Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Shin Han-pyeong - Người họa sĩ thổi hồn vào màu vẽ

2013-10-10

<strong>Shin Han-pyeong</strong> - Người họa sĩ thổi hồn vào màu vẽ
Shin Han-pyeong, thân sinh của họa sĩ thiên tài Shin Yun-bok
Dưới triều đại Joseon, có một cơ quan riêng phụ trách về hội họa, được gọi là Đồ họa viện. Đây là nơi tập trung những họa sĩ hàng đầu vào thời đó, gọi là những “họa viên”. Những họa viên này sẽ vẽ những bức tranh theo yêu cầu của nhà nước hoặc hình minh họa cho các tư liệu của hoàng gia. Một trong những họa viên nổi tiếng nhất thời đó là Shin Yun-bok, người được biết đến với những tác phẩm như "Mỹ nhân đồ" và các bức tranh Phong tục họa (tranh miêu tả cảnh sinh hoạt đời thường). Những bức tranh của Shin Yun-bok thường xoay quanh cuộc sống hàng ngày của tầng lớp thượng lưu hoặc các kỹ nữ, và cho đến giờ vẫn được đông đảo người yêu hội họa hâm mộ bởi sự hài hòa và ấm áp trong từng nét vẽ.
Bên cạnh đó, những ai quan tâm đến cuộc đời và sự nghiệp của Shin Yun-bok hẳn cũng sẽ lưu ý đến một nhân vật khác, một họa sĩ rất xuất sắc với mảng tranh chân dung và tranh Phong tục họa miêu tả cuộc sống thường ngày. Ông chính là Shin Han-pyeong, người nổi tiếng cùng thời với những tên tuổi như Jeong Seon, Kim Hong-do, và là thân sinh của họa sĩ Shin Yun-bok.

Họa sĩ 3 lần được mời vẽ chân dung nhà vua
Những thành viên trong gia đình Shin Han-pyeong đều có tài năng về mặt hội họa. Trong đó, con trai ông - họa sĩ Shin Yun-bok - là một ví dụ điển hình. Shin Han-pyeong cũng không phải là ngoại lệ. Tương truyền rằng, từ khi còn nhỏ, được chứng kiến người bác của mình vẽ tranh, Shin Han-pyeong đã bắt đầu đam mê và quyết tâm theo đuổi môn nghệ thuật ngày.
Sau này, khi đã thành tài, Shin từng 3 lần được mời vẽ tranh chân dung của nhà vua. Vào thời điểm đó, những bức vẽ nhà vua còn được gọi là “ngự tiến” và chỉ có những họa viên được trọng vọng nhất thời đó mới được phép vẽ những bức ngự tiến này. Theo Biên niên sử về triều vua Jeongjo (Chính Tổ thực lục), nhà vua yêu cầu cứ 10 năm 1 lần vẽ tranh chân dung về mình và họa sĩ Shin Han-pyeong là người được giao phụ trách nhiệm vụ này, với sự tham gia của họa sĩ nổi tiếng Kim Hong-do.

“Từ mẫu dục nhi” (Mẹ cho con bú) - Bức vẽ duy nhất còn lưu lại của Shin Han-peyong
Những bức vẽ của Shin Han-pyeong còn lưu lại đến ngày nay không nhiều nhưng đều được xem như những kiệt tác, có thể kể ra như “Từ mẫu dục nhi”, “Mặc mẫu đan đồ”, “Vũ cảnh sơn thủy đồ”. Trong đó, nổi tiếng nhất là bức họa “Từ mẫu dục nhi” vẽ người mẹ đang âu yếm cho con bú. Đây cũng là bức vẽ thuộc thể loại Phong tục họa duy nhất còn lưu lại của ông. Sau khi thẩm định kích thước và dấu vết còn lưu lại giữa bức tranh, các chuyên gia cho rằng bản vẽ này có thể đã được tách ra từ một cuốn sách tranh tập hợp tranh Phong tục họa của Shin.
Trong bức vẽ “Từ mẫu dục nhi”, tác giả đã lược bỏ hầu hết các chi tiết phần nền tranh để chỉ tập trung vào mô tả nhân vật. Tuy vậy, tư thế và biểu cảm của nhân vật cũng đủ để thu hút con mắt người xem. Nhân vật chính của bức vẽ này là người mẹ với 3 đứa con, hai đứa con lớn hai bên và đứa con út được bồng trên tay, đang bú mẹ ngon lành. Cô con gái ngồi dịu dàng bên phải người mẹ và cậu con trai lớn thì đứng bên trái, đang dụi dụi mắt như dỗi vì mẹ chỉ chăm cho em út. Thực tế thì Shin có hai con trai và một con gái, cho nên một số nhà phê bình cho rằng những người trong bức tranh chính là các thành viên của gia đình ông. Nếu dự đoán này chính xác, thì cậu bé đang dụi dụi mắt trong bức tranh không ai khác chính là thiên tài hội họa Shin Yun-bok, người được biết đến với tên hiệu Hyewon (Huệ viên). Tường truyền rằng Shin Yun-bok ra đời năm Shin Han-pyeong đã 33 tuổi.

Người con trai Shin Yun-bok - Kiệt tác vĩ đại nhất của Shin Han-pyeong
Rõ ràng, Shin Han-pyeong ít nổi tiếng hơn con trai của ông là Shin Yun-bok, nhưng điều đáng nói là ông đã trung thành với con đường của một họa sĩ cho đến cuối đời. Trong hơn 30 năm, ông đã vẽ những bức tranh khác nhau liên quan đến các sự kiện của hoàng gia và chân dung nhà vua được lưu lại tại Đồ họa viện. Ông cũng là một họa sĩ rất thích thể loại phong tục họa và tranh vẽ thiên nhiên. Có thể thấy, tranh của Shin tập trung nhiều vào sự phối hợp của màu sắc hơn là đối tượng và tình huống trong tranh. Đặc biệt, màu sắc chính là thứ thể hiện rõ nhất tài năng tuyệt vời của ông. Người ta nói rằng Shin là người phụ trách chính về màu khi vẽ chân dung của nhà vua. Rõ ràng, tài năng đó của ông đã ảnh hưởng lớn đến con trai ông - Shin Yun-bok, người nổi tiếng là sử dụng màu sắc tinh tế. Nói cách khác, chính việc được nuôi dưỡng trong một gia đình với người cha tài hoa như vậy đã là nền tảng vững chắc cho sự ra đời của bậc thầy hội họa Shin Yun-bok sau này.

Lựa chọn của ban biên tập