Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai rất có thể diễn ra ở Việt Nam 

2019-01-14

Tin tức

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai rất có thể diễn ra ở Việt Nam 

Hiện có nhiều phân tích cho rằng Việt Nam là nơi phù hợp để tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai sắp tới, cả về khía cạnh thực tế lẫn về mặt biểu tượng.


Thuận lợi về an ninh và di chuyển

Đầu tiên, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ miền Bắc Kim Jong-un có thể bay thẳng đến Việt Nam bằng chuyên cơ Chammae-1. Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề xuất tổ chức cuộc họp thượng đỉnh với Bắc Triều Tiên tại Việt Nam với lý do thuận lợi về việc di chuyển bằng đường hàng không. Việt Nam cũng là nơi có điều kiện lý tưởng về mặt an ninh và nghi lễ ngoại giao. Bởi đây là nước vẫn duy trì được thể chế chính trị ổn định, nên có thể dễ dàng kiểm soát mọi hoạt động cũng như các thông tin nhạy cảm. Quốc gia Đông Nam Á này còn được cộng đồng quốc tế công nhận về năng lực bảo vệ an ninh cho các nguyên thủ, lãnh đạo cấp cao nước ngoài. Việt Nam đã từng tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vào năm 2017.

Hơn nữa, Việt Nam đang duy trì mối quan hệ khá tốt đẹp với cả Mỹ và Bắc Triều Tiên, nên có thể đóng vai trò “trung lập”. Mỹ và miền Bắc đều đặt đại sứ quán tại Việt Nam, do đó có thể thuận tiện để hỗ trợ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều. Bên cạnh đó, thông qua nhiều kênh khác nhau, Việt Nam cũng từng bày tỏ với Mỹ, Bắc Triều Tiên, cũng như Hàn Quốc về mong muốn đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều.


Mỹ và miền Bắc đều quan tâm tới chính sách “Đổi mới” của Việt Nam

Về khía cạnh mang tính biểu tượng, Việt Nam đang xúc tiến, theo đuổi chính sách cải cách, mở cửa mang tên “Đổi mới”, chính sách mà cả Washington và Bình Nhưỡng đều đang hết sức quan tâm. Vào tháng 7 năm ngoái, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã từng dẫn chứng Việt Nam làm “mô hình mẫu” cho miền Bắc. Theo ông Pompeo, Tổng thống Donald Trump nhận định nếu Chủ tịch Kim Jong-un nắm bắt được cơ hội, thì có thể đi theo con đường của Việt Nam, xây dựng mối quan hệ ngoại giao bình thường với Mỹ và phát triển thịnh vượng.

Bắc Triều Tiên cũng có vẻ như đang tập trung nghiên cứu chính sách “Đổi mới” của Việt Nam. Minh chứng điển hình là chuyến thăm chính thức Hà Nội của Ngoại trưởng miền Bắc Ri Yong-ho vào cuối năm 2018. Ông Ri được cho là đã tập trung vào việc tiếp thu bí quyết của chính sách “Đổi mới” như quá trình và thành quả của việc thu hút đầu tư nước ngoài.

Lựa chọn của ban biên tập