tiếp tục giao phó việc vận hành một hệ thống mới như đường sắt cao tốc cho cơ quan trên thì sẽ khó cho việc quản lý, triển khai và nâng cấp công nghệ nhanh được. Đó là lý do Chính phủ quyết định thành lập Cơ quan xây dựng đường sắt cao tốc Hàn Quốc dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại để quản lý riêng về đường sắt cao tốc.”

Cơ quan xây dựng đường sắt cao tốc Hàn Quốc đã nỗ lực để phát triển hệ thống đường sắt cao tốc của riêng Hàn Quốc và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa hệ thống này. Ông Choi Jin-suk nói: “Cơ quan xây dựng đường sắt cao tốc Hàn Quốc phụ trách toàn bộ các dự án liên quan đến đường sắt cao tốc tại Hàn Quốc, bao gồm cả việc tiếp nhận công nghệ. Chính nhờ một cơ quan chuyên biệt có năng lực đảm trách và đưa ra những quyết định chiến lược từ đầu như vậy nên chúng ta mới có thể xây dựng được các tuyến tàu cao tốc như hiện nay. Chứ nếu cứ giao phó mọi việc cho Cục quản lý đường sắt quốc gia thì sẽ bị chồng chéo công việc và khó đạt được những tiến bộ công nghệ nhanh như vậy.”

Vào tháng 7 cùng năm đó, lễ khởi công xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Gyeongbu đã được tổ chức long trọng, và cũng từ đó việc triển khai kinh doanh tàu cao tốc của Hàn Quốc chính thức bắt đầu. Các cuộc đàm phán để đưa vào sử dụng tàu cao tốc cuối cùng cũng đạt được nhất trí vào tháng 4 năm 1994, thúc đẩy việc kinh doanh đường sắt cao tốc của Hàn Quốc phát triển mạnh hơn.
Giám đốc Choi Jin-suk nói: “Một điều rất quan trọng trong quá trình này là vấn đề chuyển giao công nghệ sản xuất tàu cao tốc. Nhật Bản đã kiên quyết phản đối đến cùng việc chuyển giao công nghệ cho nước ta, song Pháp và Đức lại tỏ ra rất tích cực trong việc chuyển giao kỹ thuật cho Hàn Quốc. Vào thời điểm đó, Pháp là quốc gia đi trước so với các nước khác về công nghệ liên quan đến đường sắt cao tốc, nên cuối cùng Hàn Quốc đã lựa chọn đưa vào ứng dụng hệ thống TGV của Pháp. Paris cũng hứa sẽ chuyển giao công nghệ và họ đã giữ lời hứa đó. Nhờ vậy mà chúng ta có thể tự sản xuất được các tàu cao tốc như hiện nay.”

[Những khó khăn trong quá trình xây dựng đường sắt cao tốc]
Quá trình xây dựng đường sắt cao tốc của Hàn Quốc kéo dài và tương đối vất vả. Ở nhiều nơi, người ta phải xây dựng cầu và đường hầm do đến 70% địa hình của Hàn Quốc là núi và sông. Điều này đã đưa đến gánh nặng về chi phí xây dựng. Ông Choi Jin-suk giải thích: “Địa hình nước ta có nhiều núi, thung lũng nên buộc phải xây nhiều cầu, hầm để bắc qua. Có đến một nửa cơ sở hạ tầng của hệ thống đường sắt cao tốc Hàn Quốc là đường hầm hoặc cầu. Vì vậy, chi phí xây dựng mỗi ki-lô mét đường tại Hàn Quốc đắt gấp ba lần so với chi phí tương tự ở Pháp. Việc xây dựng một hệ thống đường sắt nhiều hầm, cầu như vậy là vì để đảm bảo tàu cao tốc đi với tốc độ nhanh nhất thì phải tối đa hóa các quãng đường thẳng, hạn chế tàu phải đi lên đi xuống quá nhiều.”

Sau khi tổng động viên cả nước vào công cuộc xây dựng đường sắt cao tốc, Hàn Quốc đã chính thức thử nghiệm thành công con tàu cao tốc đầu tiên vào tháng 10 năm 1999. Sau khi chế tạo thành công tàu cao tốc của riêng mình vào năm 2002, đến năm 2004, Hàn Quốc đã tổ chức long trọng lễ khai thông tuyến đường sắt cao tốc KTX tại quảng trường ga Seoul. Có thể nói, 12 năm kể từ sau buổi lễ động thổ vào năm 1992, Hàn Quốc cuối cùng đã trở thành quốc gia thứ năm trên thế giới sở hữu và vận hành một hệ thống đường sắt cao tốc của riêng mình.

[Diện mạo mới sau khi tàu cao tốc được đi vào sử dụng]
Dự án xây dựng đường sắt cao tốc Gyeongbu phải mất 12 năm để hoàn thành, với sự góp sức của 30.000 nhân công và tiêu tốn ngân sách lên tới 12.000 tỷ won (tương đương 10,5 tỷ USD theo tỷ giá hiện nay). Nó bắt đầu với việc nhận chuyển giao công nghệ từ Pháp, nhưng dần dần đã được nội địa hóa nhờ sự bền bỉ và kiên trì của các kỹ sư Hàn Quốc. Có thể nói các tuyến đường sắt cao tốc này đã đóng góp rất lớn vào sự phát triển của các ngành công nghiệp liên quan.

Sự mở màn của thời đại đường sắt cao tốc đã giúp người Hàn Quốc có thể đi du lịch đến bất cứ nơi nào trên toàn quốc chỉ trong vòng nửa ngày. Điều này dẫn đến một cuộc cách mạng trong lối sống cho phép mọi người có thể khắc phục được những hạn chế về thời gian và không gian. Thủ đô Seoul và các địa phương khác trở nên gần gũi hơn, thậm chí những người sống ở khu vực các tỉnh Nam và Bắc Chungcheong, miền Trung Hàn Quốc, có thể dễ dàng và thuận tiện đi làm tại các công ty ở thủ đô. Thêm vào đó là xu hướng làm việc năm ngày trong tuần và nghỉ ngơi thoải mái trong hai ngày cuối tuần đã đưa đến sự thay đổi trong văn hóa nghỉ ngơi, giải trí. Dân số của khu vực tăng lên, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển và đưa tới thời kỳ thịnh vượng của nền kinh tế địa phương. Ông Choi Jin-suk, giám đốc Trung tâm giao thông đường sắt thuộc Viện nghiên cứu giao thông vận tải Hàn Quốc nhấn mạnh: “Liên hoan phim quốc tế Busan là một sự kiện quốc tế nổi tiếng của Hàn Quốc, và điều đặc biệt ở đây là dù không xây mới sân bay nhưng sau khi đưa vào vận hành đường sắt cao tốc từ năm 2004, thì lượng du khách đến đây đã tăng gấp hai, ba lần. Vào năm 2010, Đại hội Điền kinh quốc tế tổ chức ở Daegu cũng đón chào rất nhiều khán giả và việc đi lại của họ đến thành phố này không gặp bất cứ vấn đề gì. Có thể nói, chính sự xuất hiện của đường sắt cao tốc đã góp phần vào việc tổ chức thành công các sự kiện quốc tế này. Gần đây hơn là các sự kiện quốc tế khác như Triển lãm thế giới World Expo Yeosu 2012 hay Triển lãm vườn quốc tế Suncheon, tổ chức ở vùng duyên hải tỉnh Jeolla, miền Tây Nam Hàn Quốc, cũng diễn ra thành công là nhờ nơi tổ chức nằm ở các thành phố có ga tàu cao tốc. Vì vậy, có thể nói, một thành phố được kết nối với hệ thống KTX sẽ có tiềm năng rất lớn để phát triển. Và cũng chính nhờ KTX mà các hoạt động kinh tế từ chỗ chỉ tập trung xung quanh khu vực Seoul nay đã tản bớt xuống các khu vực khác, tạo nền tảng cho kinh tế địa phương phát triển.”

Ngành đường sắt cao tốc Hàn Quốc bước vào giai đoạn tiếp theo với việc khai thông tuyến đường từ Daegu đến Busan, là giai đoạn hai của tuyến đường, đã hoàn tất trong năm 2010, và tuyến Pohang cùng với tuyến Donghae (khu vực biển phía Đông Hàn Quốc) cũng đã được khai thông vào tháng 3 năm 2014. Ngoài ra còn có tuyến Honam (nối từ thủ đô Seoul với các vùng tỉnh Nam và Bắc Jeolla) được hoàn tất vào tháng 4 năm 2015, đã một lần nữa đẩy cuộc cách mạng về tốc độ vận tải ở Hàn Quốc lên cao trào.

Lịch sử của ngành đường sắt cao tốc Hàn Quốc gắn liền với lịch sử đầy gian khổ, vất vả của đất nước kể từ thời thực dân Nhật Bản chiếm đóng đến khi trải qua cuộc chiến tranh Triều Tiên và sau đó là quá trình tăng trưởng kinh tế. Với cuộc cách mạng về tốc độ, ngành đường sắt Hàn Quốc đang hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm của mạng lưới vận chuyển phân phối Đông Bắc Á và thậm chí có thể nối tới Xi-bê-ri xa xôi ở phía Viễn Đông nước Nga.

Lựa chọn của ban biên tập