Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Hạ dự báo về triển vọng tăng trưởng Hàn Quốc năm 2019

2019-05-25

Tin tức

ⓒKBS News

Viện nghiên cứu phát triển Hàn Quốc (KDI), một cơ quan nghiên cứu chính sách Nhà nước, trong báo cáo “Triển vọng kinh tế nửa đầu năm 2019” công bố ngày 22/5 dự báo: kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng 2,4% trong năm nay, thấp hơn 0,2% so với mức 2,6% đưa ra trước đó. Mức dự báo của KDI thấp hơn so với dự báo của Chính phủ (từ 2,6% đến 2,7%), và của Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (2,6%), nhưng bằng với dự báo của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đưa ra một ngày trước đó.

 

Báo cáo của KDI

KDI đánh giá toàn bộ nền kinh tế Hàn Quốc gần đây đang có dấu hiệu chững lại, đầu tư bị co hẹp, xu hướng tăng của tiêu thụ nội địa suy giảm. Đặc biệt, xuất khẩu đang rơi vào đình trệ nghiêm trọng, chịu ảnh hưởng từ xu hướng tăng trưởng chậm của kinh tế toàn cầu, ngành chíp bán dẫn tụt dốc từ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu năm nay được dự báo giảm 6%, và chỉ tăng 2,3% trong năm sau. KDI nhận định đầu tư thiết bị sẽ giảm 4,8%, đầu tư xây dựng giảm 4,3%. Tiêu dùng tư nhân được dự báo chỉ tăng 2,2% trong năm nay, và 2,4% trong năm sau, do tỷ lệ tăng trưởng kinh tế giảm, các điều kiện thương mại xấu đi làm hạn chế sức mua thực tế. Giá tiêu dùng được cho là sẽ tăng 0,7% trong năm nay và 1,3% trong năm sau. Bất chấp tình hình kinh tế đi xuống, KDI vẫn giữ nguyên dự báo về tỷ lệ thất nghiệp là 3,9% trong năm nay và 3,8% trong năm sau, nhờ ảnh hưởng từ các chính sách việc làm của Chính phủ. Lao động có việc làm dự kiến tăng bình quân ở ngưỡng 200.000 người/tháng trong năm 2019.

 

Nhận định

KDI giải thích yếu tố lớn nhất khiến cơ quan này hạ dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2019 là do tình hình kinh tế toàn cầu đang xấu đi nhanh hơn dự kiến, mức độ đóng góp của xuất khẩu vào tăng trưởng kinh tế đang ngày một giảm đi. KDI phân tích nếu không tính đến hiệu quả từ lĩnh vực chíp bán dẫn, thì kinh tế Hàn Quốc vẫn đang giậm chân tại chỗ, chưa thoát khỏi được thời kỳ tăng trưởng thấp dài hạn kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nói cách khác, nhờ “thời kỳ hoàng kim” của chíp bán dẫn mà tỷ lệ tăng trưởng kinh tế đã đạt ở mức cao, nhưng khi hiệu quả từ chíp bán dẫn không còn nữa thì nền kinh tế Hàn Quốc lại đang tụt dốc nhanh chóng, quay trở lại xu hướng trước đây. Mặc dù vẫn chưa có dấu hiệu về một cuộc khủng hoảng, nhưng không thể loại trừ nguy cơ này trong tình hình hiện nay. KDI dự đoán kinh tế Hàn Quốc tụt dốc tới điểm thấp nhất trong quý IV năm nay hoặc nửa đầu năm sau. Ngoài ra, Viện nghiên cứu phát triển Hàn Quốc cũng lo ngại các yếu tố trong và ngoài nước như diễn biến tranh chấp thương mại Mỹ-Trung, tác dụng phụ ngắn hạn từ những thay đổi trong chính sách thị trường lao động, như lương tối thiểu, có thể khiến các chỉ số xấu hơn so với dự báo.

 

Ý nghĩa và đối phó

Không chỉ KDI, các ngân hàng đầu tư lớn và các tổ chức nghiên cứu quốc tế khác cũng đang có chung xu hướng hạ dự báo về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc. Ngân hàng Nomura của Nhật Bản đưa ra mức dự báo bi quan nhất là 1,8%, trong khi ngân hàng HSBC có trụ sở tại Anh dự báo là 2,6%. Theo KDI, để chủ động đối phó với sự thu hẹp nhu cầu trong và ngoài nước về ngắn hạn, Chính phủ cần phải kết hợp chính sách tài chính và chính sách tiền tệ theo hướng mở rộng. Tuy nhiên, dù tích cực rót ngân sách để thúc đẩy kinh tế, Chính phủ vẫn phải nỗ lực giảm thiểu ảnh hưởng tới nền tảng tài chính. KDI nhấn mạnh Chính phủ cần sẵn sàng thực hiện “biện pháp tích cực”, trong đó bao gồm việc hạ lãi suất. Ngoài ra, xét về trung và dài hạn, cần phải lập mục tiêu nâng cao hiệu quả chính sách kinh tế.

Lựa chọn của ban biên tập