Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Kim Chang-ha,người nâng cao giá trị của lễ nhạc cung đình thời Joseon

2013-09-05

<strong> Kim Chang-ha,</strong>người nâng cao giá trị của lễ nhạc cung đình thời Joseon
Kim Chang-ha, nghệ sĩ nổi tiếng của ca múa cung đình
Có thể nói Joseon là thời kỳ mà tư tưởng "lễ" lấy Nho giáo làm nền tảng rất phát triển, được coi là tư tưởng chủ đạo trong mọi hoạt động. Theo đó, khi "lễ" được đưa vào nhạc thì lễ nhạc cũng trở nên được coi trọng hơn. Cùng với lễ nhạc, một hình thức nghệ thuật khác cũng rất phát triển vào thời Joseon, đó là nghệ thuật ca múa cung đình Jeongjae. Jeongjae nguyên theo tiếng Hán là "trình tài" có nghĩa là việc trình diễn tài năng nghệ thuật, biểu diễn cống hiến cho các bậc quân vương hay người trong hoàng thất xem. Dần dần theo tháng ngày, Jeongjae đã trở thành một đại từ thay cho cách gọi của ca múa nhạc cung đình, biểu diễn mỗi khi có lễ hội trong hoàng cung. Thuật ngữ này, chính xác mà nói, đã xuất hiện và trở nên thông dụng phổ biến từ thời Joseon.
Khi nói về quá trình phát triển vượt bậc, nắm giữ vị trí quan trọng của nghệ thuật Jeongjae thời Joseon, không thể không nhắc đến một nhân vật nổi tiếng, người đã cống hiến công lao to lớn cho loại hình nghệ thuật này. Đó chính là Kim Chang-ha, nghệ nhân nổi tiếng từng sáng tác ra rất nhiều tác phẩm nghệ thuật Jeongjae.

Giúp thế tử Hyomyeong sáng tạo nên nghệ thuật múa cung đình
Thời điểm Kim Chang-ha ra đời chưa ai biết rõ, chỉ biết là ông sinh ra trong một gia đình nổi tiếng hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc truyền thống ở Seoul. Ông là con trai của Kim Dae-geon, một nhạc sĩ về âm nhạc truyền thống dưới thời vua Jeongjo (Chính Tổ, vua đời thứ 22 của Joseon) và đồng thời còn là chú của Kim Jong-nam một danh nhân nổi tiếng về đàn Gayageum dưới thời các vua Cheoljong và vua Gojong (vua đời thứ 25 và 26 của Joseon).
Kim Chang-ha từng làm chức Điển Nhạc, một chức quan lục phẩm phụ trách các việc diễn tấu âm nhạc tại Jangakwon (Trưởng nhạc viện), một cơ quan quản lý về âm nhạc trong cung đình. Lúc này, thế tử Hyomyeong (Hiếu Minh) đã để mắt tới Kim Chang-ha bởi kiến thức tuyệt vời của ông trong sáng tác thể loại Jeongjae. Chính thế tử là người đã đứng ra tổ chức một ban nhạc riêng trong cung đình vào và giao công tác phụ trách cho Kim Chang-ha.
Nguyên thế tử Hyomyeong là người rất hiếu thảo với vua Sunjo (Thuần Tổ, vua đời thứ 23 của Joseon), cha của ông. Mỗi khi trong cung có yến tiệc, để vua cha được vui, thế tử lại cho Kim Chang-ha sáng tác ra nhiều tác phẩm ca múa chúc tụng. Nhờ vậy, Kim Chang-ha đã sáng tác ra được nhiều tác phẩm thuộc thể loại ca múa nhạc truyền thống Hàn Quốc Hyangak Jeongjae (Hương nhạc trình tài) và cho biểu diễn mô phỏng lại hình thức ca múa nhạc Dangak Jeongjae (Đường nhạc trình tài) mượn từ Trung Quốc.
Ca múa Hyangak Jeongjae là nghệ thuật được truyền lại từ thời Silla, là hình thức ca múa vốn có trong cung đình, người biểu diễn vừa múa theo nhịp điệu của Hyangak (Hương nhạc) vừa hát lời bằng tiếng Hàn, có màn chào trước và sau khi trình diễn một cách rất tự nhiên.
Bên cạnh đó, Dangak Jeongjae là hình thức ca múa nghệ thuật trong cung của Trung Quốc du nhập vào Hàn Quốc và được biểu diễn trong những dịp yến tiệc của cung đình. Nhạc được sử dụng trong nghệ thuật ca múa này là Dangak (Đường nhạc), khi bắt đầu biểu diễn, vũ công bước ra sân khấu, đồng thời sẽ có 2 người cầm 2 thanh tre dài vào theo, báo hiệu việc mở màn.

Nhấn mạnh tính nghệ thuật và đưa tình cảm dân tộc vào ca múa nhạc
Kim Chang-ha đã để lại 22 tác phẩm ca múa Jeongjae. Trong đó có một số tác phẩm tiêu biểu như: "Giai nhân tiễn mục đan", "Bảo tương vũ", "Xuân oanh chuyển", "Trường sinh bảo yến chi"...
Nghệ thuật ca múa Jeongjae, về cơ bản coi trọng phép tắc và trật tự dựa trên tư tưởng Nho giáo, cho nên hạn chế tối đa tình cảm hay biểu hiện mang tính cá nhân của người biểu diễn. Tuy Kim Chang-ha sáng tác ra các tác phẩm ca múa nhạc Hyangak Jeongjae và Dangak Jeongjae nhưng khi xem tác phẩm của ông người ta sẽ thấy trọng tâm được đặt vào kết cấu bên trong chứ không phải ở bên ngoài của vũ điệu. Nói một cách khác, tác phẩm nghệ thuật của ông nhấn mạnh vào tính nghệ thuật, làm sống lại những tình cảm của dân tộc. Đặc biệt "Xuân Oanh chuyển" được đánh giá là tác phẩm múa độc diễn với kỹ thuật vũ đạo tinh tế, động tác hết sức tao nhã và đẹp. Hiện nay 2 tác phẩm tiêu biểu "Xử Dung Vũ", "Hạc Liên Hoa Đài" của Kim Chang-ha đều đã được chỉ định là tài sản văn hóa phi vật thể.

Tạo nên thời hoàng kim của nghệ thuật ca múa Jeongjae
Kim Chang-ha là một nhà nghiên cứu vũ đạo, một nhạc sĩ nổi tiếng thời Joseon. Ông chính là nghệ sĩ đã tập hợp, hoàn thiện nghệ thuật múa cung đình, đem lại thời hoàng kim cho thể loại nghệ thuật ca múa Jeongjae.
Mối quan hệ của thế tử Hyomyeong và nghệ sĩ Kim Chang-ha có thể ví như mối quan hệ giữa vua Sejong, người đã có công phát triển nhã nhạc giai đoạn đầu thời Joseon và nhạc sĩ nổi danh Park Yeon. Họ chính là những người đóng vai trò quan trọng có tính quyết định trong việc tạo nên thời hoàng kim của thể loại nghệ thuật Jeongjae cuối thời Joseon.
Cũng giống như những đóng góp, cống hiến cho nhạc truyền thống Hàn Quốc của vua Sejong và nhạc sĩ Park Yeon, thế tử Hyomyeong và biên đạo múa tài năng xuất chúng Kim Chang-ha là những người đã phát triển thành công 2 thể loại Dangak Jeongjae và Hyangak Jeongjae. Họ được đánh giá là những người có công chăm chút cho đặc điểm tình cảm vốn có của dân tộc Hàn ở nội dung bên trong chứ không chỉ dừng lại ở hình thức bề ngoài của vũ đạo. Họ đã có công sáng tạo ra tới 22 loại tác phẩm nghệ thuật có những điệu múa tao nhã, đặc sắc, dù trong bối cảnh cuối thời Joseon đất nước đang đối mặt với tình cảnh hết sức ảm đạm, khó khăn.


Lựa chọn của ban biên tập