Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Điện đàm thượng đỉnh Hàn-Mỹ sau vụ thử vũ khí của miền Bắc 

2019-05-08

Tin tức

Điện đàm thượng đỉnh Hàn-Mỹ sau vụ thử vũ khí của miền Bắc 

Sau vụ thử vũ khí của Bắc Triều Tiên ngày 4/5, lãnh đạo Hàn-Mỹ đã có cuộc điện đàm đầu tiên vào đêm ngày 7/5 (theo giờ Hàn Quốc), với trọng tâm là thảo luận phương án vực dậy động lực đối thoại Mỹ-Triều, đồng thời gửi thông điệp về việc không để miền Bắc đi chệch khỏi quỹ đạo đối thoại. 


Lập trường của Hàn Quốc và Mỹ

Trước tiên, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tránh quy kết tính chất của vũ khí mà Bắc Triều Tiên thử nghiệm vừa qua. Một khi lãnh đạo Hàn-Mỹ nhận định vũ khí phóng thử của miền Bắc là “tên lửa đạn đạo”, thì đó rõ ràng là sự vi phạm nghị quyết cấm vận Bắc Triều Tiên của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Điều này sẽ đẩy cao căng thẳng trên bán đảo Hàn Quốc.

Trong thời gian qua, Chính phủ Hàn Quốc và Mỹ đã phản ứng hết sức thận trọng về vụ thử vũ khí của miền Bắc. Seoul vẫn duy trì lập trường cho rằng “đạn tầm ngắn” của Bình Nhưỡng khó có thể là tên lửa tầm ngắn. Washington cũng không dùng đến từ “tên lửa”. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo còn nhấn mạnh rằng vũ khí phóng thử của miền Bắc đã không vượt qua ranh giới quốc tế. Lập trường thận trọng trên của Mỹ và Hàn Quốc được cho là nhằm thể hiện quyết tâm không phá vỡ khung đàm phán hướng tới phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên.


Nỗ lực khôi phục đàm phán phi hạt nhân hóa

Trong cuộc điện đàm, hai Tổng thống cùng khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ với nhau để đưa ra biện pháp đối phó phù hợp. Cùng với đó, hai bên cũng trao đổi ý kiến về phương án nối lại đàm phán phi hạt nhân hóa trong thời gian sớm nhất có thể. Điều này đồng nghĩa là Seoul và Washington đều nhìn nhận rằng động thái thử vũ khí của Bình Nhưỡng không phải là hành động khiêu khích nghiêm trọng, đi ngược với xu hướng đối thoại trong thời gian gần đây.

Theo đó, bất chấp miền Bắc đã có động thái khiêu khích nhẹ, song Hàn Quốc và Mỹ dự kiến sẽ nỗ lực để duy trì bầu không khí đối thoại giữa các bên. Điều này cũng có nghĩa là bước đi làm “trung gian” của Tổng thống Moon Jae-in dự kiến cũng sẽ chính thức được triển khai. Trong cuộc điện đàm lần này, Tổng thống Trump cũng tái xác nhận lập trường ủng hộ Tổng thống Moon về quyết tâm đối thoại với miền Bắc, nội dung mà ông Trump đã từng khẳng định tại Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ vào tháng trước. Điều này đã tạo thêm động lực để sớm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh liên Triều.


Tổng thống Mỹ ủng hộ viện trợ lương thực cho miền Bắc

Một điểm nữa thu hút sự quan tâm của dư luận chính là việc người đứng đầu Nhà Trắng bày tỏ lập trường ủng hộ việc viện trợ nhân đạo lương thực cho Bắc Triều Tiên. Truyền thông quốc tế cho rằng, miền Bắc hiện đang đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng, nguyên nhân là do tình hình sản xuất lương thực trong nước giảm mạnh vì tác động của các lệnh cấm vận quốc tế. Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc, Chương trình lương thực thế giới (WFP) đều nhận định sản lượng lương thực của miền Bắc hiện đang trong tình trạng tồi tệ nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

Về phần mình, Bắc Triều Tiên đang mạnh mẽ kêu gọi cộng đồng quốc tế giảm nhẹ cấm vận. Tuy nhiên, Mỹ vẫn kiên định với lập trường không giảm nhẹ trừng phạt cho tới khi nước này thực hiện giải trừ hạt nhân. Do đó, có thể nói, việc Tổng thống Trump tỏ ý ủng hộ việc viện trợ nhân đạo lương thực cho Bình Nhưỡng kỳ vọng sẽ trở thành chất xúc tác cho đối thoại song phương.


Bắc Triều Tiên dù đã có động thái khiêu khích nhưng không quá mức, còn Hàn Quốc và Mỹ đều hạ thấp mức độ đối phó. Điều này sẽ là nền tảng đối thoại trong tương lai và dự kiến các bên sẽ có các bước cụ thể để nối lại đối thoại trong thời gian tới.

Lựa chọn của ban biên tập