Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Đồng minh Hàn-Mỹ vẫn chưa thu hẹp được khoảng cách về mức chia sẻ chi phí quân sự 

2019-01-23

Tin tức

Đồng minh Hàn-Mỹ vẫn chưa thu hẹp được khoảng cách về mức chia sẻ chi phí quân sự 

Vấn đề chia sẻ chi phí quân sự Hàn-Mỹ

Mối quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ đang gặp rào cản lớn bởi vấn đề chia sẻ chi phí quân sự. Mâu thuẫn trọng tâm là quy mô chi phí mà Hàn Quốc phải chia sẻ và thời hạn hiệp định. Hàn Quốc đề xuất mức chia sẻ là 1.000 tỷ won (886,4 triệu USD) với thời hạn ký kết hiệp định trong nhiều năm, trong khi đó Mỹ đề xuất mức chia sẻ là 1 tỷ USD với thời hạn 1 năm. Thời hạn của Hiệp định đặc biệt về chia sẻ chi phí quân sự Hàn-Mỹ (SMA) hiện đã kết thúc vào cuối năm 2018.

Dựa theo hiệp định này, Seoul phải chi trả một phần chi phí cho quân đội Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc. Cụ thể gồm có lương nhân công do quân đội Mỹ tuyển dụng, tiền xây dựng công trình quân sự, củng cố phòng vệ của liên quân và chi phí hỗ trợ quân nhu. Cho đến nay, hiệp định này được ký kết 5 năm một lần, quy định mức chia sẻ chi phí quân sự từng năm, nhưng mỗi năm chi phí sẽ được tăng theo tỷ lệ tăng của giá tiêu dùng của năm trước đó.


Đề xuất của mỗi bên về mức chia sẻ

Đề xuất của Hàn Quốc và Mỹ về mức chia sẻ chi phí quân sự đều có ý nghĩa tượng trưng khá lớn, nên hai bên khó có thể sớm đạt được thỏa thuận về vấn đề này. Xét về mặt tâm lý, đối với Seoul, mức chi trả ở mốc 900 tỷ won (gần 798 triệu USD) và mốc 1.000 tỷ won (886,4 triệu USD) có sự khác biệt nhau khá lớn. Còn đối với Washington, mốc 1 tỷ USD có thể nói là mang ý nghĩa tượng trưng lớn xét về mặt lợi ích quốc gia. Ban đầu, Mỹ đã yêu cầu tăng mức chia sẻ chi phí quân sự cao gấp đôi so với mức chi trả hiện nay lên tới 1,6 tỷ USD, sau đó giảm xuống còn 1,4 tỷ USD và 1,2 tỷ USD. Đến lần đàm phán vào đầu tháng 12 năm ngoái, mức chênh lệch được thu hẹp thêm dưới 100 triệu USD, làm dấy lên kỳ vọng lớn hai bên sẽ đạt được thỏa thuận. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đột xuất yêu cầu tăng mức chia sẻ chi phí quân sự, khiến con số này quay về lại mức 1,2 tỷ USD.


Khó khăn

Dù có sự chênh lệch khá lớn, nhiều ý kiến dự đoán rằng với con số trên, Hàn Quốc và Mỹ vẫn có thể đạt được nhất trí về vấn đề này. Việc Chính phủ Hàn Quốc đã quyết liệt phản đối, khiến Mỹ giảm mức này xuống còn 1 tỷ USD. Điểm khác nhau giữa 1.000 tỷ won (886,4 triệu USD) và 1 tỷ USD xét về tỷ lệ tăng là khoảng 4% và 5%. Đây là mức vẫn có khả năng thỏa hiệp được. Tuy nhiên, vào cuối tháng 12 năm ngoái, Washington đã đề xuất phương án cuối cùng có nội dung là mức chia sẻ 1 tỷ USD, ký kết hiệp định trong một năm. Trong trường hợp này, sau khi kết thúc vòng đàm phán lần này, hai bên phải bắt tay đàm phán ngay hiệp định mới. Có thể nói, chủ trương “nước Mỹ trên hết” đang ngày càng trở nên mạnh mẽ, nên việc Mỹ tăng cường gây áp lực trong năm tới là điều hiển nhiên. Ngoài ra, nếu Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai diễn ra thì ý kiến rút hoặc giảm quân đồn trú Mỹ khỏi Hàn Quốc cũng sẽ dấy lên. Do đó, để duy trì và thắt chặt mối quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ, việc ký kết Hiệp định đặc biệt về chi phí quân sự trong thời hạn một năm là không thỏa đáng.

Lựa chọn của ban biên tập