Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Seoul đề xuất doanh nghiệp Hàn-Nhật cùng góp tiền bồi thường nạn nhân bị cưỡng ép lao động thời chiến

2019-06-19

Tin tức

Seoul đề xuất doanh nghiệp Hàn-Nhật cùng góp tiền bồi thường nạn nhân bị cưỡng ép lao động thời chiến

Đề xuất của Hàn Quốc

Ngày 20/5, Nhật Bản đã yêu cầu thành lập Ủy ban điều đình liên quan đến phán quyết của Tòa án tối cao Hàn Quốc về việc bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động thời đế quốc Nhật chiếm đóng bán đảo Hàn Quốc. Theo quy định về thủ tục giải quyết tranh chấp thuộc Điều 3 Khoản 2 “Hiệp định quyền yêu sách Hàn-Nhật”, ký kết năm 1965, trong vòng 30 ngày sau khi tiếp nhận yêu cầu điều đình từ đối phương, mỗi bên phải bổ nhiệm một ủy viên vào Ủy ban điều đình.

Vào hạn chót ngày 18/6, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã đề xuất với phía Nhật Bản về phương án để doanh nghiệp Hàn-Nhật cùng góp tiền an ủi các nạn nhân bị cưỡng ép lao động thời thực dân Nhật. Đây được xem như là phương án duy trì phán quyết của Tòa án tối cao Hàn Quốc về việc yêu cầu các doanh nghiệp Nhật Bản bồi thường cho các nạn nhân, vốn là một vấn đề trọng tâm khiến mối quan hệ Hàn-Nhật trở nên lạnh nhạt. Quyền đòi bồi thường nói đến việc các nạn nhân bị cưỡng ép lao động thời chiến có thể đòi trả lại khoản tiền lương vẫn chưa nhận được. Trên thực tế, những nạn nhân này đã bị ép lao động khổ sai mà không nhận được bất cứ khoản tiền lương nào vào thời thực dân Nhật chiếm đóng bán đảo Hàn Quốc. Do đó, việc các nạn nhân đòi khoản lương chưa được nhận là hoàn toàn có lý.


Phán quyết của Tòa án tối cao Hàn Quốc

Vào ngày 30/10/2018, Tòa án tối cao Hàn Quốc đã ra phán quyết công nhận trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng ép lao động thời thực dân Nhật thuộc về công ty thép Nippon & kim loại Sumitomo (tiền thân là Công ty thép Nippon). Tòa án yêu cầu doanh nghiệp này đền bù cho mỗi nạn nhân 100 triệu won (gần 85.000 USD). Sau đó một tháng, ngày 29/11, Tòa án tối cao Hàn Quốc tiếp tục ra phán quyết tương tự trong một vụ kiện đòi bồi thường của nạn nhân bị cưỡng ép lao động thời chiến với Công ty công nghiệp nặng Mitshubishi.


Lập trường mâu thuẫn giữa hai bên

Nhật Bản cho rằng dựa theo “Hiệp định về quyền yêu sách Hàn-Nhật” được ký kết năm 1965, việc bồi thường thiệt hại các vấn đề liên quan đến thời thực dân Nhật đô hộ bán đảo Hàn Quốc đã kết thúc. Hiệp định này có nội dung là vấn đề quyền yêu sách giữa hai bên đã được giải quyết bằng việc Tokyo hỗ trợ cho Seoul nguồn vốn phát triển kinh tế. Theo đó, Nhật Bản đã cung cấp số tiền bồi thường 300 triệu USD và cho Hàn Quốc vay 200 triệu USD. Khi đó là thời điểm Hàn Quốc thiếu nguồn vốn, nên toàn bộ 500 triệu USD này được dùng cho việc phát triển kinh tế. Tuy nhiên, phán quyết của Toà án tối cao Hàn Quốc lại khẳng định quyền đòi bồi thường cá nhân của các nạn nhân vẫn còn. Thực tế, các bên liên quan đến vụ kiện đã nhận được thông báo thi hành phán quyết của Tòa án tối cao. Cùng với đó, tòa án phía Hàn Quốc cũng tiến hành tịch thu tài sản trong nước của các doanh nghiệp Nhật Bản liên quan. 


Kỳ vọng

Theo “Hiệp định về quyền yêu sách Hàn-Nhật”, trường hợp nếu một bên nào đó không bổ nhiệm ủy viên ban điều đình, mỗi bên sẽ chỉ định một nước thứ ba đóng vài trò làm Ủy ban điều đình, và thông qua nước thứ ba thành lập Ủy ban điều đình. Nhưng trong trường hợp này, nếu một bên vẫn không chấp thuận thì sẽ không thể thành lập Ủy ban điều đình. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng từng khẳng định sẽ không đồng ý phương án chỉ định một bên thứ ba hòa giải vấn đề này. 

Do đó, đề xuất của Chính phủ Hàn Quốc lần này có thể nói là một phương án xuất sắc để giải quyết vấn đề, hứa hẹn trở thành chiếc chìa khóa để tháo gỡ mối quan hệ lạnh nhạt giữa hai bên. Tuy nhiên, phương án này cũng có thể phá vỡ lập trường hiện tại của Nhật Bản vốn luôn cho rằng với Hiệp định về quyền yêu sách, quyền đòi bồi thường cá nhân đã không còn nữa. 

Lựa chọn của ban biên tập