Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Cuộc đua giành vị trí bá chủ công nghệ Mỹ-Trung

2019-05-25

Tin tức

ⓒKBS News

Các doanh nghiệp công nghệ thông tin (IT) của Mỹ, trong đó có Google, đã dừng cung cấp phụ tùng cho Huawei, hãng thiết bị viễn thông lớn của Trung Quốc. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang mở rộng, trở thành cuộc chạy đua giành vị trí bá chủ công nghệ thế giới.

 

Cuộc đua bá quyền công nghệ Mỹ-Trung

Tổng thống Mỹ Donald Trump lấy lý do chính là “Trung Quốc ăn cắp công nghệ” để khơi mào cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh. Ông Trump cho rằng hành vi của Trung Quốc đang xâm hại tới nền kinh tế Mỹ, hối thúc Bắc Kinh thay đổi chính sách công nghiệp, thương mại, mở màn cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Thực tế, cuộc đua tranh giành ngôi vị bá chủ công nghệ giữa hai nước là điều đã được dự báo từ trước. Chính phủ Tổng thống Donald Trump tập trung vào lĩnh vực công nghệ thông tin, và nhắm tới đối tượng cụ thể là Huawei, doanh nghiệp IT tiêu biểu của Trung Quốc, và cũng là doanh nghiệp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới. Bộ Thương mại Mỹ ngày 16/5 vừa qua đã liệt Huawei và 68 công ty con của hãng này vào danh sách đen hạn chế giao dịch. Các công ty trên phải được Chính phủ Mỹ cho phép nếu mua linh kiện từ doanh nghiệp của Mỹ. Sau đó, các công ty chíp bán dẫn của Mỹ như Intel, Qualcomm, Xilinx và Broadcom đã dừng cung cấp linh kiện cho Huawei cũng như các công ty con của hãng này. Đặc biệt, Google cũng đã ngừng cung cấp một số phần cứng và dịch vụ phần mềm với Huawei.

 

Tác động

Tình hình hiện nay dự kiến sẽ tác động lớn tới ngành công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) toàn thế giới. Trước tiên, Huawei sẽ gặp trở ngại lớn trong bối cảnh hãng này đang chuẩn bị thương mại hóa mạng viễn thông di động thế hệ thứ 5 (5G). Huawei sẽ không thể sử dụng hệ điều hành Android của Google, khiến cho việc cung cấp smartphone bị giảm mạnh. Nếu tình hình này diễn biến thành “chiến tranh lạnh công nghệ” kéo dài sẽ tác động tới toàn ngành công nghiệp số. Khi đó, Trung Quốc, nước vốn đang duy trì mạng internet với tường lửa (fire wall) và kiểm duyệt gắt gao, sẽ càng đóng cửa hơn với thế giới bên ngoài. Ngược lại, thế giới sẽ tăng cường ngăn chặn công nghệ của Trung Quốc. Kết cuộc, điều này sẽ chia rẽ thế giới bằng “bức màn sắt công nghệ số” ở lĩnh vực công nghệ thông tin. Ngoài ra, một số ý kiến lo ngại Trung Quốc có thể dùng tới quân bài “kiểm soát đất hiếm”. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 20/5 vừa qua đã tới thị sát tỉnh Giang Tây, thể hiện mối quan tâm lớn tới dự án đất hiếm ở đây, để ngỏ khả năng Bắc Kinh có thể sử dụng quân bài đất hiếm để trả đũa, ngăn chặn công nghệ của Mỹ. Đất hiếm vốn là một nguyên liệu sản xuất nhiều sản phẩm tiên tiến, như chíp bán dẫn. 95% sản lượng đất hiếm trên toàn thế giới tập trung ở Trung Quốc. Theo đó, nếu Trung Quốc dừng xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ thì sẽ tác động không nhỏ tới các doanh nghiệp liên quan của Mỹ, cũng như toàn thế giới.

 

Ảnh hưởng tới nền kinh tế Hàn Quốc

Có ý kiến phân tích tình hình hiện nay chỉ ảnh hưởng ở mức hạn chế tới nền kinh tế Hàn Quốc. Trước tiên, việc giao dịch với Huawei bị thu hẹp là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, trong thời gian qua Huawei chủ yếu sử dụng linh kiện trong nước hoặc nhập từ Nhật Bản, tỷ trọng giao dịch với doanh nghiệp Hàn Quốc là không lớn, nên Seoul không nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp. Hãng này chỉ chiếm dưới 5% tỷ trọng doanh thu chíp bán dẫn của hãng điện tử Samsung hay SK Hynix. Công ty Điện cơ Samsung (Samsung Electro-Mechanics) hay LG Innotek cũng đang giao dịch với Huawei về linh kiện điện thoại di động, nhưng tỷ trọng rất nhỏ. Tuy nhiên, nếu cuộc đối đầu công nghệ giữa hai cường quốc kéo dài thì sẽ không tránh khỏi gây thiệt hại cho các doanh nghiệp IT của Hàn Quốc, vốn chiếm tỷ trọng cao trong xuất khẩu.

Lựa chọn của ban biên tập