Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Phần 50: Hàn Quốc, hãy trỗi dậy!

2015-12-29

Phần 50: Hàn Quốc, hãy trỗi dậy!
[Năm 1945, dân tộc Hàn thoát khỏi ách đȏ hộ của Nhật Bản]

Ngày 15 tháng 8 năm 1945 đã đi vào lịch sử là ngày giành được độc lập, điều mà cả dân tộc Hàn trên bán đảo Hàn Quốc đã khao khát trong bao nhiêu năm sống dưới ách đô hộ. Trong ngày này, cả đất nước Hàn Quốc hân hoan trong niềm vui và hy vọng xây dựng một quốc gia độc lập tự chủ, đặt dấu chấm hết cho 36 năm đế quốc Nhật Bản thống trị bán đảo. Trong suốt 70 năm kể từ khi giành được độc lập… Người dân Hàn Quốc, bằng mồ hôi và nước mắt của mình, đã không ngừng vươn lên, vượt qua đói nghèo, gian khổ để đạt được những thành tựu rực rỡ trong lịch sử. Vào ngày 15 tháng 8 năm 1948, tức là tròn ba năm sau ngày độc lập… Sự ra đời của Chính phủ mới nước Đại Hàn Dân Quốc đã làm nức lòng toàn dân, nhen nhóm bao hy vọng về một tương lai tươi sáng. Nhưng đến ngày 25 tháng 6 năm 1950…

[Bán đảo Hàn Quốc bị chia cắt do chiến tranh Triều Tiên]

Chiến tranh Triều Tiên bùng nổ khi quân đội miền Bắc tràn xuống tấn công miền Nam, đẩy đất nước vào cảnh "nồi da xáo thịt". Cuộc chiến khốc liệt ấy kéo dài ba năm và kết thúc bằng Hiệp định đình chiến 1953. Vết thương chiến tranh trải dài trên toàn lãnh thổ từ sông Nakdong phía Nam đến sông Amnok phía Bắc, chia cắt hai miền đất nước suốt một thời gian dài mà không có cách nào hàn gắn lại được. Sau chiến tranh, Hàn Quốc bị phá hủy nặng nề, trở thành một trong những nước nghèo nhất thế giới với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chỉ đạt 47,7 tỷ won (tương đương 40,7 triệu USD theo tỷ giá hiện nay) và bình quân thu nhập đầu người ở mức rất khiêm tốn: 67 USD. (음악 out) Chính trong bối cảnh đó, Kế hoạch năm năm phát triển kinh tế lần thứ nhất do Chính phủ đề ra được đưa vào thực thi từ năm 1962 đã khiến cho tình hình dần thay đổi.

[Hàn Quốc nỗ lực vực dậy nền kinh tế sau chiến tranh]

Các nhà máy, đường cao tốc và đường sắt được xây dựng trên khắp cả nước, và những người trẻ tuổi được gửi sang Đức làm thợ mỏ và y tá. Những thanh niên ấy đã phải lao động vất vả, thắt lưng buộc bụng nơi đất khách quê người để gửi ngoại tệ về cho tổ quốc. Chính sự hy sinh đó của họ đã làm nên nền tảng cho sự phát triển kinh tế về sau. Cùng với đó, “Phong trào vận động xây dựng nông thôn mới Saemaul” được triển khai trên toàn quốc, đã trở thành đòn bẩy đưa kinh tế đi lên. Kết quả là xuất khẩu tăng mạnh, từ con số 100 triệu USD vào năm 1962 đã tăng lên tới 1 tỷ USD vào năm 1971 và 10 tỷ USD vào năm 1977. Cơ cấu công nghiệp cũng chuyển đổi từ công nghiệp nhẹ sang công nghiệp chế tạo và công nghiệp nặng. Những chiếc xe ô tô do chính đôi bàn tay của người Hàn Quốc làm ra đã bắt đầu được xuất xưởng ra nước ngoài. Nhờ nguồn vốn viện trợ của nước ngoài mà nền kinh tế Hàn Quốc đã cất cánh thần tốc với tỷ lệ tăng trưởng hơn 10% một năm và tạo nên “kỳ tích sông Hàn”. Nhưng giai đoạn phát triển này còn được nhắc đến là thời kỳ đen tối của chủ nghĩa dân chủ. Điển hình là việc Tổng thống Park Chung-hee lên nắm quyền sau cuộc đảo chính quân sự vào ngày 16/5/1962 đã tiến hành cuộc Duy tân sửa đổi Hiến pháp vào tháng 10 năm 1972 để có thể nắm quyền lâu dài. Nhưng đến ngày 26 tháng 10 năm 1979... Vụ ám sát Tổng thống Park Chung-hee đã đánh dấu chấm hết cho thể chế Duy tân.

[Phong trào dân chủ những năm 1980]

Vào mùa xuân năm 1980, niềm mong mỏi của quốc dân về một thể chế dân chủ lại dâng cao hơn bao giờ hết. Các sinh viên và dân thường đã đổ ra đường, hô vang khẩu hiệu đòi dân chủ. Ngọn lửa dân chủ hóa được châm ngòi ở thành phố Gwangju vào ngày 18 tháng 5 năm 1980 đã bùng nổ thành cuộc đấu tranh đòi dân chủ tháng 6 năm 1987, buộc Chính phủ phải đưa ra Tuyên bố ngày 29 tháng 6 hứa hẹn sửa đổi Hiến pháp, thực hiện bầu cử tổng thống trực tiếp. Sau một quá trình đấu tranh gian khổ, cuối cùng phong trào dân chủ đã “đơm hoa kết trái” ở Hàn Quốc. Trong khi đó, mối quan hệ liên Triều cũng trải qua những biến động từ giữa những năm 1980. Bắc Triều Tiên đã nhiều lần khiêu khích Hàn Quốc, đó là vụ biệt kích miền Bắc tấn công Phủ tổng thống Hàn Quốc vào ngày 21/1/1968, vụ ẩu đả giữa binh lính Bắc Triều Tiên và quân đội Mỹ đóng tại Bàn Môn Điếm vào năm 1976 khiến hai sỹ quan Mỹ bị chém chết, vụ quân đội miền Bắc đánh bom tại Myanmar năm 1983 nhằm ám sát tổng thống Hàn Quốc.

[Hai miền Nam-Bắc bắt đầu hòa giải sau 40 năm chia cắt]

Tuy nhiên, đến năm 1984, khi Hàn Quốc bị lũ lụt tàn phá dữ dội, Bắc Triều Tiên đã đề nghị cung cấp hàng viện trợ cho các hộ dân chịu thiệt hại. Hành động trên của Bắc Triều Tiên đã báo hiệu sự khởi đầu của một chương mới trong lịch sử quan hệ giữa hai miền sau bốn thập kỷ chia cắt. Vào năm 1985, lần đầu tiên kể từ khi đất nước bị chia cắt, hai miền đã nhất trí “Trao đổi gia đình bị ly tán và giao lưu đoàn biểu diễn nghệ thuật”, cho phép các gia đình bị chia lìa bởi chiến tranh về thăm lại quê hương và gặp lại người thân của mình. Nhờ đó, những người họ hàng ruột thịt sống ở hai bên biên giới cuối cùng đã được đoàn tụ. Họ cùng nhau trải qua những giây phút xúc động đến tràn nước mắt cho cả người trong cuộc và người chứng kiến. Thế vận hội mùa hè Seoul năm 1988 là một sự kiện lịch sử, là bệ phóng đưa tên tuổi Hàn Quốc đến mọi nơi trên thế giới. Việc tổ chức thành công Thế vận hội này đã mang đến cho Hàn Quốc niềm hy vọng vào một bước nhảy vọt mới. Nhưng vào năm 1997, quốc gia đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc. Đứng trước bờ vực phá sản, Chính phủ Hàn Quốc đã buộc phải xin cứu trợ từ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Mặc dù hệ thống tài chính của quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề, nhưng chính điều này cũng tạo ra cơ hội để tổng động viên nguồn lực đất nước, cải cách cơ cấu kinh tế đã lạc hậu và từ đó tạo nền tảng cho sự bứt phá mới. Vào tháng 6 năm 2000, cả thế giới đã dồn sự chú ý vào bán đảo Hàn Quốc bởi lần đầu tiên sau 55 năm kể từ khi bị chia cắt, nhà lãnh đạo của hai miền Nam-Bắc đã có cuộc gặp gỡ chính thức. Tuyên bố chung liên Triều ngày 15 tháng 6, mở đường cho các đối thoại về sau và chương trình đoàn tụ gia đình bị ly tán bởi chiến tranh.

[Khắc phục vấn đề tài chính, ngành thể thao, văn hóa giải trí và khoa học vươn lên]

Tiếp đó, sự kiện Hàn Quốc đồng tổ chức với Nhật Bản Giải vô địch bóng đá thế giới World Cup 2002 đã một lần nữa chứng minh tinh thần dân tộc, niềm đam mê thể thao và sự năng động của người Hàn. Từ những năm 1990, các bộ phim truyền hình Hàn Quốc và các bài hát K-pop đã bắt đầu chinh phục công chúng nước ngoài. Từ đó dẫn tới sự ra đời của Làn sóng văn hóa Hàn Quốc Hallyu và làn sóng này đạt đến đỉnh điểm vào năm 2012 với ca khúc nổi tiếng khắp toàn cầu "Gangnam Style” của nam ca sỹ Psy. Giai điệu vui nhộn, dễ nhớ cùng những bước nhảy hài hước, ngộ nghĩnh xuất hiện trong bài hát đã cuốn hút người hâm mộ khắp nơi trên thế giới, góp phần gia tăng số lượng người yêu mến văn hóa giải trí Hàn Quốc. Một thành tựu khác cũng rất đáng kể, đó chính là việc phóng thành công tên lửa đẩy tự chế Naro gắn vệ tinh cùng tên vào quỹ đạo. Với sự kiện này, Hàn Quốc đã trở thành nước thứ 11 trên thế giới gia nhập Câu lạc bộ Không gian, mở ra một kỷ nguyên mới cho sự phát triển ngành hàng không vũ trụ. Một số người dân cho biết: “Hồi xưa, chúng tôi thậm chí còn không đủ ăn, bởi vậy nên ai trông cũng gầy gò, ốm yếu. Nhưng ngày nay, nhìn vào thể lực, thể chất cường tráng của thanh niên Hàn Quốc thì có thể hiểu được đất nước đã phát triển như thế nào. Thời chúng tôi đừng nói đến việc sở hữu ô tô, mà chỉ được tận mắt ngắm một chiếc ô tô cũng còn khó nữa là. Còn bây giờ phương tiện giao thông tốt hơn rất nhiều, đồ ăn thức uống cũng phong phú, so với ngày xưa thì đúng là một trời một vực. Tôi thực sự cảm thấy mình đang được sống ở một quốc gia giàu có thịnh vượng, và tôi rất tự hào về điều này. Khi khủng hoảng tài chính xảy ra ở Hàn Quốc, tất cả mọi người đều đoàn kết, đồng lòng vượt qua khó khăn. Người giàu hiến tặng vàng, người lao động bình thường chấp nhận lương ít đi, và tất cả đều xác định “thắt lưng buộc bụng” để hồi phục đất nước. Đó là thời kỳ mà tinh thần đoàn kết dân tộc lên rất cao. Một điều tuyệt vời là Hàn Quốc đã đăng cai tổ chức World Cup 2002 thành công. Người dân chúng tôi thấy tự hào về sức mạnh của đất nước mình. Người dân Hàn Quốc rất thân thiện, lạc quan và luôn làm việc chăm chỉ, vô điều kiện. Đó là điều đã làm nên một Hàn Quốc ngày nay.”

[Những thành tựu quan trọng của Hàn Quốc trong năm 2015 đầy biến cố]

Năm 2015 là một năm khá khó khăn với Hàn Quốc do chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu và sự lây lan của dịch Hội chứng viêm đường hô hấp cấp vùng Trung Đông (MERS). Đặc biệt, căng thẳng giữa hai miền Nam-Bắc cũng leo thang với đỉnh điểm là việc hai binh sĩ Hàn Quốc bị thương nặng do mìn nổ khi đang đi tuần tra ở gần khu vực phi quân sự liên Triều trong tháng 8 vừa qua. Nhưng mặt khác, trên phương diện uy tín quốc gia, Hàn Quốc vẫn được công ty đánh giá tín nhiệm quốc tế Moody's nâng mức xếp hạng từ Aa3 lên Aa2. Đây là đánh giá tốt nhất của hãng này đối với kinh tế Hàn Quốc từ trước tới nay. Mức Aa2 cũng là mức xếp hạng tín nhiệm cao thứ ba trong tổng số 21 bậc xếp hạng của Moody's. Điều đó là minh chứng cho thấy sự vững chắc của nền kinh tế Hàn Quốc. Và cũng trong những ngày cuối năm nay, FTA song phương với Trung Quốc, Việt Nam và New Zealand cùng chính thức có hiệu lực đã mở rộng lãnh thổ kinh tế của Hàn Quốc ra tới 73,5% thị trường thế giới. Thêm vào đó, Chính phủ Hàn Quốc vẫn không ngừng tìm kiếm cơ hội, ví dụ như thông qua các cuộc gặp thượng đỉnh với lãnh đạo nước Mỹ, Trung Quốc và các nền kinh tế hàng đầu khác, để giữ vững và nâng cao vị thế của Hàn Quốc trên trường quốc tế. Trong số đó, Hội nghị thượng đỉnh giữa Hàn Quốc và Nhật Bản diễn ra trong tháng 11 vừa qua đã tạo ra bước đột phá để tìm kiếm giải pháp cho các tranh chấp lịch sử giữa hai nước, đặc biệt là vấn đề phụ nữ bị ép mua vui cho lính Nhật trong Thế chiến II. Kết thúc năm 2015, năm kỷ niệm 70 năm ngày đất nước giành được độc lập, người dân Hàn Quốc lại một lần nữa ngập tràn háo hức hướng về một tương lai với những kỳ tích mới.

[Hướng tới phát triển bền vững]

Hàn Quốc đã tiến một chặng đường dài vững chắc kể từ khi giành được độc lập vào năm 1945. Trong hơn bảy thập kỷ qua, đất nước đã đối mặt với rất nhiều khó khăn từ thiên tai đến chiến tranh, căng thẳng liên Triều, rồi cuộc khủng hoảng tài chính. Nhưng với tinh thần đoàn kết quyết tâm cao độ, không bao giờ lùi bước, người dân Hàn Quốc đã vượt qua tất cả những thử thách đó để kiến tạo nên một quốc gia thịnh vượng và hy vọng về tương lai bền vững. “Tôi mong rằng hệ thống giáo dục của chúng ta sẽ ngày càng được cải cách theo chiều hướng cởi mở, tự do hơn. Đầu tư vào thế hệ trẻ chính là đầu tư vào tương lai đất nước. Tôi cũng mong Hàn Quốc sẽ trở thành một quốc gia đa dạng, đa văn hóa. Tôi thì mong muốn có cuộc sống thư thái, chậm rãi hơn chút, không phải đua tranh quá gay gắt. Tôi muốn nhìn thấy người Hàn Quốc thay vì cạnh tranh lẫn nhau thì sẽ giúp đỡ, bao dung và đối đãi với nhau tử tế hơn, đưa đất nước phát triển bền vững hơn. Hàn Quốc phải trở thành một quốc gia thống nhất. Khi đó, Hàn Quốc sẽ vươn lên hàng đầu châu Á.”

Lựa chọn của ban biên tập