Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Shin Don, nhà cải cách hay yêu tăng?

2013-09-12

<strong>Shin Don,</strong> nhà cải cách hay yêu tăng?
Nhà cải cách hay yêu tăng? những đánh giá trái chiều của lịch sử
Sau giai đoạn trung kỳ thời Goryeo, thế lực quý tộc trong xã hội bằng mọi cách đã chiếm lấy đất đai của nông dân, thậm chí nhiều trường hợp còn biến người nông dân mất đất trở thành nô lệ cho mình. Vì vậy, thời kỳ này đã xuất hiện "Điền dân Biện chỉnh Đô giám", một cơ quan của triều đình nhằm chấn chỉnh lại tình trạng lộn xộn bấy giờ.
"Điền dân Biện chỉnh Đô giám" xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1269, sau đó trải qua thăng trầm, nhiều lần được bỏ đi rồi thiết lập lại. Tuy nhiên, cơ quan này đóng vai trò quan trọng đặc biệt hơn cả là vào thời điểm năm 1366, dưới sự cai trị của vua Gongmin (Cung Mẫn Vương, vua đời thứ 31 của Goryeo). Thời điểm này ghi lại dấu ấn của một nhân vật đã dựa vào "Điền dân Biện chỉnh Đô giám" để xúc tiến cải cách và được nhiều người biết tới. Đó chính là Shin Don, người xuất thân từ một nhà sư nhưng được vua tin dùng mà nắm tất cả quyền lực trong tay. Đánh giá về nhân vật này, sử học Hàn Quốc một mặt cho ông là nhà cải cách, cách mạng nhưng một mặt cũng coi ông là "yêu tăng hủ bại", đầy quyền lực và tham vọng.

Vị sư xuất hiện trong mơ của vua Gongmin, người cứu giúp nông dân
Shin Don được sinh ra từ một người mẹ vốn làm công việc lặt vặt ở chùa. Từ bé ông đã không có cha, lớn lên dưới bàn tay chăm sóc của mẹ và quy y cửa Phật một cách tự nhiên với pháp danh là "Biến Chiếu".
Shin Don lớn lên trong chùa nhưng vào năm 1358 ông đã có cơ hội lần đầu tiên được diện kiến nhà vua. Lúc này vua Gongmin đang có những động thái khiến tầng lớp quý tộc thất vọng trong khi quyền lực lại tập trung chủ yếu vào tay họ. Vì thế vua cũng đang có chủ ý tìm ra một nhân vật mới để thay mình thực hiện cải cách.
Nguyên một ngày vua Gongmin ngủ mơ. Trong mơ, vua thấy có người muốn giết mình nhưng may mắn lại được một nhà sư đi ngang qua cứu giúp. Sau giấc mơ chẳng bao lâu, tình cờ gặp được Shin Don, vua nhận thấy ông giống với nhà sư ở trong mơ nên từ đó thường xuyên gặp gỡ và tin dùng. Nhờ đó, Shin Don được ban hiệu là "Thanh Nhàn cư sĩ" và chính thức tham gia vào các chuyện quốc chính, đưa ra quyết tâm cải cách, cải tổ xã hội hủ bại.
Tư tưởng chính trị của Shin Don là "chính trị dân sinh". Ông đã thiết lập lại bộ máy "Điền dân Biện chỉnh Đô giám" của các đời vua trước và tiến hành cải cách chế độ nô lệ, cũng như chế độ ruộng đất. Ông thi hành các điều luật nhằm trả lại cho nông dân ruộng đất bị quý tộc chiếm đoạt, đáp ứng nguyện vọng được làm lương dân của nô lệ và và các tầng lớp thấp kém trong xã hội. Vì thế, ông được nông dân và nô lệ hết lòng ca ngợi, gọi ông là "thánh nhân" hay "nhà cải cách vĩ đại" v.v...

Được vua tín nhiệm nên sinh nhiều tham vọng
Trong "Sử Goryeo" (Cao Ly sử), bộ sách về lịch sử của thời Goryeo, Shin Don bị đánh giá là một yêu tăng. Sách ghi chép rằng nhân vật này lời ăn tiếng nói giả bộ thánh nhân nhưng hay phỉ báng và làm hại người khác, đồng thời lại thường dụ dỗ đàn bà con gái để quan hệ bất chính... Sách sử còn miêu tả ông như một nhân vật hai mặt, đứng trước vua Gongmin lại luôn cho thấy một bộ mặt hoàn toàn khác.
Shin Don được vua Gongmin tín nhiệm nên không bao giờ e dè, lo ngại trong mọi hành động, vì thế các quý tộc đã lên kế hoạch loại bỏ ông. Song, dù họ có can gián, khuyên vua tránh xa Shin Don thế nào đi chăng nữa vua cũng vẫn luôn ủng hộ ông.
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa vua Gongmin và Shin Don bắt đầu sụp đổ dần kể từ sau khi Shin Don khuyên vua dời đô đi chỗ khác. Vua cảm thấy dã tâm ngày càng lớn của Shin Don và đã giữ khoảng cách với ông. Được biết, sau này Shin Don bị kết tội mưu phản, đày đi nơi khác và rồi bị chém đầu.

Nhà cải cách của Goryeo bị coi là yêu tăng
Dưới thời vua Gongmin triều Goryeo, Shin Don nắm quyền hành chỉ trong 6 năm ngắn ngủi. Ông bị sử sách đánh giá là thiếu tư chất làm chính trị, bản thân địa vị về chính trị mà ông có được cũng không phải là chính thống, nó chỉ dựa vào sự tín nhiệm của vua Gongmin. Tuy nhiên, những việc làm thực tế khi ông nắm quyền như lập lại "Điền dân Biện chỉnh Đô giám", trả lại ruộng đất quý tộc cướp cho nông dân hoặc dựa vào cơ quan giáo dục như Sunggyungwan để chọn ra nhân tài trẻ tuổi làm chính trị v.v... là những hành động mang tính tích cực, không thể phủ nhận. Những công việc này rõ ràng đều là trọng yếu và phải có ai đó đứng ra thực hiện trong lịch sử.

Lựa chọn của ban biên tập