Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Rà soát tác động của căng thẳng thương mại Mỹ-Trung tới nền kinh tế đất nước

2019-05-13

Tin tức

Rà soát tác động của căng thẳng thương mại Mỹ-Trung tới nền kinh tế đất nước

Đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào. Dù vậy, hai bên đều không phá vỡ khuôn khổ đàm phán. Theo đó, kết quả này trước mắt sẽ không gây tác động lớn đến nền kinh tế thế giới, song vẫn còn đó những yếu tố bất ổn và cả hai đều không muốn kéo dài căng thẳng.


Hàn Quốc họp bàn biện pháp đối phó

Chính phủ Hàn Quốc ngày 13/5 đã tổ chức cuộc họp tài chính và kinh tế vĩ mô để rà soát tình hình và thảo luận đối sách. Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) cùng ngày cũng mở cuộc họp của nhóm đối sách tiền tệ, kiểm tra những tác động tới thị thường tài chính, ngoại hối trong nước. BOK cho biết sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình, còn Chính phủ nhấn mạnh sẽ có biện pháp ổn định thị trường kịp thời trong tình huống khẩn cấp.


Những tác động đến kinh tế Hàn Quốc

Trường hợp đàm phán thương mại Mỹ-Trung sụp đổ, châm ngòi cho cuộc chiến thuế quan giữa hai nước này bùng nổ, khi đó nền kinh tế Hàn Quốc sẽ không tránh khỏi một cú sốc lớn. Bởi Hàn Quốc có nền kinh tế phụ thuộc tuyệt đối vào xuất khẩu, trong đó Mỹ và Trung Quốc là hai thị trường lớn nhất. Do đó, việc hai nước này xung đột về thuế quan có nghĩa là Hàn Quốc sẽ chịu tác động kép.

Quy mô hàng xuất khẩu của Bắc Kinh bị Washington đánh thuế 25% lên tới 525 tỷ USD. Nếu Mỹ tiến hành áp thuế suất cao với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc thì xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ sẽ giảm đáng kể. Điều này sẽ tác động trực tiếp, khiến hàng xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc sẽ giảm theo. Đó là bởi Seoul thường xuất khẩu bán thành phẩm, nguyên liệu phục vụ sản xuất các mặt hàng tới Bắc Kinh và nước này bán sản phẩm hoàn thiện sang Washington. Một khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng trì trệ do xuất khẩu giảm, thì toàn bộ xuất khẩu của Hàn Quốc sang thị trường này nói chung cũng sẽ chịu tác động lớn.


Những tác động đến nền kinh tế thế giới

Nếu Trung Quốc thực hiện biện pháp trả đũa Mỹ, thì tác động của việc này sẽ có sức “tàn phá” còn cao hơn nữa. Biện pháp trả đũa của Bắc Kinh là tăng mức áp thuế lên 25% với hàng xuất khẩu của Mỹ có quy mô tương đương 60 tỷ USD. Trong trường hợp này, tính đến năm 2020, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ và Trung Quốc ước tính sẽ giảm lần lượt là 0,3% và 0,8%. Điều này sẽ kéo GDP trên toàn thế giới giảm 0,3%.

Một kịch bản tồi tệ nữa cũng được nhắc đến là trường hợp Washington thực hiện tất cả những biện pháp nhằm tăng cường “chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch” đã đề cập đến trong thời gian qua. Trong trường hợp này, Mỹ sẽ đánh thuế 35% đối với toàn bộ hàng có xuất xứ Trung Quốc, 25% với tất cả xe ô tô nhập khẩu và 10% với hàng nhập khẩu từ Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU). Hệ quả là sẽ khiến cho GDP trên toàn thế giới bị giảm đi 1,7%. Và thiệt hại mà Hàn Quốc sẽ hứng chịu sẽ lớn hơn bất cứ một nước nào khác.

Hiện nay, xuất khẩu của Hàn Quốc đang khó tránh khỏi xu thế giảm do ngành công nghiệp chíp bán dẫn suy thoái. Tình hình này kết hợp với những yếu tố rủi ro từ đàm phán thương mại Mỹ-Trung khiến cho triển vọng về kinh tế Hàn Quốc trong tương lai là không mấy sáng sủa.


Biện pháp đối phó

Theo nhận định của Chính phủ và các cơ quan tài chính Hàn Quốc, tác động từ mâu thuẫn thương mại Mỹ-Trung đối với Hàn Quốc chỉ ở mức hạn chế, cảnh giác tâm lý bất ổn lây lan trong nước. Thứ trưởng Kế hoạch và tài chính Lee Ho-seung lạc quan một cách thận trọng về sự ổn định của thị trường tài chính. Thứ trưởng Lee cho rằng dù thị trường tài chính trong nước sẽ chịu một số tác động tùy thuộc vào diễn biến tình hình đàm phán, song Hàn Quốc có nền tảng vững chắc trước các yếu tố từ bên ngoài. Chính phủ có kế hoạch sẽ tăng cường theo dõi cũng như thường xuyên mở các cuộc họp với các cơ quan liên quan để rà soát tình hình. Bên cạnh gia tăng sức cạnh tranh của ngành xuất khẩu, về mặt cơ cấu, Chính phủ cũng sẽ tiếp tục nỗ lực đa dạng hóa ngành thương mại.

Lựa chọn của ban biên tập