Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Chiến lược của Bắc Triều Tiên để nhận viện trợ từ Trung Quốc

2019-05-20

Tin tức

Chiến lược của Bắc Triều Tiên để nhận viện trợ từ Trung Quốc

Trung Quốc đã viện trợ gạo và phân bón cho miền Bắc

Việc Trung Quốc viện trợ gạo và phân bón miễn phí cho Bắc Triều đã được phỏng đoán ngay từ trước và sau chuyến thăm Trung Quốc lần thứ 3 của Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ miền Bắc Kim Jong-un vào năm ngoái. Tuy nhiên, việc này chỉ mới được xác nhận gần đây thông qua tài liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Nhiều ý kiến nhận định rằng, qua đây Bắc Kinh đã thể hiện thành ý riêng của mình trong vấn đề này. Tức phương án viện trợ gạo và phân bón đã được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc không thể viện trợ với quy mô lớn cho miền Bắc bởi vướng các lệnh cấm vận quốc tế. Tuy nhiên, cũng có ý kiến phân tích rằng có lẽ Bình Nhưỡng đã khá bất bình bởi điều kiện viện trợ trên không tương xứng với giá trị to lớn của Hội nghị thượng đỉnh Trung-Triều.

Mặc dù vậy, điều đáng chú ý là Trung Quốc đã viện trợ một lượng lớn phân u-rê cho Bắc Triều Tiên, tương đương với tổng lượng phân u-rê mà miền Bắc đã nhập khẩu trong năm 2016. Trước đó, vào năm 2013, Bắc Kinh cũng từng viện trợ 200.000 tấn phân u-rê cho Bình Nhưỡng. Được biết, cứ 1 tấn phân u-rê sẽ giúp tăng 2 tấn sản lượng lương thực. Do đó, lượng phân bón Trung Quốc hỗ trợ cho miền Bắc lần này là không hề nhỏ.


Chiến lược của miền Bắc

Năm nay, Bắc Kinh dường như đang tăng viện trợ cho Bình Nhưỡng, trong khi mối quan hệ Trung-Triều cũng trở nên thân thiết hơn. Có lẽ là bởi năm nay là kỷ niệm 70 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao song phương. Sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai tại Hà Nội thất bại, miền Bắc đã thực hiện chiến lược tích cực lôi kéo Trung Quốc và Nga làm đồng minh. Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã có chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 1 năm nay và chuyến thăm Nga vào tháng 4 vừa qua. Đây được xem như một nước cờ nhằm mở rộng sự ủng hộ của Bắc Kinh, đồng thời xây dựng chiến tuyến Trung-Nga-Triều.


Bắc Kinh và Bình Nhưỡng thắt chặt quan hệ

Trong bối cảnh này, xuất hiện một số tin tức cho rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang cân nhắc chuyến thăm Bắc Triều Tiên. Một khi Chủ tịch Trung Quốc thăm miền Bắc, thì việc hỗ trợ cho Bình Nhương đương nhiên sẽ diễn ra sau đó. Bởi vậy, quy mô viện trợ không hoàn lại cho Bình Nhưỡng của Bắc Kinh dự kiến sẽ lớn hơn rất nhiều so với năm ngoái. Trên thực tế, có nhiều dấu hiệu cho thấy điều này. Trong tháng 3 vừa qua, kim ngạch thương mại Trung-Triều đã tăng 38,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu của Bắc Triều Tiên sang Trung Quốc đạt 16,56 triệu USD, tăng 33,7% so với năm 2018. Nhập khẩu cũng tăng 38,5%, đạt 197,95 triệu USD. Nguyên nhân được cho là do “hiệu ứng cơ sở” (Base Effect) từ việc thương mại giảm sút trong năm ngoái bởi các lệnh cấm vận miền Bắc của cộng đồng quốc tế. Bên cạnh đó, một số phân tích nhận định rằng đó là do quan hệ Trung-Triều trở nên thân thiết hơn sau khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai hồi cuối tháng 2 vừa qua không đạt được thỏa thuận nào. Ngoài ra, một số ý kiến lại cho rằng kết quả này là nhờ vào việc miền Bắc và Trung Quốc đã tìm được lộ trình mới để né tránh các lệnh trừng phạt.


Thời gian qua, Bắc Kinh luôn đóng vai trò là “con đường sống” cho Bình Nhưỡng trong bối cảnh miền Bắc bị bủa vây bơi các lệnh cấm vận quốc tế. Bắc Triều Tiên chủ yếu vẫn huy động các vật tư chiến lược thông qua Trung Quốc. Còn Trung Quốc đã luôn hỗ trợ miền Bắc trong khuôn khổ cho phép của các lệnh cấm vận. Sau khi không đạt được thỏa thuận nào với Washington tại Hà Nội, Bình Nhưỡng đang cho thấy tư thế sẵn sàng đối phó với một cuộc chiến dài hơi. Đầu tiên là việc lôi kéo Trung Quốc và Nga làm đồng minh, dựa vào hai nước này để đảm bảo được nhận tối đa viện trợ hàng hóa, nhằm có thể đối phó với các biện pháp trừng phạt của cộng đồng quốc tế. 

Lựa chọn của ban biên tập