Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Nguyên tắc quốc tế đầu tiên về phát triển trí tuệ nhân tạo

2019-05-25

Tin tức

ⓒYONHAP News

Ngày 22/5, ngày họp đầu tiên của Hội nghị Bộ trưởng thường niên, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã thông qua dự thảo khuyến nghị “Nguyên tắc của OECD về trí tuệ nhân tạo” với sự nhất trí toàn diện của 42 nước.

 

Nội dung dự thảo khuyến nghị

Theo nội dung dự thảo, trí tuệ nhân tạo phải theo đuổi phát triển bền vững, xây dựng một cuộc sống hạnh phúc và khoẻ mạnh, mang lại lợi ích cho con người và Trái đất. Đặc biệt, OECD khuyến nghị hệ thống trí tuệ nhân tạo phải được thiết kế đảm bảo tôn trọng về sự chi phối của luật pháp, nhân quyền, giá trị dân chủ, tôn trọng tính đa dạng, và phải bao gồm các biện pháp an toàn thích hợp, vì một xã hội công bằng, chính nghĩa, như cho phép con người có thể can thiệp vào những nơi cần thiết. Ngoài ra, dự thảo yêu cầu phải đảm bảo quy trình công khai minh bạch với toàn bộ hệ thống trí tuệ nhân tạo, sao cho người dùng có thể hiểu và đưa ra phản bác về kết quả khi vận hành trí tuệ nhân tạo. OECD đề xuất Chính phủ các nước thúc đẩy đầu tư cả ở khối Nhà nước và tư nhân vào nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo một cách đáng tin cậy, kêu gọi các nước chia sẻ thông tin, hợp tác cùng nhau trong việc hình thành tiêu chuẩn quốc tế, nhằm quản lý và giám sát một cách có trách nhiệm đối với trí tuệ nhân tạo.

 

Quá trình thông qua dự thảo và ý nghĩa

Dự thảo khuyến nghị lần này có sự tham gia của 42 nước, trong đó có 36 nước thành viên của OECD cùng 6 nước Bra-xin, Argentina, Colombia, Costa Rica, Peru và Ru-ma-ni. Hàn Quốc, vốn là một cường quốc về công nghệ thông tin, đã đóng vai trò chủ đạo trong quá trình thảo luận dự thảo. Thứ trưởng Bộ Khoa học, công nghệ thông tin và truyền thông Hàn Quốc Min Won-ki giữ vai trò là trưởng Nhóm chuyên gia về trí tuệ nhân tạo của OECD, gồm hơn 50 thành viên từ Chính phủ các nước, giới học giả, doanh nghiệp và khối dân sự. Thứ trưởng Min được công nhận là một chuyên gia hàng đầu về chính sách quốc tế ở lĩnh vực khoa học công nghệ. Trong năm nay, Hàn Quốc giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng của OECD.

Dự thảo khuyến nghị mang ý nghĩa rất lớn, bởi đây là thỏa thuận quốc tế đầu tiên liên quan tới tương lai của trí tuệ nhân tạo. Mặc dù không mang tính ràng buộc về mặt pháp lý, nhưng cho tới nay, trên thế giới vẫn chưa có một nguyên tắc quốc tế nào về trí tuệ nhân tạo. Do đó, dự thảo sẽ trở thành một tiêu chuẩn quan trọng về tương lai của các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, robot. Về điều này, OECD nhấn mạnh rằng đây là lần đầu tiên các nước chính thức thông qua một hướng dẫn chính sách liên Chính phủ về trí tuệ nhân tạo. OECD sẽ sớm lập ra một hướng dẫn cụ thể khác dựa trên nội dung dự thảo khuyến nghị này.

 

Tương lai của trí tuệ nhân tạo

Trí tuệ nhân tạo (AI) được định nghĩa là một phần hay toàn bộ năng lực trí tuệ của con người được thực hiện bằng hệ thống nhân tạo. Ví dụ như nếu áp dụng một số quy tắc cơ bản vào máy tính thì máy tính sẽ tự sử dụng thông tin được nhập để tự phát triển. Trí tuệ nhân tạo có thể được ứng dụng đa dạng trong môi trường công nghiệp hay cuộc sống thực. Trợ lý ảo trên smartphone là một ví dụ tiêu biểu về trí tuệ nhân tạo. Trí tuệ nhân tạo được coi là nền tảng quan trọng trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Do đó, các nước lớn trên thế giới đang chạy đua quyết liệt ở lĩnh vực này, và Hàn Quốc cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng Chính phủ còn thiếu hỗ trợ, chưa nới lỏng quy chế ở lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Viện khoa học và công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST) là cơ quan đứng đầu châu Á, đứng thứ 16 thế giới về thành tích công bố luận văn ở lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, vượt lên trên cả Facebook hay Đại học Thanh Hoa của Trung Quốc, cho thấy Hàn Quốc đang tích lũy được nhiều kiến thức và kinh nghiệm về lĩnh vực này. Ngược lại, Hàn Quốc lại xếp cuối trong số 15 quốc gia lớn về lượng nhân tài liên quan tới lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, cho thấy Chính phủ cần phải tích cực bồi dưỡng cả về nhân lực và trình độ công nghệ trí tuệ nhân tạo trong thời gian tới.

Lựa chọn của ban biên tập