Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Lee Eui-gyeong, nhà văn Hàn Quốc trên nước Đức

2013-10-24

<strong>Lee Eui-gyeong,</strong> nhà văn Hàn Quốc trên nước Đức
Mirok Li – Nhà văn Hàn Quốc yên nghỉ trên nước Đức
Tại khu nghĩa trang chung Gräfelfinger ở thành phố Munich (Đức) có một ngôi mộ rất đặc biệt. Mặt trước của ngôi mộ được khắc chữ bằng tiếng Đức, nhưng mặt sau lại khắc chữ tiếng Hàn. Đó chính là ngôi mộ của nhà văn Hàn Quốc Lee Mi-reuk, còn được biết đến ở Đức với cái tên Mirok Li.

Mirok Li thu hút sự chú ý của cộng đồng văn học Đức với cuốn tiểu thuyết xuất bản năm 1946 có tựa đề: “Sông Apnok (Áp Lục) vẫn chảy”. Cuốn tiểu thuyết dạng tự truyện này được tác giả viết trong khoảng 10 năm kể từ giữa những năm 1930. Ngay sau khi xuất bản, “Sông Apnok vẫn chảy” đã gây xôn xao văn đàn Đức và được chọn là tiểu thuyết viết bằng tiếng Đức xuất sắc nhất. Sau đó, cuốn sách đã được dịch sang cả tiếng Anh và tiếng Hàn. Nhờ đó, cái tên Mirok Li nhanh chóng trở nên nổi tiếng, đến mức một phụ nữ Đức đã để lại di chúc trước khi chết “mong được chôn cất bên cạnh tiến sĩ Mirok Li”. Một phần của cuốn tiểu thuyết “Sông Apnok vẫn chảy” thậm chí còn xuất hiện trong sách giáo khoa tiếng Đức dành cho thanh thiếu niên.
Cho đến bây giờ, có thể nói, Mirok Li là nhà văn Hàn Quốc duy nhất viết sách bằng tiếng Đức và đạt được vinh quang như vậy. Ông sinh năm 1899 tại thành phố Haeju, tỉnh Hwanghae (thuộc Bắc Triều Tiên bây giờ). Vậy vì sao nhà văn này lại qua đời và được chôn cất tại thành phố Munich của Đức?

Rời quê hương sau Phong trào Độc lập
Mirok Li tên thật là Lee Eui-gyeong, bút danh là Mireuk, cái tên được mẹ ông đặt cho từ thời thơ ấu. Ông sinh ra trong một gia đình tương đối khá giả ở thành phố Haeju, thuộc tỉnh Hwanghae. Lee Eui-gyeong đã tham gia tích cực vào Phong trào độc lập 1/3 chống lại ách cai trị của thực dân Nhật Bản diễn ra trong năm 1919. Vào thời điểm đó, ông đang là một sinh viên của trường Đại học Y tế Kyungsung ở Seoul. Chính Lee Eui-gyeong đã trực tiếp rải truyền đơn chống Nhật và lãnh đạo phong trào đấu tranh của sinh viên. Khi bị phát giác và bị cảnh sát Nhật truy đuổi, ông đã chọn con đường tị nạn ra nước ngoài. Ông vượt qua sông Apnok và đi đến Thượng Hải (Trung Quốc) để hỗ trợ cho Chính phủ lâm thời của Hàn Quốc trước khi đến Đức .
Lee Eui-gyeong bắt đầu sống ở Đức từ năm 1920. Ông lại tiếp tục đi học và nghiên cứu Y khoa tại trường đại học Würzburg từ tháng 3 năm 1921 nhưng sau đó phải bỏ dở vì vấn đề sức khỏe. Sau đó, ông chuyển sang học chuyên ngành Động vật học ở Đại học Heidelberg vào năm 1923, và chuyên ngành Triết học ở Đại học Munich từ năm 1925. Ông nhận học vị tiến sĩ vào năm 1928.

An ủi trái tim những người Đức trong thời kỳ hậu phát xít
Lee Eui-gyeong bắt đầu sự nghiệp văn học của mình với tác phẩm “Thiên sứ của trời” được đăng tải trên tạp chí văn học Die Dame của Đức vào tháng 1 năm 1931. Hầu hết các tác phẩm của ông đều mang màu sắc dân tộc rất rõ, với bối cảnh chính là Hàn Quốc và chủ đề xoay quanh văn hóa, truyền thống và phong tục tập quán của phương Đông. Vào năm 1946, cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của ông - “Sông Apnok vẫn chảy” được xuất bản bằng tiếng Đức và nhanh chóng trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất. Sau đó, một tờ báo ở châu Âu đã thực hiện đánh giá nội dung 100 cuốn sách và kết quả là “Sông Apnok vẫn chảy” đã được chọn là “Cuốn sách viết bằng tiếng Đức xuất sắc nhất trong năm”. Ấn bản đầu tiên của cuốn sách được bán sạch và cái tên Mirok Li chính thức nổi lên trên văn đàn Đức.
Thời điểm xuất bản cuốn sách trên là thời kỳ chế độ phát xít Hitler đã chấm dứt cùng với sự thất bại của quân đội Đức trong Chiến tranh thế giới II. Đó là thời kỳ người dân Đức mang tâm trạng tuyệt vọng giữa đống đổ nát hoang tàn thời kỳ hậu chiến. Chính bởi vậy, giọng văn ấm áp, khiêm nhường và đơn giản của Mirok Li đã đem đến nguồn an ủi lớn cho tâm hồn họ. Thậm chí cho đến ngày nay, những tác phẩm của Lee Mi-reuk vẫn được ca ngợi là đã làm nên kỳ tích khi truyền cảm hứng, khao khát, giúp những linh hồn thuần khiết khôi phục lại lý tưởng và niềm tin. Độc giả Đức nhớ đến nhà văn như con người của tự do tuyệt đối, người chỉ sống và thở bầu không khí của “tinh thần”. Ngoài tác phẩm tiêu biểu là “Sông Apnok vẫn chảy”, Lee Eui- Gyeong còn để lại nhiều tác phẩm văn học xuất sắc khác, trong đó có “Một người tốt bụng”, “Kẻ mất tích”, “Thổ ngữ kỳ lạ” .v.v.

Vĩnh viễn nằm lại nơi đất khách
Ngoài các hoạt động văn học, Lee Eui-gyeong còn tham gia giảng dạy về Hán học và văn học Hàn Quốc tại Đại học Munich. Ông đã có công lớn trong việc đào tạo nhiều học giả nghiên cứu về văn hóa phương Đông tại Đức. Ngoài ra, ông cũng góp phần lớn trong việc quảng bá văn hóa Hàn Quốc tại Đức. Có thể nói, trí thông minh tuyệt vời và tài năng văn học của ông đã thực sự được công nhận ở nơi đất khách và trở thành niềm tự hào của người Hàn Quốc. Nhưng điều đáng tiếc là ông đã không thể quay trở lại quê hương trong suốt phần đời còn lại của mình.
Lee Eui-gyeong qua đời vì ung thư dạ dày ở Đức, chỉ ba tháng trước khi Chiến tranh Triều Tiên nổ ra vào năm 1950. Khoảng 10 năm sau đó, tác phẩm của ông mới chính thức được dịch sang tiếng Hàn để tiếp cận với độc giả nơi quê nhà của ông.

Lựa chọn của ban biên tập