Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Đàm phán Triều-Mỹ theo cách thức “từ trên xuống” chưa thu được thành quả

2019-10-07

Tin tức

Đàm phán Triều-Mỹ theo cách thức “từ trên xuống” chưa thu được thành quả

Đàm phán cấp chuyên viên Mỹ-Triều thất bại 

Ngày 5/10, Bắc Triều Tiên tuyên bố đàm phán cấp chuyên viên với Mỹ diễn ra cùng ngày tại Thụy Điển đã thất bại ngay khi bắt đầu, đồng thời hối thúc Washington xem xét lại. Có thể nói, nguyên nhân khiến cuộc đàm phán cấp chuyên viên đổ bể là do quan hệ giữa hai nước vẫn còn “thiếu tin tưởng”, cũng như đây là một trong những mặt hạn chế của khung đối thoại “từ trên xuống” (top-down).


Bình Nhưỡng cáo buộc Washington chưa thay đổi thái độ

Hiện tại, chưa xác minh được nội dung bàn thảo trong cuộc đàm phán cấp chuyên viên Mỹ-Triều tại Thụy Điển và lý do sụp đổ. Washington nhấn mạnh rằng đã mang tới một ý tưởng sáng tạo, trong khi Bình Nhưỡng cáo buộc Mỹ không chịu từ bỏ lập trường và thái độ lỗi thời. Có thể đoán là “ý tưởng sáng tạo” của Mỹ nói đến ở đây rõ ràng là liên quan đến biện pháp phi hạt nhân hóa, có thể là một giải pháp từng bước, lùi một bước từ lập trường “thỏa thuận lớn” (Big Deal) trước đây. Trong khi đó, “thái độ cũ” mà Bắc Triều Tiên chỉ trích là liên quan đến lệnh cấm vận Bình Nhưỡng. Như vậy, có lẽ là Washington giữ lập trường dỡ bỏ lệnh cấm vận sau và yêu cầu Bình Nhưỡng thực hiện các bước đi phi hạt nhân hóa trước. 


Thiếu sự tin tưởng lẫn nhau

Trước đó, Bắc Triều Tiên đã thực hiện giải trừ hạt nhân, trong đó có việc tháo dỡ một số cơ sở hạt nhân. Đáp lại, Mỹ đã thu hẹp quy mô cuộc tập trận chung Hàn-Mỹ. Qua đó, hai bên đều khẳng định đã thực hiện các bước đầu tiên của phi hạt nhân hóa và từ bỏ chính sách thù địch Bắc Triều Tiên, đồng thời cũng đang cáo buộc lẫn nhau rằng đối phương không thực hiện các biện pháp tương ứng với hành động nhượng bộ của mình. Mấu chốt để tháo gỡ vấn đề phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên có vẻ như không phải là đã thực sự tiến hành giải trừ hạt nhân hay không, mà rốt cuộc là vấn đề xây dựng sự tin tưởng lẫn nhau. Như vậy, có thể nói Washington và Bình Nhưỡng không đạt được tiến triển nào trong vấn đề then chốt là sự tin cậy. Trên thực tế, sự bất tín giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên còn có những nguyên nhân sâu xa hơn, gốc rễ hơn xuất phát từ cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Trên nguyên tắc, cuộc chiến này vẫn chưa chính thức kết thúc cho đến hiện tại. Năm 1994, Mỹ và Bắc Triều Tiên đã ký thỏa thuận Geneva, nhất trí giảm bớt tình trạng không tin tưởng, như thể vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng sẽ sớm được giải quyết. Nội dung chính của Thỏa thuận Geneva là cộng đồng quốc tế cung cấp dầu nặng và lò phản ứng nước nhẹ do chấp thuận ý kiến của Bắc Triều Tiên là nước này phát triển hạt nhân để lấy năng lượng. Đổi lại, miền Bắc cam kết từ bỏ chương trình hạt nhân. Tuy nhiên, trái với cam kết trên, Bình Nhưỡng tiếp tục bí mật phát triển chương trình vũ khí hạt nhân. Do đó, Mỹ kiên quyết một lần nữa không lần theo vết xe đổ thất bại của Thỏa thuận Geneva, tức Washington nhất quyết duy trì lập trường là Bình Nhưỡng thực hiện phi hạt nhân hóa trước rồi dỡ bỏ lệnh cấm vận sau. Ngược lại, miền Bắc không thể không lo ngại về khả năng thể chế của họ bị sụp đổ sau khi từ bỏ chương trình hạt nhân, tương tự chính quyền của Muammar Gaddafi ở Li-bi. Các quan chức Mỹ theo đường lối cứng rắn với phía miền Bắc, trong đó có cựu Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Bolton, đã nhấn mạnh Bắc Triều Tiên phải đi theo “hình mẫu Li-bi”.


Nghi vấn về khung đối thoại từ trên xuống

Để xóa bớt những lo ngại của đối phương, Mỹ và Bắc Triều Tiên muốn giảm bớt tình trạng thiếu tin tưởng và tạo ra một bước ngoặt lớn thông qua phương thức “từ trên xuống”. Năm ngoái, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Ủy ban quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un có cuộc gặp thượng đỉnh lần đầu tiên tại Singapore và đạt được một thỏa thuận lớn. Song có vẻ như đó chỉ là một “cử chỉ” mang tính tượng trưng, chứ những bước đi đàm phán thiết thực thì vẫn rất bấp vênh. Điều này cho thấy cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều không thể hoàn toàn xóa bỏ sự bất tín lẫn nhau lâu nay. Tức, sự thất bại của cuộc đàm phán cấp chuyên viên Mỹ-Triều lần này khiến dư luận dấy lên những hoài nghi về khung đối thoại từ trên xuống.

Lựa chọn của ban biên tập