Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Các tổ chức tài chính quốc tế đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc năm 2019 

2019-05-22

Tin tức

Các tổ chức tài chính quốc tế đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc năm 2019 

Xu hướng đánh giá bi quan về triển vọng kinh tế Hàn Quốc

Những đánh giá bi quan về triển vọng kinh tế Hàn Quốc đang ngày càng lan rộng. Các tổ chức và ngân ngân hàng đầu tư trong và ngoài nước hiện đang lần lượt điều chỉnh hạ dự báo triển vọng tăng trưởng. Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) và Viện nghiên cứu phát triển Hàn Quốc (KDI) đã hạ dự báo về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc trong năm nay xuống còn 2,4%. Theo thống kê của Trung tâm tài chính quốc tế Hàn Quốc (KCIF), bình quân mức dự báo tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc năm nay của 9 ngân hàng đầu tư lớn trên thế giới dừng ở 2,3%, giảm 0,2% chỉ trong vòng một tháng trở lại đây.


Dự đoán của các ngân hàng đầu tư lớn trên thế giới

Xét theo từng ngân hàng đầu tư, ngân hàng Nomura của Nhật Bản đưa ra mức dự đoán bi quan nhất với 1,8%. Tiếp đó, ngân hàng Barclays của Anh và ngân hàng Goldman Sachs của Mỹ lần lượt đưa ra mức dự báo là 2,2% và 2,3%. Trong khi đó, ngân hàng HSBC có trụ sở tại Anh lại dự đoán lạc quan nhất về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc trong năm nay là 2,6%. Capital Economics, một cơ quan phân tích kinh tế tại Anh, dự đoán kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng 1,8% trong năm nay, 2% vào năm 2020 và 2,5% trong năm 2021. Điều này có nghĩa là chỉ trong vòng ba năm, kinh tế Hàn Quốc khó có thể khôi phục lại kết quả tăng trưởng của năm 2018.


Yếu tố tác động

Nguyên nhân đầu tiên khiến xu thế tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc chững lại được chỉ ra là bởi các yếu tố tác động từ bên ngoài. Kinh tế toàn cầu trì trệ và giao thương giảm sút đã mang lại một cú sốc cho nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á. Trên thực tế, từ cuối năm ngoái đến nay, xuất khẩu của Seoul chưa thể thoát ra khỏi xu thế giảm. Đặc biệt, xu hướng giảm của ngành công nghiệp chíp bán dẫn, mặt hàng xuất khẩu chủ chốt nhất của Hàn Quốc, là một “đòn chí mạng” với kinh tế trong nước. Cùng với đó, môi trường đầu tư của doanh nghiệp trở nên xấu đi cũng là một yếu tố được đề cập đến.

Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế giải thích rằng triển vọng xu thế tăng trưởng kinh tế trì trệ phản ánh được sự giảm sút của nhu cầu trong nước và giao thương toàn cầu. Tổ chức này còn chỉ ra các yếu tố khác như xuất khẩu giảm, ngành công nghiệp chíp bán dẫn đi xuống. Yếu tố tác động bên trong được nêu lên như đầu tư cố định giảm và sự co hẹp về tuyển dụng. Ngoài ra, việc tăng đột xuất lương tối thiểu trong bối cảnh tái cơ cấu ngành sản xuất đã hạn chế tạo ra việc làm. Những yếu tố do OECD “điểm mặt” không khác biệt so với phân tích của Viện nghiên cứu phát triển Hàn Quốc.

Ngân hàng Nomura chỉ ra rằng xu thế giảm của nhu cầu trong và ngoài nước đang tạo gánh nặng cho tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc. Ngân hàng này nhận định ngân sách bổ sung của Seoul không đủ để bù đắp cho sự trì trệ của nền kinh tế như xuất khẩu giảm sút. Ngân hàng đầu tư hàng đầu của Mỹ Bank of America Merrill Lynch cũng liệt kê các yếu tố tác động như sự chững lại của nhu cầu trong ngành công nghiệp toàn cầu, kế hoạch chi tiêu khiêm tốn của các doanh nghiệp và môi trường đầu tư trở nên xấu đi.


Tình hình tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc

Kinh tế Hàn Quốc ghi nhận mức tăng trưởng âm trong quý I năm nay. Xuất khẩu giảm 6 tháng liên tiếp, từ tháng 12 năm ngoái cho tới tháng 5 năm nay. Đầu tư thiết bị trong quý I giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, lần đầu tiên sau 2 năm 4 tháng, Chính phủ Hàn Quốc đã phải dùng từ “trì trệ” trong báo cáo “Xu hướng kinh tế gần đây” công bố vào tháng 4 vừa qua. Trong tháng 5, Chính phủ vẫn giữ nguyên các nhận định như “yếu tố rủi ro khiến kinh tế đi xuống đang mở rộng”, “các chỉ số kinh tế trì trệ”.

Lựa chọn của ban biên tập