Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Kỳ họp Quốc hội bất thường tháng 4 kết thúc “tay trắng”

2019-05-07

Tin tức

Kỳ họp Quốc hội bất thường tháng 4 kết thúc “tay trắng”

Kết thúc kỳ họp Quốc hội bất thường tháng 4

Kỳ hợp Quốc hội bất thường tháng 4 đã kết thúc “tay trắng” thậm chí không tổ chức được một phiên họp toàn thể nào. Đó là vì phe cầm quyền và phe đối lập đã liên tiếp đối đầu nhau xung quanh việc chỉ định các dự luật cần nhanh chóng thông qua như dự thảo Luật bầu cử sửa đổi. Có thể nói, Quốc hội Hàn Quốc đã không làm được gì trong 4 tháng đầu năm nay. Quốc hội hầu như luôn trong tình trạng “vắng như chùa bà Đanh” trong tháng 1 và tháng 2, và chỉ thông qua một số các dự thảo luật không tranh cãi trong tháng 3. Hàn Quốc tự do, chính đảng đối lập lớn nhất tại Quốc hội, phản đối việc chỉ định thông qua nhanh các dự thảo luật trọng điểm, tiến hành cuộc đấu tranh bên ngoài Quốc hội và tình hình vẫn không có chút triển vọng nào.


Xúc tiến thông qua nhanh các dự luật trọng điểm

Có ba dự thảo lớn được trình lên, được chỉ định là dự luật cần nhanh chóng thông qua. Đó là dự thảo Luật bầu cử sửa đổi, dự luật về thành lập Cơ quan điều tra quan chức cấp cao về tham nhũng và dự luật điều chỉnh thẩm quyền điều tra giữa Viện Kiểm sát và Cơ quan cảnh sát. Một dự luật được chỉ định nhanh thông qua tại Quốc hội sẽ được tự động trình lên phiên họp toàn thể của Quốc hội, bất kể trong một thời gian xác định, quá trình thẩm định có hoàn tất hay không. Cơ chế này được áp dụng để ngăn ngừa tình trạng các dự thảo luật không được Quốc hội thảo luận thông qua vô thời hạn do sự mâu thuẫn gay gắt của chính giới. Tuy nhiên, lần này, tình trạng xung đột nghiêm trọng giữa phe cầm quyền và phe đối lập đã khiến Quốc hội rơi vào trạng thái “tê liệt”. Đảng cầm quyền Dân chủ đồng hành đã liên kết với ba đảng đối lập còn lại, cô lập đảng Hàn Quốc tự do, buộc đảng này phải tiến hành cuộc đấu tranh phản đối.


Mâu thuẫn của chính giới

Dự thảo Luật bầu cử sửa đổi có trọng tâm là áp dụng cơ chế bầu cử hỗn hợp nghị sĩ trúng cử theo tỷ lệ ủng hộ của cử tri với đảng. Cơ chế này phân bổ ghế nghị sĩ tại Quốc hội khá phức tạp, có lợi cho các chính đảng nhỏ, tức phương thức này cực kỳ bất lợi đối với đảng Hàn Quốc tự do, đang có số ghế nhiều nhất tại Quốc hội. Đảng này cũng phản đối dự luật thành lập Cơ quan điều tra quan chức cấp cao về tham nhũng vì cho rằng cơ quan này có thể bị lợi dụng để duy trì quyền lực của giới cầm quyền. Dự luật điều chỉnh thẩm quyền điều tra giữa Viện Kiểm sát và Cơ quan cảnh sát cũng đang gây tranh cãi gay gắt, ngay cả trong nội bộ phe cầm quyền.

Trong khi đó, ba đảng đối lập còn lại ủng hộ dự thảo Luật bầu cử sửa đổi, để đảm bảo có được nhiều ghế nghị sĩ tại Quốc hội hơn trong cuộc Tổng tuyển cử sắp tới. Đảng cầm quyền Dân chủ đồng hành đang theo đuổi việc cải cách ngành tư pháp như thành lập Cơ quan điều tra quan chức cấp cao về tham nhũng và điều chỉnh thẩm quyền điều tra giữa Viện Kiểm sát với Cơ quan cảnh sát. Tóm lại, đảng cầm quyền và ba đảng đối lập nhỏ đã nhượng bộ nhau về các vấn đề quan trọng đối với mỗi đảng, xúc tiến thông qua nhanh các dự luật trên, đẩy đảng Hàn Quốc tự do đến bước đường cùng. 


Đảng Hàn Quốc tự do đấu tranh phản đối

Đảng đối lập Hàn Quốc tự do đã “chiếm cứ” Quốc hội từ ngày 25/4 nhằm cản trở việc tiếp nhận các dự luật và tổ chức các phiên họp. Trong bối cảnh đối đầu cực độ, chính giới đã có cuộc “ẩu đả” gay gắt, gây hỗn loạn tại Quốc hội. Cuối cùng, giữa đêm 29/4 đến ngày 30/4, các chính đảng còn lại đã vượt qua “hàng rào phong tỏa” của đảng Hàn Quốc tự do, tiến hành chỉ định thành công các dự luật cần nhanh chóng thông qua. Đáp lại, đảng Hàn Quốc tự do đã tẩy chay Quốc hội, ra ngoài đường biểu tình. Như vậy, kỳ họp Quốc hội bất thường tháng 4 đã kết thúc mà không thảo luận thông qua một dự luật kinh tế, dân sinh nào trong đó có dự thảo ngân sách bổ sung.

Ngay cả khi Quốc hội mở kỳ họp trong tháng 5, cũng chưa chắc việc thẩm định thông qua các dự luật sẽ được thực hiện như kỳ vọng hay không. Đảng cầm quyền Dân chủ đồng hành đang kêu gọi đảng Hàn Quốc tự do quay trở lại Quốc hội đàm phán. Tuy nhiên, đảng đối lập lớn nhất khẳng định bước đầu tiên để giải quyết vấn đề là đảng cầm quyền phải xin lỗi và từ bỏ việc thông qua nhanh chóng các dự luật. Thời điểm hiện tại vẫn chưa có một dấu hiệu nào cho thấy chính giới có thể tháo gỡ được tình trạng đối đầu hiện nay. 


Triển vọng

Đảng cầm quyền Dân chủ đồng hành đang có kế hoạch bầu Đại diện mới tại Quốc hội ngày 8/5. Tân đại diện tại Quốc hội của đảng Dân chủ đồng hành sẽ không “vướng bận” về vấn đề các dự luật cần nhanh chóng thông qua do đại diện mới sẽ không bị buộc tội là chủ mưu của vụ việc. Đây cũng sẽ là cơ hội để đảng Hàn Quốc tự do thoát khỏi gánh nặng khi phải đấu tranh vô thời hạn bên ngoài Quốc hội.

Lựa chọn của ban biên tập