Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Thông qua nghị quyết nhân quyền Bắc Triều Tiên năm thứ 14 liên tiếp

2018-12-18

Tin tức

Thông qua nghị quyết nhân quyền Bắc Triều Tiên năm thứ 14 liên tiếp

Liên hợp quốc thông qua nghị quyết nhân quyền miền Bắc

Liên hợp quốc ngày 17/12 đã mở cuộc họp toàn thể, thông qua nghị quyết nhân quyền Bắc Triêu Tiên bằng sự đồng thuận của tất cả các nước thành viên, mà không cần biểu quyết. Nội dung của nghị quyết lần này gần như tương đồng với nghị quyết được thông qua năm ngoái. Đây là lần thứ 5, nghị quyết nhân quyền miền Bắc được Liên hợp quốc thông qua với sự nhất trí của toàn bộ các nước thành viên mà không cần biểu quyết. Điều này cho thấy, việc phản ánh tiêu cực về tình hình nhân quyền của Bắc Triều Tiên đang ngày càng lan rộng trong cộng đồng quốc tế.


Nghị quyết nhân quyền miền Bắc lần này đề cập và bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về các hành vi xâm hại nhân quyền như tra tấn, tử hình công khai, cưỡng chế lao động. Nghị quyết khuyến cáo khởi tố vấn đề này lên Tòa án hình sự quốc tế, đề nghị xử phạt “người có trách nhiệm cao nhất” và tầng lớp lãnh đạo của Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, khác với các lần trước, nghị quyết lần này còn có nội dung bày tỏ sự hoan nghênh cục diện đối thoại được lan tỏa trên bán đảo Hàn Quốc. Ngoài ra, dự thảo nghị quyết cũng yêu cầu Hội đồng bảo an Liên hợp quốc tiếp tục thảo luận, phân tích tình hình nhân quyền của miền Bắc.


Tình hình thảo luận vấn đề nhân quyền của Hội đồng bảo an

Bất chấp những khuyến nghị đưa ra, lần này, việc thảo luận về vấn đề nhân quyền miền Bắc đã không được tiến hành tại Hội đồng bảo an, cho dù công tác này đã được thực hiện liên tiếp trong 4 năm qua. Nguyên nhân là do Mỹ đã rút lại yêu cầu thảo luận, sau khi chỉ nhận được 8 lá phiếu ủng hộ trong quá trình bỏ phiếu cho cuộc thảo luận. Bởi nếu muốn đưa một vấn đề nào đó trở thành chủ đề thảo luận của Hội đồng bảo an thì cần phải đảm bảo được 9 số phiếu tán thành trong số 15 nước thành viên.

Kể từ năm 2014, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc vẫn tổ chức các cuộc thảo luận về vấn đề nhân quyền Bắc Triều Tiên trước hoặc sau ngày ra Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền 10/12. Thảo luận của Hội đồng bảo an là nhằm mục đích gây áp lực để cải thiện vấn đề nhân quyền miền Bắc bằng cách cho nước này cảm thấy “hổ thẹn” với hành vi đã thực hiện. Trong thời gian qua, dù hai nước thành viên thường trực là Trung Quốc và Nga luôn phản đối, nhưng thảo luận về vấn đề này vẫn được tiến hành thành công. Tuy nhiên, năm nay một số nước mang tư tưởng chống phương Tây trở thành nước thành viên không thường trực, nên đã tạo ra một phe “phản đối”. Những thay đổi cơ cấu này trong Hội đồng bảo an còn được dự báo sẽ gây ảnh hưởng đến bầu không khí đối thoại xung quanh bán đảo Hàn Quốc.


Lập trường của Mỹ

Liên quan đến vấn đề này, nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại rằng Washington có thể đã giảm bớt mối quan tâm đến vấn đề nhân quyền Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, Mỹ nhấn mạnh rằng đây chỉ là “sự thất bại mang tính chức năng”, chứ nước này hoàn toàn không phản đối việc thảo luận vấn đề nhân quyền miền Bắc. Nếu thành phần các nước thành viên của Hội đồng bảo an thay đổi trong năm sau, thì cuộc thảo luận về vấn đề nhân quyền Bắc Triều Tiên sẽ được nối lại. Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định sẽ tiếp tục gây áp lực để buộc chính quyền miền Bắc phải tôn trọng nhân quyền. Trên thực tế, gần đây, Washington đã đưa người nắm giữ quyền lực lớn thứ hai của Bắc Triều Tiên là Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương đảng Lao động Choe Ryong-hae, vào danh sách đen trừng phạt vì vấn đề nhân quyền. Cho đến nay, Mỹ đã 4 lần tiến hành trừng phạt miền Bắc về vấn đề nhân quyền, đưa 32 cá nhân gồm cả Chủ tịch ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un, và 13 cơ quan, vào danh sách cấm vận về nhân quyền.

Lựa chọn của ban biên tập